(HBĐT) - Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, một công dân đã có thể tự học bằng cách truy cập vào kho thông tin dữ liệu khổng lồ đã được số hóa. Nhờ có năng lực tự học mà sự học không hề có điểm dừng, việc học được thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Đây chính là "chìa khóa” để mỗi người trở thành một công dân học tập, góp phần nhỏ bé xây dựng một xã hội học tập trong toàn tỉnh.

 


​​​​​Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh trao chứng nhận cho các học sinh đạt danh hiệu "Học không bao giờ cùng" năm 2022- những điển hình xuất sắc của tinh thần tự học.

 
Môi trường số nuôi dưỡng ý thức tự học

Bà Nguyễn Thị Hải ở tổ 3, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) đã hơn 70 tuổi. Vì mắt mờ nên bà không thể duy trì thói quen đọc sách như trước kia. Thay vào đó, bà thường sử dụng điện thoại để nghe các chương trình sách nói, đồng thời, cập nhật tin tức thời sự hàng ngày qua chiếc tivi quen thuộc. "Đây là cách tự học phù hợp với người cao tuổi, giúp chúng tôi "tuổi già nhưng trí không già”, có thể tương tác được trong môi trường số, tự rèn luyện trí óc minh mẫn và cố gắng trở thành một công dân học tập” - bà Hải cho biết.   

Cũng như bà Nguyễn Thị Hải, nhiều người đã phát triển năng lực tự học trong môi trường số nhờ có kỹ năng cập nhật thông tin, tiếp cận tri thức trên sách báo trực tuyến, tivi, máy tính, điện thoại di động. Hay nói cách khác, họ biết cách ứng dụng các nền tảng số để tự học và rèn luyện. Theo thống kê của UBND TP Hòa Bình, hiện nay, thành phố có trên 55% người dân được trang bị năng lực thông tin; 19/19 trung tâm học tập cộng đồng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục; 100% đơn vị, trường học triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số… Đó là tín hiệu cho thấy sự tham gia của công nghệ vào lĩnh vực giáo dục và khuyến học, tạo môi trường số tích cực để nuôi dưỡng ý thức tự học và học tập suốt đời trong mỗi người dân.  

Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình nhìn nhận: Ngày nay, khát vọng chiếm lĩnh tri thức của con người dường như dễ dàng hơn với sự phát triển không ngừng của internet và các thiết bị công nghệ số. Với những người có quyết tâm và khát vọng hiểu biết, internet cung cấp cho họ cơ hội tự học và con đường để hướng tới thành công. Công nghệ giúp mọi người tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp không gian, tiết kiệm thời gian. Đặc biệt, công nghệ được xác định là khâu đột phá để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, bao gồm cả giáo dục phổ thông lẫn giáo dục thường xuyên. Nhiều mô hình giáo dục thông minh đang được phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, mang đến cơ hội học tập tốt cho nhiều học sinh, sinh viên.

Trên phạm vi toàn tỉnh, mặc dù nền tảng hạ tầng kỹ thuật số của tỉnh còn hạn chế nhưng điều đáng ghi nhận là môi trường số đã tạo nhiều cơ hội học tập hơn cho học sinh cũng như người dân có ý thức tự học. Trong thời đại 4.0, tinh thần tự học được nuôi dưỡng trong môi trường chuyển đổi số, tạo động lực quan trọng cho lộ trình xây dựng xã hội học tập của toàn tỉnh. Riêng đối với học sinh, ngành GD&ĐT xác định cần tạo điều kiện để học sinh được học ở mọi lúc, mọi nơi, phát huy tư duy chủ động, sáng tạo và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó, nhiều học sinh được tiếp cận với môi trường giáo dục số hóa, được hướng dẫn tham gia các khóa học trực tuyến e-learning, được định hướng phương pháp tự học thông qua các dự án phù hợp… Đó là những môi trường giáo dục có tính kích hoạt cao, giúp học sinh tăng cường kỹ năng tự học.



