Ngày 5/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non.
Giờ học Tiếng Anh của học sinh mầm non Trường Quốc tế Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN
Tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trước nhu cầu của xã hội về việc cho trẻ em mầm non làm quen với ngoại ngữ, ngày 18/3/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn hướng dẫn tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Việc triển khai thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tính đến năm học 2018 - 2019, cả nước có 58/63 tỉnh, thành phố tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh, với tổng số 321.149 trẻ tham gia; trong đó, 31.627 trẻ 3 - 4 tuổi; 71.504 trẻ 4 - 5 tuổi; 90.018 trẻ 5 - 6 tuổi. Một số tỉnh, thành phố có đông trẻ làm quen với tiếng Anh như: Thành phố Hồ Chí Minh trên 96.000 trẻ (chiếm 58% tổng số trẻ đến trường); Hà Nội có gần 30.000 trẻ (chiếm 32%); Đà Nẵng 13.473 trẻ (chiếm 19,2%); Vĩnh Phúc 7.343 trẻ (chiếm 14,2%). Độ tuổi cho trẻ làm quen với tiếng Anh là từ 3 - 5 tuổi.
Ở hầu hết các địa phương, việc tổ chức cho trẻ em mầm non làm quen với tiếng Anh được thực hiện tại các cơ sở giáo dục mầm non. Dựa trên đăng ký của cha mẹ trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non liên kết với các trung tâm đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định tài liệu, học liệu phối hợp thực hiện. Có thể thấy, việc cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh được sự ủng hộ rất lớn từ cha mẹ trẻ.
Chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non được xây dựng dựa trên cơ sở: Chương trình Giáo dục Mầm non; các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học và phương pháp cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh; các thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Anh; phương pháp xây dựng chương trình tiếng Anh của thế giới, kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam; bối cảnh văn hóa xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế thực tế của Việt Nam; sự đa dạng của đối tượng trẻ mẫu giáo về phương diện vùng miền, nhu cầu, điều kiện và khả năng làm quen với tiếng Anh.
Chương trình được xây dựng theo quan điểm giáo dục "lấy trẻ làm trung tâm”. Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục "chơi mà học, học bằng chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục, giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh ghi nhận những kết quả đã đạt được của các tỉnh, thành phố trong việc triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non. Thứ trưởng hoan nghênh sự linh hoạt và cố gắng của các địa phương trong thực hiện chương trình với mục tiêu cao nhất là vì lợi ích cho trẻ.
Nhấn mạnh việc thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non cần đảm bảo chất lượng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu các địa phương cần phê duyệt kỹ các chương trình dạy cho trẻ. Bên cạnh đó, tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị; tập huấn đầy đủ cho đội ngũ giáo viên, thẩm định kỹ các giáo viên nước ngoài; tích cực số hóa giáo trình, tài liệu...
Với những kết quả triển khai thời gian qua, Thứ trưởng Ngô Thị Minh hy vọng, chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non sẽ tiếp tục được triển khai tích cực trên cả nước để trẻ mầm non được tiếp cận với tiếng Anh sớm, tạo tiền đề để sau này học tập tốt hơn; đặc biệt, giúp các em phát triển ngôn ngữ, tự tin và hòa nhập tốt trong môi trường xã hội toàn cầu hóa.
Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non và trung tâm tiếng Anh tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh đảm bảo chất lượng, đúng quy định. Một số nội dung quan trọng đã được đề cập như: Công tác lập kế hoạch cho trẻ làm quen với tiếng Anh của cơ sở giáo dục mầm non; rà soát nhu cầu của phụ huynh, lập kế hoạch triển khai với hình thức nhà trường tổ chức hoặc liên kết với trung tâm ngoại ngữ triển khai; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ, xây dựng môi trường, bố trí lớp học để triển khai cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh.
Theo TTXVN
(HBĐT) - Trong 2 ngày 3 - 4/10, Hội Khuyến học (HKH) thành phố Hòa Bình tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
(HBĐT) - Đến cuối tháng 9, 100% học sinh khối 12 trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hoà Bình) với 428 em đã nhận kết quả trúng tuyển đại học (ĐH). Trong đó, 8 học sinh giành được học bổng du học Nga, Canada; nhiều em trúng tuyển các trường ĐH hàng đầu như: Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Học viện Ngoại giao, Y Hà Nội, Luật, Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát…
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 40 trường học thực hiện theo mô hình "Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế” (trường tiên tiến). Đây là mô hình được kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo xu hướng hội nhập toàn cầu.
Nhìn lại kỳ tuyển sinh Đại học 2022 cho thấy cần điều chỉnh tiếp một số điều cho kỳ tuyển sinh mới.
(HBĐT) - Đến xóm Hải Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong) mùa này, chắc hẳn ai cũng ấn tượng với con đường hoa dài trên 900 m chạy dọc địa bàn xóm. Từ khi câu lạc bộ yêu hoa của xóm thành lập, con đường luôn được khoác lên mình tấm áo tươi xinh và ngan ngát hương thơm. Cùng với đó, ý thức giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm của người dân đã thay đổi tích cực, tạo thêm sức sống cho vùng quê yên bình và góp phần đưa Bắc Phong vươn lên đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Ngoài môn chuyên ngành, sinh viên trong những năm cuối đại học lo ngại không thể có được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đủ điểm để được xét tốt nghiệp.