Trở thành môn bắt buộc với lớp 3 từ năm nay, nhưng so với tiếng Anh thì môn tin học còn 'bi đát' hơn khi thiếu trầm trọng cả giáo viên lẫn máy tính.
Số thiếu lớn hơn số hiện có
Theo Bộ GD-ĐT, hai điều kiện tối thiểu, tiên quyết để dạy học tin học là giáo viên (GV) và máy tính, thì cả nước đang thiếu ở mức báo động, một số địa phương số GV và máy tính còn thiếu lớn hơn nhiều so với số hiện có và không biết "xoay” cách nào. Trước năm học, cả nước có hơn 11.000 GV tin học ở cấp tiểu học, trong đó hơn 30% chưa đạt chuẩn đào tạo. Để đủ GV thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (tính tối thiểu 1 GV/trường), cần bổ sung 3.684 GV.
Học sinh tiểu học H.Mèo Vạc (Hà Giang) rất khó khăn trong việc học tin học vì toàn huyện chỉ có 1 giáo viên tin học cấp tiểu học, trong khi có tới 18 trường tiểu học
Về cơ sở vật chất, số trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học chưa có phòng học tin học là 4.183/15.023 trường; số phòng máy tính hiện có là 12.092 phòng, phần lớn đã cũ, lạc hậu và không đồng bộ. Để đủ phòng máy thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (tính tối thiểu 1,2 phòng/trường) cần bổ sung 5.560 phòng. Ở một số nơi không chỉ thiếu máy tính, hạ tầng mạng mà còn thiếu phòng học, thiếu đất xây phòng phục vụ dạy học tin học.
Hà Giang là một trong những tỉnh khó khăn nhất về điều kiện dạy học môn tin học. Theo Sở GD-ĐT Hà Giang, thời điểm chuẩn bị năm học, số trường tiểu học có phòng tin học chỉ là 88/218 trường; số GV dạy tin học còn thiếu 77 người, nhiều trường trắng GV môn này.
Tại Lai Châu, toàn tỉnh chỉ có 28 phòng tin học, thiếu 95 phòng và 3.093 máy tính; ước tính còn thiếu tới 78 GV. Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết nhiều trường còn thiếu phòng học, do đó không có phòng để bố trí làm phòng học bộ môn.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Thanh Hóa, riêng cấp tiểu học, toàn tỉnh có 353 phòng học tin học, còn thiếu 407 phòng. Cả tỉnh thiếu tới hơn 13.000 máy tính, số hiện có chỉ khoảng hơn 4.000 máy, trong đó nhiều máy không sử dụng được vì được cấp hoặc tài trợ đã lâu, chủ yếu là máy tính để bàn, cấu hình thấp, chưa đáp ứng việc cài đặt hệ điều hành và phần mềm thông dụng.
Sở GD-ĐT Kon Tum thì cho biết có 82 phòng máy vi tính/147 trường nhưng 5 phòng máy đã hư hỏng không sử dụng được; 19 phòng được cấp từ 10 - 15 năm, đã xuống cấp, cấu hình không đáp ứng yêu cầu.
Học sinh ở Đắk Nông thiếu máy tính học trực tuyến LÊ ĐẠI
Sở GD-ĐT Cà Mau cũng cho biết để dạy môn tin học trong năm học 2022 - 2023, tỉnh cần tuyển dụng 159 GV và đầu tư 112 phòng học. "Yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao, nếu không có sự đổi mới đồng bộ, bảo đảm tính hiệu quả của máy móc phục vụ dạy học thì dù nhà trường và GV có nỗ lực đến đâu cũng khó có thể đạt được các mục tiêu như mong muốn” báo cáo của Sở GD-ĐT nêu.
Chưa được đào tạo cũng phải giảng dạy !
Toàn H.Mèo Vạc (Hà Giang) chỉ có 1 GV tin học cấp tiểu học, trong khi có tới 18 trường tiểu học. Có GV tin học cấp THCS ở huyện này mỗi tuần phải đi thêm 80 km đường đồi núi để dạy cho học sinh lớp 3 ở 3 trường tiểu học của 3 xã theo sự điều động của Phòng GD-ĐT huyện.
Ông Cao Duy Chương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sủng Máng, H.Mèo Vạc, cho biết thực tế GV dạy THCS ở 2 môn học này đều đã phải dạy quá giờ ở ngay chính trường THCS của họ. Do vậy, không phải trường tiểu học nào cũng có GV THCS xuống hỗ trợ, nên đích thân thầy hiệu trưởng Chương và một thầy là tổng phụ trách Đội phải trực tiếp giảng dạy môn này cho học sinh lớp 3, dù các thầy chỉ có kiến thức về tin học và tham gia tập huấn, bồi dưỡng chứ không được đào tạo để dạy môn học này.