Hội Khuyến học thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) triển khai hiệu quả mô hình "Góc khuyến học", góp phần lan tỏa tinh thần tự học trong cộng đồng. 

Tự học để thực hiện "Học không bao giờ cùng”

Trong văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 5 (khóa VIII), Đảng ta xác định: "Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, tạo ra năng lực tự học, tự sáng tạo của học sinh, bảo đảm mọi điều kiện và thời gian tự học cho học sinh, phát triển mạnh mẽ phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân”.

Tự học cũng là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục. Bác đặc biệt coi trọng vai trò của tự học. Người khẳng định, trong tất cả các phương pháp học, phải "lấy tự học làm cốt”. Đối với Bác, tự học là một trong những nhân tố quyết định tạo nên trí tuệ. Bằng tấm gương tự học và học tập suốt đời, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo. Bác dạy: Học không bao giờ có tận cùng, là học mãi mãi, học suốt đời.

Thấm nhuần lời dạy và noi theo tấm gương học tập của Bác Hồ kính yêu, các cấp Hội Khuyến học (HKH) trong toàn tỉnh đã tích cực triển khai phong trào "Học tập suốt đời - Học không bao giờ cùng”. Phát huy vai trò nòng cốt, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội. HKH tỉnh tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030. Trong nỗ lực chung, HKH phối hợp Sở GD&ĐT thực hiện các chương trình nhằm hình thành và phát triển phương thức học tập có tính mở, tạo điều kiện và thúc đẩy người lớn học tập thường xuyên theo hướng học trực tiếp và trực tuyến, học ở trường lớp, nơi làm việc, tại nhà… trên cơ sở xây dựng các kỹ năng số cho người học, lấy tự học làm cốt.

Theo đánh giá của HKH tỉnh: Phong trào "Học tập suốt đời - Học không bao giờ cùng” đã đạt kết quả tích cực. Riêng năm 2022, HKH tỉnh đã công nhận danh hiệu "Học không bao giờ cùng” cho 117 học sinh tiêu biểu đã đạt thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc thi từ cấp tỉnh đến cấp quốc tế. Các em đều là những tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học và học tập suốt đời theo gương Bác Hồ vĩ đại. Với thành tích đạt được và sự nỗ lực không ngừng, các em mang lại niềm tin trong tương lai sẽ trở thành nhân tài của quê hương, đất nước.

Đồng chí Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch HKH tỉnh nhấn mạnh: Trên thực tế, phong trào "Học tập suốt đời - Học không bao giờ cùng” đã từng bước đi sâu vào cuộc sống. Đa số người dân nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia phong trào, đã hiểu được tầm quan trọng của sự học. Vì thế, việc tự học được chú trọng, tạo thêm động lực cho các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương. Kết quả là năm 2021, các danh hiệu học tập được công nhận với tỷ lệ cao, tạo đà thuận lợi để năm 2022, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030” và Chương trình "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030”, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mô hình học tập, số lượng đăng ký tham gia đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm. Đến nay, toàn tỉnh có 157.605 gia đình học tập, đạt tỷ lệ 89%; 1.467 dòng họ học tập, đạt 78%; 1.344 cộng đồng học tập cấp thôn, đạt 90%; 699 đơn vị học tập, đạt 90%.

Đánh giá cao tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, trong đó, phải "lấy tự học làm cốt”, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh vai trò đặc biệt của các cấp HKH. Đồng chí cho rằng: Để thực hiện hiệu quả phong trào "Học tập suốt đời - Học không bao giờ cùng”, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội; ký kết nhiều chương trình phối hợp hoạt động với các sở, ngành, huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phong trào hưởng ứng học tập suốt đời đã lan tỏa sâu rộng, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập trong toàn tỉnh. Thời gian tới cần tích cực nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa sâu rộng, gắn phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thu Trang

