(HBĐT) - Trẻ em được quan tâm chăm sóc, giáo dục tốt hơn; tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bạo lực từng bước hạn chế; tạo mọi điều kiện và dành cơ hội để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, nhân cách và trí tuệ là những nỗ lực từ các cấp, ngành của huyện Đà Bắc nhằm đưa công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em chuyển biến tích cực về chất.
Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Đà Bắc tìm hiểu thông tin về quyền trẻ em qua sách, báo.
Diễn biến của đại dịch Covid-19 đã khiến đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, trẻ em nói riêng bị ảnh hưởng. Năm 2021, các xã, thị trấn, trường học trên địa bàn huyện đã quan tâm xây dựng môi trường an toàn để trẻ được tham gia vui chơi, hoạt động. Không tổ chức các hoạt động dịp Quốc tế Thiếu nhi (1/6) nhưng gia đình, cộng đồng vẫn có hình thức động viên trẻ em kịp thời. Dịp Tết Trung thu, các em được tổ chức liên hoan văn nghệ tại trường học theo quy mô lớp, nhóm lớp.
Đặc biệt, nhằm thực hiện quyền tham gia của trẻ em, UBND huyện đã phối hợp Sở LĐ-TB&XH tổ chức diễn đàn trẻ em với chủ đề "Lan tỏa yêu thương - Đẩy lùi bạo lực, xâm hại trẻ em”. Diễn đàn thu hút sự tham gia của 230 trẻ em, đại diện cho hơn 16.000 trẻ em toàn huyện. Các tổ chức Childfun, Ric phối hợp tặng 260 suất quà cho trẻ em tham dự. Ngoài ra, tại xã Tiền Phong, Dự án AEA tổ chức 1 diễn đàn có sự tham gia của 300 trẻ em. Các diễn đàn là cơ hội để các em tìm hiểu về Luật Trẻ em, được tham gia, trình bày ý kiến, đối thoại với các lãnh đạo về những vấn đề các em quan tâm.
Trong năm 2021, Ban Chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc trẻ em huyện đã xây dựng kế hoạch, kêu gọi ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em với tổng số tiền huy động được 75 triệu đồng. Nguồn quỹ trích kinh phí thăm hỏi, động viên 8 trẻ và gia đình có trẻ bị tai nạn thương tích. Tặng 200 suất quà cho trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ có bố mẹ tham gia trực chốt, khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, huyện tiếp nhận từ nhà tài trợ và chuyển gần 5.400 hộp sữa Vinamilk tặng 384 trẻ em là F0, F1 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở các xã, thị trấn.
Đồng chí Bùi Thanh Hải, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Là huyện có điều kiện KT-XH nhiều khó khăn, nhận thức của một bộ phận Nhân dân về chăm sóc, giáo dục trẻ em còn chưa đầy đủ. Sự quan tâm, chăm lo cho trẻ trong các gia đình nghèo còn hạn chế. Qua thống kê, rà soát trong tổng số 16.129 trẻ em, có 6.091 trẻ dưới 6 tuổi, 3.115 trẻ sống trong hộ gia đình nghèo, 95% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT. Đáng chú ý, có 159 trẻ trong diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gồm trẻ mồ côi, tàn tật đang hưởng trợ cấp xã hội, trẻ bị xâm hại, trẻ nhiễm HIV. Tình hình trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trên địa bàn trong những năm gần đây còn xảy ra không ít… Để công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thúc đẩy, Phòng LĐ-TB&XH đã tham mưu, chỉ đạo, giám sát, đánh giá trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện quyền trẻ em. Tích cực tham mưu UBND huyện ban hành các kế hoạch, chương trình tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em, như: Kế hoạch số 106/KH-UBND, ngày 5/5/2021 về Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Văn bản số 614/CV-HĐPBGDPL, ngày 14/5/2021 về việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; Kế hoạch số 198/KH-UBND, ngày 6/9/2021 về thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện…
Công tác giáo dục trẻ em có nhiều chuyển biến, tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo đạt 91%, trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Huyện đã hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Năm 2022, huyện tập trung triển khai chương trình, hoạt động trọng tâm về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là đẩy mạnh truyền thông, phổ biến Luật Trẻ em tới người dân, triển khai các mô hình thúc đẩy quyền trẻ em, giảm thiểu trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích; hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoà nhập cộng đồng; phổ biến các kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông, phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Bùi Minh
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 1151/VPCP-KGVX ngày 23/2 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc nghiên cứu giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp).
(HBĐT) - Trường mầm non Sao Sáng, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) vừa ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên là một cô giáo. Hiện, công tác phòng, chống dịch (PCD) đang được siết chặt với quyết tâm ngăn chặn sự lây nhiễm trong nhà trường. Trong thời gian tạm đóng cửa trường học (từ ngày 21 đến dự kiến hết ngày 27/2), nhà trường tập trung rà soát các điều kiện PCD, cán bộ y tế kiểm kê số lượng thuốc men, đồ chuyên dụng, dọn dẹp tinh tươm phòng y tế và phòng cách ly tạm thời; cùng với đó, các cô giáo không thuộc diện F1 được huy động đến trường để dọn dẹp lớp, sắp xếp đồ đạc tinh tươm, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thời gian tới nhà trường có thể tổ chức dạy học trực tiếp và ứng phó linh hoạt với tình hình dịch Covid-19.
(HBĐT) - Hai tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các trường học trên địa bàn tỉnh quay trở lại với nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Tổ chức dạy học trực tiếp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều ca mắc Covid-19 xuất hiện trong trường học và có dấu hiệu gia tăng đòi hỏi ngành GD&ĐT cấp bách triển khai các kịch bản ứng phó. Tùy điều kiện từng nơi, các nhà trường đã linh hoạt thích ứng, không chủ quan và tránh gây hoang mang cho phụ huynh, học sinh.
Tối 22/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về tình hình tổ chức dạy trực tiếp ở các địa phương. Theo đó, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp trên cả nước đạt 78,86%.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp với 4 bước; Đồng thời Bộ Y tế cũng đề nghị cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả các học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi trở lại trường học trực tiếp...
(HBĐT) - Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 trên địa bàn TP Hòa Bình, nhiều cơ sở mầm non tư thục liên tục phải tạm dừng đón trẻ, cao điểm có thời gian kéo dài trên 3 tháng. Học sinh nghỉ học, đội ngũ cán bộ, giáo viên, cô nuôi dạy trẻ rơi vào tính trạng thất nghiệp, không có thu nhập... Thực tế cho thấy, "cơn bão” Covid-19 khiến nhiều cơ sở mầm non tư thục lao đao, đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.