Nhân viên y tế test nhanh Covid-19 cho sinh viên nội trú trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình.
Gia tăng ca F0 trong trường học
Ngày 11/2, tức ngày thứ 5 quay trở lại học tập trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình (TP Hòa Bình) ghi nhận 10 sinh viên dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến 14h ngày 14/2, khi số lượng F0 tăng trên 40 ca, toàn trường chuyển sang hình thức học trực tuyến. Đồng chí Kiều Thị Thanh Huê, Bí thư Đoàn trường cho biết: Phần lớn các trường hợp F0 trong trường đều là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoặc gia đình ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. Do đó, khi bị nhiễm bệnh, ngoài việc lo lắng về sức khỏe, các em còn phải chịu thêm áp lực về kinh phí trong quá trình cách ly, điều trị. Công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 đã xuất hiện những áp lực chưa từng có, đòi hỏi nhà trường phải triển khai cấp bách các hoạt động, kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của cán bộ, viên chức và các nhà hảo tâm.
Các trường học trên địa bàn huyện Cao Phong cũng đang phải đối mặt với những thách thức do dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện, tính đến 17h ngày 22/2, các trường trên địa bàn đã ghi nhận 283 ca mắc Covid-19. Trong đó, 44 trường hợp là cán bộ, giáo viên, nhân viên; 239 trường hợp là học sinh (bao gồm 31 trẻ mầm non, 146 học sinh tiểu học, 62 học sinh THCS). Riêng ngày 22/2, số ca F0 ghi nhận trong ngày là 53, gồm 13 giáo viên/nhân viên và 40 học sinh. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bắt đầu từ tuần học thứ 2 sau kỳ nghỉ Tết, các trường đã triển khai hình thức dạy học trực tuyến đối với các lớp có F0, riêng trường mầm non Hương Cam nghỉ học toàn trường từ ngày 14/2 cho đến khi có thông báo mới của phòng GD&ĐT huyện.
Trên phạm vi toàn tỉnh. Trong 2 tuần tổ chức dạy học trực tiếp trở lại sau kỳ nghỉ Tết, nhiều trường đã xuất hiện ca mắc Covid-19, tổng số F0 trong trường học đã lên tới hàng trăm ca, dự báo số lượng tiếp tục gia tăng thời gian tới. Trước diễn biến này, ngành GD&ĐT đã linh hoạt triển khai các hoạt động thích ứng, với tinh thần không chủ quan, lơ là công tác PCD nhưng cũng không được hoang mang, gây lo lắng, bất an cho phụ huynh, học sinh.
Linh hoạt ứng phó, không chủ quan và tuyệt đối không hoang mang
Tại lớp 4A3 trường tiểu học Hữu Nghị (TP Hòa Bình). Ngay sau khi gia đình báo 1 học sinh xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, cô giáo chủ nhiệm đã gửi thông báo trong nhóm zalo của lớp và tin nhắn qua hệ thống edu để tất cả phụ huynh đều nắm bắt. Đồng thời, hướng dẫn các bậc phụ huynh test nhanh tại nhà cho con, cung cấp thông tin các yếu tố xác định học sinh phải nghỉ học khi lớp có F0. Theo đó, các bạn ngồi cạnh, ngồi bàn trên, bàn dưới, các bạn có tiếp xúc với bạn F0 trong đầu giờ hoặc giờ ra chơi mà không đeo khẩu trang được xác định là F1. Qua rà soát, cô giáo lên danh sách học sinh F0, F1, hướng dẫn cách ly tại nhà theo quy định và áp dụng hình thức học trực tuyến. Còn lại, cả lớp vẫn học trực tiếp, tiến hành thi giữa học kỳ II tại lớp vào ngày 17 - 18/2 theo đúng kế hoạch đề ra. Sau đó, lớp mới chuyển sang hình thức học trực tuyến từ ngày 21/2 đến hết ngày 25/2 theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT TP Hòa Bình.
Trên phạm vi toàn tỉnh, kịch bản ứng phó khi lớp có học sinh F0 đã được các trường triển khai phù hợp với tình hình thực tế và tùy cấp độ dịch trên địa bàn. Thông thường, sau khi điều tra dịch tễ, xác định F0 có nguồn lây từ gia đình/cộng đồng thì các trường sẽ áp dụng hình thức học trực tuyến đối với lớp có học sinh F0, các lớp và khối lớp còn lại vẫn học trực tiếp, đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Trong tình hình dịch Covid-19 khó lường như hiện nay, cô giáo chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở phụ huynh và học sinh thực hiện nghiêm "5K” để góp phần cùng nhà trường đảm bảo an toàn trường học. Khi đi học, học sinh được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào trường; khuyến khích mỗi học sinh đều có bình nước riêng, luôn đeo khẩu trang, có nước sát khuẩn và khẩu trang dự phòng… Trong buổi học hạn chế ra khỏi phạm vi lớp và tiếp xúc với học sinh lớp khác. Đặc biệt, nhà trường khuyến cáo phụ huynh chú ý theo dõi sức khỏe của con, khuyến khích phụ huynh test nhanh cho con trước khi đến trường, tuyệt đối không chủ quan vì dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.
Hiện, toàn ngành GD&ĐT có 532 đơn vị, trường học; trên 231.000 học sinh, sinh viên; trên 18.340 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong bối cảnh gia tăng mạnh số ca mắc Covid-19 trong trường học, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, trường học triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm thích ứng linh hoạt, tuyệt đối không chủ quan và cũng không được hoang mang, khi xử lý F0 trong trường học cần bài bản và thích hợp từng hoàn cảnh, cấp độ dịch, đảm bảo thích ứng linh hoạt, đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Cụ thể, Sở GD&ĐT đề nghị: Các đơn vị, trường học tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt thông qua các hình thức trực tiếp, trực tuyến nội dung từng môn học, hoạt động giáo dục với thời lượng hợp lý, phù hợp thực tế của từng đơn vị, nhà trường. Khi có học sinh F0, F1 hoặc giáo viên là F1 phải cách ly, nhà trường chủ động triển khai đa dạng hình thức dạy học để học sinh có thể theo kịp chương trình, hoàn thành chương trình năm học trong các tình huống diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Căn cứ tình hình thực tế, các nhà trường chủ động trang bị thêm thiết bị kết nối qua phần mềm như: zoom meetings, K12 online, google meet, VioEdu, livestream qua các nền tảng mạng xã hội… Triển khai đồng thời dạy học trực tiếp và trực tuyến để học sinh vẫn có thể theo kịp chương trình (học sinh phải cách ly theo quy định được học trực tuyến theo thời khóa biểu như học trực tiếp), nhà trường và giáo viên vẫn duy trì công tác dạy học theo đúng thời khóa biểu, đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo khuyến cáo của Sở GD&ĐT: Song song với nỗ lực tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid-19, các trường cần tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội. Để nâng cao hiệu quả PCD trong nhà trường, đề nghị các trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, chú trọng quản lý học sinh khi ở nhà, ở trường cũng như việc đi lại hàng ngày từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Đặc biệt, cần theo dõi sức khỏe học sinh, nhất là học sinh các trường nội trú, bán trú để phòng ngừa, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, từ đó xử lý, ngăn chặn kịp thời dịch Covid-19 xâm nhập, lây lan trong trường học.
|