Tấm gương tự học của thủ khoa dân tộc Mường

Trong số 117 học sinh, sinh viên xuất sắc vừa được Hội Khuyến học tỉnh trao chứng nhận đạt danh hiệu "Học không bao giờ cùng”, có Bùi Thị Hồng Tuyết - cựu học sinh lớp 12B2, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, tân sinh viên khoa Địa lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cách đây hơn 1 tháng, Bùi Thị Hồng Tuyết đã tự tin bước chân vào ngôi trường đại học mà mình mong ước với tư cách là thủ khoa đầu vào của khoa Địa lý. Để có kết quả đáng tự hào này, cô gái dân tộc Mường nhỏ bé đến từ xã Ngọc Lâu - một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn đã nỗ lực không ngừng trên con đường học tập. Và "chìa khóa” thành công của Hồng Tuyết chính là tinh thần tự học.



Bùi Thị Hồng Tuyết​​​​ (áo xanh) không ngừng cố gắng trong học tập và đã chinh phục ước mơ trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

3 năm học THPT, Bùi Thị Hồng Tuyết cũng như hàng vạn học sinh niên khóa 2019 - 2022 trải qua khoảng thời gian học tập hết sức đặc biệt, khi dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến việc dạy và học của toàn ngành GD&ĐT. Xảy ra dịch bệnh chưa từng có, một cách thức học tập mới ra đời, đầy lùi mọi quan niệm về cách học truyền thống như trước đây, đó là học trực tuyến. Chỉ với chiếc điện thoại nhỏ bé được kết nối mạng internet và tinh thần tích cực, lạc quan, Hồng Tuyết đã tham gia học trực tuyến hiệu quả, đồng thời, nỗ lực tự học để đạt kết quả học tập cao nhất có thể.

Bùi Thị Hồng Tuyết tâm sự: Em luôn tâm đắc câu nói nổi tiếng của nhà văn Lỗ Tấn: "Trên con đường thành công không có dấu chân của những kẻ lười biếng”. Muốn thành công trên con đường học tập, tất cả học sinh đều phải nỗ lực không ngừng, hoàn cảnh khó khăn đến mấy cũng không được ngừng cố gắng. Bản thân em sinh ra và lớn lên ở xã đặc biệt khó khăn, gia cảnh cũng khó khăn nên em càng phải cố gắng vươn lên trong học tập. Những ngày đầu xa gia đình ra TP Hòa Bình học trường DTNT tỉnh, em rất bỡ ngỡ và tự ti, nhưng luôn tự nhủ bản thân cần cố gắng hết sức để chạm đến ước mơ của mình. Em ước mơ trở thành cô giáo dạy bộ môn Địa lý, được bước chân vào giảng đường của Đại học Sư phạm Hà Nội. Nung nấu ước mơ này, em xác định phải tự học và tự học không ngừng với phương pháp khoa học, hiệu quả. Đối với em, những đêm cần cù đèn sách là một điều rất quen thuộc...

Sự cố gắng không ngừng nghỉ được nuôi dưỡng trong một môi trường giáo dục tốt, điều đó đã mang lại thành công cho Bùi Thị Hồng Tuyết trong năm học 2021 - 2022. Với môn học sở trường là Địa lý, em xuất sắc đạt giải nhất cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, em đạt tổng số 28,75 điểm đối với 3 môn xét tuyển đại học, trở thành thủ khoa khối C00 của trường, lọt top học sinh có tổng điểm 3 môn khối C00 cao nhất trong toàn tỉnh cũng như toàn quốc. Tuyết đã trở thành thủ khoa đầu vào của khoa Địa lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chính thức chạm đến ước mơ của mình.   

"Bước chân vào giảng đường đại học mình mơ ước với tình yêu nghề, sức trẻ và nhiệt huyết, em tự nhủ sẽ luôn cố gắng vì sự học không bao giờ có điểm tận cùng” - Bùi Thị Hồng Tuyết chia sẻ.  

Hưởng ứng tinh thần học tập suốt đời, trong đó tự học là nòng cốt, nhiều cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh đã chú trọng đọc sách để nâng cao kiến thức (Ảnh: Hoạt động đưa sách lưu động đến các trường học của Thư viện tỉnh).  



Khánh An

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục