Phụ huynh tìm mua sách, đồ dùng học tập cho con em tại Công ty CP sách và thiết bị trường học Hòa Bình.
Năm học mới bắt đầu, thị trường sách tham khảo lại nhộn nhịp với hàng chục đầu sách cho mỗi môn học. Tại Công ty CP sách và thiết bị trường học Hòa Bình (TP Hòa Bình) tấp nập phụ huynh tìm mua sách tham khảo, sách nâng cao và đồ dùng học tập cho con em. Anh Nguyễn Trung Hiếu, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) cho biết: Con trai tôi năm nay lên lớp 4, cháu rất yêu thích tiếng Anh, vì vậy tôi muốn đầu tư một số loại sách tham khảo, bài tập để bồi dưỡng thêm kiến thức cho cháu. Song, các loại sách quá nhiều, chất lượng, giá cả cũng khác nhau. Để mua được loại sách và đồ dùng học tập phù hợp, năm học nào tôi cũng đưa con tới những nhà sách lớn, uy tín để lựa chọn.
Thị trường sách bài tập, sách tham khảo tràn lan với nhiều mẫu mã và tên gọi khiến phụ huynh dễ bị thu hút. Theo đại diện NXB Giáo dục Việt Nam, trong cả nước, các cửa hàng bán sách giáo khoa (SGK) đều niêm yết công khai danh mục và giá bán sách. Ở bìa sau các cuốn SGK cũng ghi rõ tên từng cuốn. Tuy nhiên, ở một số nơi, các bộ sách được đóng sẵn, gồm cả SGK và sách bổ trợ. Nếu không có kinh nghiệm chọn sách, nhiều phụ huynh sẽ mua cả sách bổ trợ kèm theo mà chưa chắc học sinh đã dùng đến.
Trên phạm vi toàn tỉnh, năm học 2022 - 2023 được xác định là năm học trọng tâm của đổi mới giáo dục phổ thông, do vậy, trước thềm năm học mới, ngành GD&ĐT tỉnh đã chú trọng công tác phát hành SGK, tài liệu, đồ dùng dạy học. Sở GD&ĐT đã phối hợp Công ty CP sách và thiết bị trường học phát hành 2.585.897 bản SGK, sách bài tập, sách tham khảo với tổng kinh phí khoảng 38 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh lưu ý chỉ thị của Bộ GD&ĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, đối với loại hình sách tham khảo, Bộ yêu cầu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.
Ông Phạm Hữu Chiến, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh khuyến cáo: Giữa muôn vàn các loại sách tham khảo, sách bài tập, sách dạy kỹ năng..., phụ huynh cần sáng suốt để lựa chọn cho con em đầu sách phù hợp, bảo đảm. Để chọn được sách tham khảo đúng đắn, phù hợp, nguyên tắc là phải nắm chương trình. Khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai thì nắm cơ bản nội dung của chương trình mới như thế nào. Nhưng thực tế, không phải phụ huynh nào cũng biết và có thời gian quan tâm, tìm hiểu kỹ. Trong khi đó, theo Bộ GD&ĐT, trong quá trình đổi mới SGK theo hình thức cuốn chiếu, yêu cầu đặt ra là gắn với phương thức giảng dạy mới thì nội dung trong SGK đã bảo đảm đầy đủ kiến thức cần thiết cho học sinh. Vì vậy, trong trường học chỉ sử dụng chính thức SGK, còn sách tham khảo sử dụng rất hạn chế. Bộ GD&ĐT không khuyến khích học sinh dành quá nhiều thời gian cho sách tham khảo.
Thu Hằng