Năm nào Hà Nội cũng nêu quyết tâm giảm sĩ số học sinh (HS)/lớp nhưng rồi năm nào cũng không thể thực hiện trong cơn lốc đô thị hóa.


Năm nay, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2022 - 2023 trên địa bàn thành phố, trong đó yêu cầu không để xảy ra quá tải ở các trường; tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục; giảm số HS trái tuyến; giảm số HS/lớp; tăng số HS được học 2 buổi/ngày.


Một trường học quá tải sĩ số ở Q.Hoàng Mai (Hà Nội) GIA CHÍNH

Xây nhà "quên” làm trường

Theo quy định, sĩ số HS tối đa đối với trường tiểu học là 35 HS/lớp; với trường THCS là 45 HS/lớp. Nhiều năm nay, trước mỗi mùa tuyển sinh, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đều yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu cấp, giãn dần số HS/lớp ở những nơi quá tải, bảo đảm theo đúng Điều lệ trường học.

Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện tỷ lệ bình quân HS/lớp ở cấp tiểu học là 39,3, cấp THCS là 39,1 và ở cấp THPT là 40,7. Riêng với lớp 1, khối lớp mong muốn giảm sĩ số nhất để có thể quan tâm tới từng HS, nhưng toàn Hà Nội có khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 HS/lớp và khoảng 2.000 lớp có sĩ số khoảng 50 HS/lớp.

Ở mỗi địa bàn, tỷ lệ HS/lớp có sự khác biệt, đặc biệt là các trường tại các quận trung tâm, nơi có mật độ dân cư cao hiện nay, đều đang phải chịu áp lực rất lớn từ số lượng HS trên mỗi lớp. Nhiều lớp học có tới trên dưới 60 HS/lớp, vượt xa con số quy định. Đơn cử, cấp tiểu học ở các quận có tỷ lệ bình quân HS/lớp là 42, còn tỷ lệ này ở các huyện, thị xã là 38.

Một số quận có tỷ lệ bình quân HS/lớp ở cấp tiểu học cao hơn mức trung bình của toàn thành phố, như: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân… Đáng chú ý, các trường tiểu học công lập ở Q.Thanh Xuân và Q.Cầu Giấy có tỷ lệ bình quân hơn 50 HS/lớp.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết nhiều năm nay, quận chịu áp lực căng thẳng về tuyển sinh ở khu đô thị mới đông dân cư nhưng không có trường học. Ví dụ như Khu đô thị Thanh Hà, theo phân tuyến tuyển sinh là thuộc H.Thanh Oai nhưng do không có trường học nên trẻ "tràn” sang Q.Hà Đông. "Trong kế hoạch, phải đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi được vào lớp 1 nên có nơi, trường học phải nhận hơn 55 em/lớp, điều này gây khó cho giáo viên lẫn HS”, bà Hằng chia sẻ.

Thanh Trì là huyện ngoại thành Hà Nội nhưng những năm gần đây, một số khu vực xây chung cư cao tầng, không có trường học dẫn đến áp lực tuyển sinh dồn lên các trường lân cận. Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD-ĐT huyện này, cho biết thực tế bất cập là Khu đô thị Đại Thanh đưa vào hoạt động nhiều năm nay nhưng không có bất cứ trường mầm non, tiểu học nào, bắt buộc HS đổ dồn về các trường xung quanh, có nơi phải xếp 60 em/lớp.

"Năm học 2022 - 2023 huyện xây mới, sửa chữa thêm một số trường học, cố gắng giảm sĩ số HS. Về lâu dài, muốn giải bài toán giảm sĩ số, bắt buộc phải quy hoạch trường học ở các khu đô thị mới”, ông Ngát nói.

Không thể cắt giảm một cách cơ học

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nơi nào quyết tâm thực hiện thì vẫn có thể giảm được sĩ số HS/lớp đều đặn theo từng năm. Các trường học ở địa bàn trung tâm nhất của Hà Nội là Q.Hoàn Kiếm đã chứng minh được điều này.

Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm, chia sẻ: "Cách đây 3, 4 năm, các trường tại Q.Hoàn Kiếm có sĩ số trung bình khoảng 50 - 55 em/lớp, nhưng với quyết tâm chuẩn hóa sĩ số HS, từ năm học 2019 - 2020, các trường tiểu học trên địa bàn quận đã giảm còn 40 HS/lớp, trường THCS giảm còn 45 HS/lớp. Năm 2020 - 2021, con số này tiếp tục giảm, đạt đúng theo quy định là không quá 35 HS/lớp tiểu học, không quá 45 HS/lớp THCS. Hiện 100% các trường học trên địa bàn quận, gồm 13 trường tiểu học và 7 trường THCS, đều bảo đảm đạt chuẩn về số lớp và số HS trên lớp”.

Theo bà Giang, khi thực hiện chuẩn hóa sĩ số, không thể cắt giảm một cách cơ học số HS trên mỗi lớp. Để giải bài toán sĩ số HS đông, cần cân nhắc, tính toán phù hợp với các điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, theo lộ trình hợp lý. Ngoài ra, để tránh quá tải cục bộ ở một số trường "điểm”, cần đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đồng đều ở nhiều trường trên địa bàn quận, để đảm bảo mặt bằng chung về chất lượng; kiên quyết hạn chế nhận HS trái tuyến để tránh hiện tượng "đổ xô” vào một số trường nào đó.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, quy hoạch mạng lưới trường học đang được cập nhật vào Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó trường mầm non, tiểu học, THCS đã được phân bố đủ 597 xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số phường trong các quận nội thành thiếu trường công lập do hết quỹ đất, một số phường có trường nhưng không đủ chỗ học cho HS đúng tuyến trên địa bàn do dân số cơ học tăng nhanh.


Theo Báo Thanh Niên

Các tin khác


“Hành trình thắp sáng ước mơ” tại Trường THPT Tân Lạc

Đoàn Trường THPT Tân Lạc vừa phối hợp các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường tổ chức chương trình "Hành trình thắp sáng ước mơ”. Đến dự có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, UBND huyện Tân Lạc. Chương trình có sự hiện diện của nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV 3) Đài Truyền hình Việt Nam...

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ngày 22/3 đã công bố 15 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024.

Trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho 500 giáo viên, học sinh

Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, Hội CTĐ thành phố Hòa Bình vừa phối hợp tổ chức tập huấn, truyền thông phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa và sơ cấp cứu cho trên 500 giáo viên, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.

Chuyển biến trong công tác giáo dục ở huyện Mai Châu

Chất lượng giáo dục đại trà trên địa bàn huyện Mai Châu từng bước được nâng lên, giáo dục mũi nhọn đạt nhiều kết quả tích cực; công tác quản lý giáo dục được đổi mới, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của địa phương... Đó là những kết quả nổi bật mà ngành Giáo dục huyện Mai Châu đạt được.

Nâng cao chất lượng giáo dục qua hội thi giáo viên dạy giỏi

Mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên. Với hội thi giáo viên dạy giỏi trung học phổ thông (THPT) cấp tỉnh thường niên đã trở thành sự kiện quan trọng, là ngày hội thao giảng của giáo viên nhằm góp phần vào thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà.

Cục Thi hành án dân sự tặng quà học sinh nghèo vượt khó xã Tân Minh

Thiết thực kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với chủ đề "Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, ngày 19/3, Đoàn Thanh niên Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã đến thăm, tặng quà thầy và trò Trường tiểu học xã Tân Minh, huyện Đà Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục