(HBĐT) - Với chiếc máy tính xách tay có kết nối internet, chạy trên nền tảng Snapdragon của Qualcomm, 2 học sinh Phạm Mai Anh, Đỗ Trọng Thanh Minh - lớp 7A, trường TH&THCS Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) được hướng dẫn sử dụng ngôn ngữ lập trình Micro:bit để thực hiện dự án khoa học kỹ thuật (KHKT) đầu tiên của mình. Các em rất hào hứng, say mê, sau 2 tháng đã hình thành sản phẩm "Máy tưới rau trong nhà kính”. Đây là 2 trong số hàng trăm học sinh Hòa Bình được hưởng lợi từ chương trình Vietnam Forward - chương trình đầy ý nghĩa do Qualcomm và Quỹ Dariu hợp tác, nhằm mục đích nâng cao kỹ năng số, tăng cường khả năng của thanh thiếu niên về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Tăng cường kỹ năng số - "chìa khóa” chuyển đổi số trong giáo dục
Thực hiện chương trình Vietnam Forward, Qualcomm và Quỹ Dariu đã hợp tác để đưa 2.400 máy tính AOAC đến với học sinh các vùng nông thôn, miền núi tại Việt Nam. Máy tính AOAC chạy trên nền tảng Snapdragon của Qualcomm, được trang bị tính năng kết nối 4G/LTE di động để đảm bảo kết nối internet liên tục, là công cụ đắc lực giúp người học tiếp cận dễ dàng với công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả học tập theo phương pháp hiện đại. Theo thống kê của chương trình, đến nay đã có khoảng 100.000 học sinh cấp TH&THCS tại 80 trường học nông thôn trên khắp Việt Nam được trang bị các nền tảng kỹ thuật để phát triển các kỹ năng cần thiết. Cùng với đó, trên 6.000 nhà giáo cho biết đã tự tin hơn trong việc giảng dạy lập trình nhờ tham gia các khóa đào tạo phát triển nghề nghiệp.
Tại tỉnh ta, theo Sở GD&ĐT: Quỹ Dariu đã huy động các nguồn lực, đặc biệt nguồn lực từ Qualcom để hỗ trợ gần 500 laptop, 65 bộ máy tính để bàn, 30 máy tính bảng, 945 điện thoại thông minh và 620 mạch vi điều khiển Micro:bit. Nguồn tài trợ này giúp ngành triển khai phổ cập kỹ năng số đến các nhà trường. Kết quả khá khả quan, nhiều sản phẩm/dự án của các câu lạc bộ lập trình đã tham dự các cuộc thi thanh thiếu niên, nhi đồng sáng tạo KHKT, các sản phẩm dự thi mang tính ứng dụng thực tiễn, nhân văn và có hàm lượng công nghệ cao, được ban giám khảo các cuộc thi đánh giá tốt. Điển hình như: Năm 2020, nhóm học sinh tiểu học của trường TH&THCS Mai Hịch (Mai Châu) tham gia cuộc thi Coolest Project Malaysia 2020 đoạt giải Honorable Mention (giải ba). Năm 2021, nhóm học sinh trường TH&THCS Cun Pheo (Mai Châu) tham gia cuộc thi Coolest Project Malaysia 2021 đoạt giải 2nd Run Up (giải nhì)… Qua kết quả này có thể khẳng định, học sinh dân tộc miền núi hoàn toàn có thể tiếp thu kiến thức KHKT và ứng dụng vào thực tiễn rất hiệu quả nếu được tạo môi trường giáo dục thuận lợi.
Hai học sinh Phạm Mai Anh, Đỗ Trọng Thanh Minh - lớp 7A, trường TH&THCS Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) vận hành mô hình sản phẩm "Máy tưới rau trong nhà kính".
