Hai học sinh Sầm Bích Ngọc và Trần Hải Hà (đứng giữa) trao đổi, tìm hiểu thông tin từ lãnh đạo UBND xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) về Lễ hội đánh cá của người Mường Hòa Bình.
Xuất phát từ tình yêu quê hương và tự hào với những giá trị truyền thống của dân tộc, từ đầu năm 2022, hai học sinh dân tộc Mường là Sầm Bích Ngọc và Trần Hải Hà (trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh) đã lên kế hoạch tìm hiểu về Lễ hội đánh cá của người Mường Hòa Bình. Không chỉ tìm hiểu qua sách, báo và các tài liệu nghiên cứu lịch sử, các em còn đi sâu khảo sát thực tế tại huyện Tân Lạc và Lạc Sơn, mạnh dạn tìm gặp những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như Nghệ nhân Bùi Huy Vọng ở huyện Lạc Sơn, hay những người đứng đầu chính quyền địa phương như bà Đinh Thị Mạnh, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn (Tân Lạc)… Càng tìm hiểu, các em càng thấy gợi mở nhiều vấn đề hấp dẫn và mang ý nghĩa sâu sắc, khiến cả hai quyết tâm thực hiện đề tài khoa học có tính ứng dụng cao về lễ hội độc đáo này.
Được biết, Lễ hội đánh cá của người Mường Hòa Bình bắt nguồn từ khi còn chế độ nhà Lang. Khi đó có quy định chia ra khoang cá (khúc sông) của nhà Lang và khoang cá của dân làng. Khoang nhà Lang, dân không được đánh bắt và chỉ mở lễ hội đánh cá mỗi năm một lần, thường vào khoảng tháng 3 âm lịch. Mục đích chính của lễ hội là đánh bắt và chọn lựa ra những chú cá to, ngon, đẹp nhất, đem cúng tế thần linh để cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Về sau, lễ hội không những trở thành bản sắc văn hóa của người dân bản địa mà còn được coi là giải pháp hữu hiệu giúp bảo vệ các nguồn lợi thủy sản tại các con sông, suối, thể hiện ý thức khai thác đi đôi với phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản của người Mường Hòa Bình. Với ý nghĩa đó, lễ hội chính là hoạt động giàu bản sắc, thể hiện tinh thần sống hòa hợp với thiên nhiên của người Mường Hòa Bình.
Em Trần Hải Hà chia sẻ: Qua tìm hiểu, chúng em nhận thấy đây là một lễ hội giàu bản sắc, mang đậm triết lý nhân sinh nhưng đáng tiếc là trong thực tế đời sống, lễ hội đang dần bị quên lãng, ngày càng ít người biết đến lễ hội này, thậm chí cả những người con của đất Mường Bi, Mường Vang – vốn là hai "cái nôi” của lễ hội. Chúng em đã làm các phiếu khảo sát xã hội học về thực trạng vấn đề bảo tồn lễ hội ở hai huyện Tân Lạc, Lạc Sơn. Kết quả là đa số người tham gia khảo sát đều chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của lễ hội. Trên thực tế, lễ hội cũng không được tổ chức định kỳ hàng năm với vai trò là một lễ hội truyền thống của địa phương. Đây là một điều đáng tiếc. Càng tìm hiểu, chúng em càng nhận thấy cần thiết phải bảo tồn và giới thiệu rộng rãi để mọi người cùng biết đến lễ hội. Vì thế, chúng em quyết tâm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học lịch sử "Một số giải pháp bảo tồn Lễ hội đánh cá của người Mường Bi và Mường Vang ở tỉnh Hòa Bình” nhằm vận dụng kiến thức đã học, biến niềm say mê nghiên cứu khoa học lịch sử và sự quý trọng văn hóa dân tộc của cá nhân mình thành một đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng thực tiễn, tạo ra sức lan tỏa trong một bộ phận người trẻ có sự kết nối với chúng em.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mai là người trực tiếp hướng dẫn Ngọc và Hà thực hiện đề tài này cho biết: Tôi đánh giá cao khi các em lựa chọn thực hiện đề tài. Là học sinh THPT, các em đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của công dân đối với việc thực hiện các chính sách văn hóa thông qua việc giới thiệu, quảng bá và bảo tồn một bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương. Qua thực hiện đề tài, các em mong muốn góp phần thúc đẩy xu hướng nghiên cứu văn hóa dân tộc trong việc nghiên cứu khoa học của học sinh hiện nay, đồng thời, góp phần nhỏ bé bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Quá trình đồng hành, tôi rất vui khi nhận thấy ở các em có tình yêu và đam mê thực sự đối với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, các em đã đưa ra được giải pháp phù hợp để góp phần bảo tồn lễ hội, đúng với tinh thần của những người trẻ dám nghĩ, dám làm.
Biến tình yêu thành hành động thực tế, hai học sinh Sầm Bích Ngọc và Trần Hải Hà đã sáng lập CLB giới thiệu và bảo tồn Lễ hội đánh cá của người Mường Hòa Bình. Ngay khi công bố trên mạng xã hội facebook, CLB đã nhận được sự tương tác tích cực, thu hút gần 200 người đăng ký theo dõi và tham gia CLB. Lượng thông tin được giới thiệu tại đây phong phú, hấp dẫn, như: giới thiệu các hoạt động của lễ hội, các bài báo, bài nghiên cứu về lễ hội, cập nhật thông tin bổ ích về các lễ hội đặc sắc tại Hòa Bình… Đó là những nội dung được đánh giá cao, tạo thành sự kết nối từ "xã hội ảo” ra đến "xã hội thật”. Đồng thời cho thấy sự khởi đầu tốt đẹp của những người trẻ say mê nghiên cứu lịch sử để thêm yêu tha thiết hơn quê hương Hòa Bình.
Khánh An
NDO - Ngày 1/12, Báo Tiền Phong và Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam tổ chức chương trình vinh danh và trao học bổng "Nâng bước thủ khoa” năm 2022. Chương trình diễn ra đồng thời tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, và được kết nối trực tuyến với điểm cầu Trường đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi).