Người dân xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) thường xuyên quan tâm chăm lo việc học tập của con em.
Những khó khăn, bất cập trong công tác GD&ĐT tại địa phương như: Điểm tuyển sinh vào lớp 10 THPT bình quân 3 môn Văn, Toán, tiếng Anh năm học 2020 - 2021 đạt 2,99 điểm/học sinh, đứng thứ 9 toàn tỉnh; năm học 2021 - 2022 đứng thứ 10 toàn tỉnh. Điểm khảo sát chất lượng học sinh vào lớp 6 năm học 2021 - 2022 ở 2 môn Văn, Toán đạt bình quân 4,34 điểm/học sinh, đứng thứ 8 toàn tỉnh; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường chuyên nghiệp đầu năm học 2021 - 2022 đạt 21,2%. Có 13 trường đạt chuẩn quốc gia đã hết thời hạn chưa được công nhận lại.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Bí thư Huyện uỷ, những năm qua, sự nghiệp GD&ĐT đã được các cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục được quy hoạch, sắp xếp cơ bản phù hợp với tình hình thực tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư. Kết quả phổ cập giáo dục ở các cấp học được duy trì vững chắc. Tuy nhiên, còn một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác GD&ĐT. Nguồn lực phân bổ cho GD&ĐT còn ít. Do thu nhập thấp, thiếu việc làm nên người dân phải lao động xa quê, ít có điều kiện chăm lo việc học của con em. Phong trào học tập, tinh thần hiếu học ở một số nơi chưa được phát huy. Một bộ phận nhân dân nhận thức về GD&ĐT chưa đầy đủ, ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ, thái độ học tập của con em. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tác động của cơ chế thị trường dẫn đến một bộ phận viên chức giáo dục chưa yên tâm công tác, cống hiến.
BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 18/7/2022 về nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xác định thực hiện nâng cao chất lượng GD&ĐT là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát triển KT-XH là điều kiện để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đảm bảo phát triển toàn diện, vững chắc về quy mô, chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, quan tâm đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Nhằm phát triển sự nghiệp GD&ĐT đồng bộ, quy mô hợp lý, đặc biệt là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, phấn đấu nâng chất lượng giáo dục toàn diện từ tốp cuối lên tốp giữa và từ tốp giữa lên tốp đầu của tỉnh, huyện tập trung thực hiện các giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, quản lý của chính quyền từ huyện đến cơ sở về đổi mới GD&ĐT. Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH để phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng GD&ĐT, nhất là giải pháp thu hút đầu tư để giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Đổi mới công tác quản lý, quan tâm phát triển, nâng cao năng lực, phẩm chất của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành. Đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả GD&ĐT, thi đua khen thưởng. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giáo dục đáp ứng yêu cầu. Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đến năm 2025, huyện phấn đấu chất lượng giáo dục đại trà đảm bảo chuẩn đầu ra ở mỗi cấp học; chất lượng, tỷ lệ học sinh giỏi được đánh giá xếp loại ở tốp trung bình toàn tỉnh; tỷ lệ trúng tuyển vào trường chuyên nghiệp đạt từ 22,5% trở lên; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT được đào tạo nghề bằng các hình thức đạt từ 45% trở lên. 95% giáo viên mầm non, 80% giáo viên tiểu học, 85% giáo viên THCS, 99% giáo viên THPT đạt chuẩn trình độ đào tạo. Xây dựng thêm từ 10 trường học đạt chuẩn quốc gia, công nhận lại 100% trường đã hết thời hạn đạt chuẩn, xây dựng 3 trường học trọng điểm. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, công nghệ giáo dục, đồ dùng, đồ chơi… đảm bảo mức tối thiểu theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, ngày 25/5/2020 của Bộ GD&ĐT.