Được biết, từ năm học 2019 - 2020, ngành GD&ĐT tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức The Dariu Foundation (Quỹ Dariu) để triển khai dạy học khoa học máy tính với mạch Micro:bit và thành lập các câu lạc bộ lập trình, câu lạc bộ STEM đến học sinh TH&THCS. Theo đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT: Với sự hỗ trợ hiệu quả của tổ chức The Dariu Foundation, ngành GD&ĐT đang dần phổ cập kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên và học sinh. Việc đưa khoa học máy tính và lập trình, giáo dục STEM/STEAM vào giáo dục từ mầm non đến phổ thông bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ. Năm học 2021 - 2022, ngành triển khai đến 53 trường mầm non, hướng dẫn khoảng 5.000 trẻ em từ 4 - 6 tuổi được tiếp cận với khoa học máy tính qua lập trình trên điện thoại thông minh với ngôn ngữ Scratch Junior; gần 200 câu lạc bộ lập trình và câu lạc bộ STEM được thành lập trong các nhà trường; trên 3.000 lượt giáo viên được tập huấn tăng cường kỹ năng số trong giáo dục; hơn 100.000 lượt học sinh được tiếp cận khoa học máy tính, lập trình qua các ngôn ngữ lập trình Blockly (lập trình kéo thả các khối) và làm quen với vi điều khiển… Đặc biệt, ngành GD&ĐT bước đầu triển khai hiệu quả "Dự án tăng cường kỹ năng số cho giáo viên và học sinh tỉnh Hòa Bình”. Đây là "chìa khóa” quan trọng để ngành tiếp cận được những cơ hội mới, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong GD&ĐT.
Tìm kiếm thêm cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số
Hiện nay, toàn ngành GD&ĐT tỉnh có 531 cơ sở giáo dục; tổng số 230.334 học sinh; đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành là 19.635 người. Xác định rõ tầm quan trọng của việc CĐS đối với công tác GD&ĐT, ngành quyết tâm khởi động hành trình bằng nhiều giải pháp đồng bộ, như: Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, huy động các nguồn tài trợ về hạ tầng thông tin, cung cấp trang thiết bị cho các nhà trường, tạo cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, đảm bảo các điều kiện để dạy và học môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức dạy học trực tuyến, nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học… Đó tiếp tục là những giải pháp trọng tâm, nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 131/QĐ-TTg, ngày 25/1/2022 xác định mục tiêu đến năm 2025: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. Phấn đấu 50% học sinh, mỗi sinh viên và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm), tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.
"Để thực hiện mục tiêu trên cũng như các nhiệm vụ đặt ra đối với lộ trình CĐS, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức” - đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, CĐS trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy và học, mà phạm vi vô cùng rộng lớn. Ở đó, tất cả các hoạt động, quan hệ, thao tác đang thực hiện sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành. CĐS cũng không phải để thay cho yếu tố thực tại, trực tiếp, sinh động mà các yếu tố thực tại được đặt vào CĐS, qua đó vận hành tốt hơn, kết nối tốt hơn, rộng mở hơn, tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn, làm cho công cuộc GD&ĐT hiệu quả, chất lượng hơn. Để thực hiện CĐS, ngành GD&ĐT không những phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mà còn phải đầu tư về trang thiết bị rất lớn. Vì thế, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành thì sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ về chuyển giao công nghệ và trang thiết bị là một nguồn lực hết sức có ý nghĩa đối với ngành GD&ĐT để triển khai thực hiện CĐS.
Trong nỗ lực thực hiện CĐS, ngành GD&ĐT cố gắng huy động mọi nguồn lực để có thể cung cấp trang thiết bị cho các nhà trường, trước mắt nhằm đảm bảo việc dạy học môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục, Sở GD&ĐT đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với tập đoàn viễn thông VNPT, Viettel để cung cấp đường truyền và các dịch vụ đến các nhà trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên. Bước đầu, CĐS ngành giáo dục đang được ứng dụng dưới 3 hình thức chính: Ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy, trong quản lý và trong các lớp học.
Riêng đối với học sinh, ngành GD&ĐT xác định cần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh được học ở mọi lúc, mọi nơi, phát huy được tư duy chủ động, sáng tạo và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó, nhiều học sinh được tiếp cận với những ứng dụng CĐS giáo dục, được hướng dẫn tham gia các khóa học trực tuyến e-learning, được định hướng phương pháp học tập thông qua các dự án, phương pháp học bằng ứng dụng thực tế ảo, các lớp học về lập trình, STEM, STEAM, tiếng Anh công nghệ… Đó sẽ là những môi trường giáo dục có tính kích hoạt cao, không chỉ giúp tăng cường kỹ năng số cho học sinh mà còn tạo nền tảng quan trọng giúp ngành GD&ĐT đẩy nhanh quá trình CĐS, rút ngắn quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Thu Trang