Tình trạng trên không phải là cá biệt. Ngay tại một quận trung tâm của thủ đô Hà Nội là Hoàn Kiếm, năm học này GV tin học cũng đang thiếu do không có nguồn tuyển. Các trường tiểu học phải hợp đồng với GV tin học ở trường THCS trên địa bàn để họ dạy tin học cho lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần.
Học sinh tiểu học H.Mèo Vạc (Hà Giang), một trong những địa phương thiếu trầm trọng giáo viên môn tin họcM.V
Xoay xở chỉ đủ đảm bảo "dạy cho có”
Thiếu cả máy móc thiết bị và người dạy, các địa phương đang cố tìm mọi cách để xoay xở. Dù không thừa nhận nhưng trước mắt nhiều nơi cũng chỉ đủ đảm bảo "dạy cho có”, cho đủ số tiết/tuần; chất lượng như mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra có lẽ là điều khá xa vời ở những nơi đặc biệt khó khăn.
Giải pháp khắc phục mà ngành GD-ĐT Thanh Hóa báo cáo Bộ GD-ĐT là tập huấn, hướng dẫn GV để thực hiện phương án dạy học linh hoạt tại các trường, điểm trường không thể bố trí GV dạy học tin học. Tổ chức dạy học theo hình thức "cuốn chiếu” đối với các trường xa nhau và trường có nhiều điểm trường. Vận động GV dạy tăng tiết, tăng buổi. Tập trung học sinh lớp 3 về điểm trường trung tâm để học các môn còn thiếu GV và phòng máy như tin học. Ngoài ra, tỉnh này cũng xây dựng kịch bản dạy học theo hình thức trực tuyến để ứng phó những tình huống khó khăn cụ thể.
Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái cho biết để đảm bảo 100% các tiết thực hành có máy tính, các trường sẽ chuyển máy tính từ nơi khác đến hoặc huy động máy tính xách tay của GV để học sinh thực hành hoặc sử dụng phòng học cho 2 cấp học trong cùng 1 trường liên cấp. Thậm chí, rất nhiều điểm trường đưa học sinh đến học nhờ tại trường lân cận hoặc đưa học sinh điểm lẻ về điểm chính thực hành...
Tỉnh này cũng bồi dưỡng khoảng 160 GV tiểu học ở môn khác để dạy môn tin học và công nghệ. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Yên Bái đề nghị Bộ GD-ĐT giao tăng chỉ tiêu ngành sư phạm tin học cho các trường ĐH để đảm bảo nguồn tuyển GV môn này cho các tỉnh trong những năm tới. Trước mắt, đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ trong 3 năm tới cho phép các tỉnh tuyển dụng dưới chuẩn đào tạo GV tin học, cụ thể là GV có trình độ CĐ, đang thực hiện học ĐH hoặc cam kết học ĐH ngay sau khi được tuyển dụng.
Theo Báo Thanh niên
(HBĐT) - Chiều 5/12, UBND tỉnh tổ chức làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn VitJan (Nhật Bản) do ông Koji Nakano, Chủ tịch Tập đoàn VitJan làm trưởng đoàn. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành: GD&ĐT, KH&ĐT, TN&MT, Tài chính, Xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh, UBND thành phố Hòa Bình.
(HBĐT)-Vừa qua, tại Malaysia, vòng chung kết Cuộc thi Coolest Projects Malaysia 2022 được tổ chức với sự tham gia tranh tài của 80 đội đến từ các quốc gia trên thế giới. Việt Nam có 5 đội tham gia chính thức ở hạng mục Hardwave trung học, trong đó có 3 đội đến từ tỉnh Hòa Bình, gồm: Đội học sinh trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình); đội học sinh trường THCS Lý Tự Trọng (TP Hòa Bình); đội học sinh trường TH&THCS Cun Pheo (Mai Châu).
(HBĐT) - Ngày 3/12, Sở giáo dục và đào tạo tổ chức lễ bế mạc hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT tỉnh năm 2022. Sau 3 ngày 324 học sinh của 36 trường THPT toàn tỉnh đã hoàn thành 8 nội dung.
NDO - Ngày 1/12, Báo Tiền Phong và Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam tổ chức chương trình vinh danh và trao học bổng "Nâng bước thủ khoa” năm 2022. Chương trình diễn ra đồng thời tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, và được kết nối trực tuyến với điểm cầu Trường đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi).
(HBĐT) - Trong các ngày từ 21 đến 28/11, tỉnh Hoà Bình đã có cuộc thăm và làm việc với Học viện Hàng Không Nhật Bản tại tỉnh Yamanashi.
(HBĐT) - Chiều 28/11, các đội thi đến từ 38 trường THPT chuyên trên toàn quốc - trong đó có trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - chính thức bước vào vòng 2 cuộc thi hùng biện tiếng Anh Speak-to-Lead 2022 (mùa 3). Đây là sân chơi trí tuệ về ngôn ngữ tiếng Anh dành cho học sinh các trường THPT chuyên trên khắp cả nước, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Galaxy Education và Đại học Hà Nội tổ chức.