(HBĐT) - Trên địa bàn TP Hòa Bình có 68 trường học trực thuộc quản lý của Phòng GD&ĐT thành phố với hơn 30.000 học sinh. Trong đó có 2 trường tư thục là liên cấp Dạ Hợp và mầm non Sao Mai tổ chức xe đưa đón học sinh. Cuối tháng 2 vừa qua, thông tin các xe đưa đón của trường mầm non tư thục Sao Mai đã hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn tiếp tục hoạt động đưa đón trẻ khiến không ít phụ huynh băn khoăn.
Hiện tại, các xe ô tô đưa đón học sinh của trường mầm non tư thục Sao Mai vẫn còn hạn đăng kiểm đến tháng 5/2023.
Phòng GD&ĐT thành phố trực tiếp quản lý và chỉ đạo chuyên môn 68 trường học (63 trường công lập, 5 trường tư thục) với tổng số 1.098 lớp, 30.804 học sinh, trong đó có 31 trường mầm non (4 trường mầm non tư thục), 7 trường tiểu học, 6 trường THCS, 21 trường TH&THCS (1 trường TH&THCS tư thục), 2 trường PTDT bán trú và 1 trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. 2 trường tư thục trên địa bàn thành phố thuê xe đưa đón học sinh là trường mầm non Sao Mai hiện thuê 4 xe, trường TH&THCS Dạ Hợp thuê 1 xe. Các xe đều đảm bảo thời gian kiểm định, chất lượng theo yêu cầu.
Ngày 9/1/2023, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hòa Bình 28-01S tạm thời đóng cửa do thiếu nhân sự thực hiện nhiệm vụ dẫn đến việc đăng kiểm các phương tiện nói chung, bao gồm cả các phương tiện dịch vụ vận tải gặp nhiều khó khăn. Phương tiện nếu muốn đăng kiểm phải di chuyển đến các địa phương khác như Xuân Mai, Việt Trì, Hà Nam... Nguy cơ xảy ra hiện tượng xe hết đăng kiểm hoạt động "chui” là có thể xảy ra.
Có mặt tại trường mầm non tư thục Sao Mai (phường Phương Lâm) để làm rõ hơn thông tin việc xe đưa đón học sinh của nhà trường đã hết hạn đăng kiểm. Đưa chúng tôi đi kiểm tra thực tế, cô Trần Thị Bắc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường hiện có 16 lớp, 420 học sinh. Nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con đi xe đưa đón nên hiện nay nhà trường có 4 xe đưa đón. Hàng ngày đưa đón tầm 60 cháu. Các xe hiện còn hạn đăng kiểm đến tháng 5/2023. Đây đều là xe của nhà trường, không phải xe ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải. Đội ngũ lái xe có đủ giấy phép lái xe, sức khỏe đảm bảo theo quy định. Mỗi xe bố trí 1 cô phụ trách việc đưa đón, trả trẻ. Nhà trường thực hiện việc đưa đón trẻ theo đúng quy định, nhiều năm nay chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Hiện nay việc đăng kiểm xe khá khó khăn nhưng nhà trường vẫn nỗ lực thực hiện việc đăng kiểm theo đúng quy định”.
Để siết chặt quản lý vấn đề xe đưa đón học sinh, Phòng GD&ĐT TP Hòa Bình đã có các chỉ đạo để hướng dẫn cụ thể và tăng cường công tác quản lý đến các đơn vị trên địa bàn. Yêu cầu các đơn vị nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) khi sử dụng phương tiện xe ô tô đưa đón học sinh. Theo đó, các nhà trường chỉ ký hợp đồng vận chuyển đưa đón học sinh đối với đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Đặc biệt, các phương tiện phải được cấp đăng ký kinh doanh vận tải hành khách, đăng ký, đăng kiểm đầy đủ, còn niên hạn sử dụng và được cấp phù hiệu "Xe hợp đồng" theo quy định. Bên cạnh đó, lái xe cũng phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn như: giấy phép lái xe đúng hạng, còn thời hạn sử dụng, đáp ứng đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATGT.
Đồng chí Nguyễn Đức Quế, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Hòa Bình cho biết: "Phòng GD&ĐT yêu cầu các nhà trường xây dựng, triển khai thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với các đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh, xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan về ATGT, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho học sinh. Các nhà trường khi tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đi trao đổi, học tập kinh nghiệm, hoạt động ngoại khóa… ngoài nhà trường phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc và được quản lý, cho phép từ hiệu trưởng đơn vị đến các cấp lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT yêu cầu các nhà trường phối hợp đơn vị liên quan tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, quy định của pháp luật về ATGT cho giáo viên, học sinh. Trong đó lưu ý các quy định về an toàn khi ngồi trên xe ô tô, kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp (cách mở cửa lên/xuống xe; bấm còi gây chú ý cho người xung quanh, phát tín hiệu cấp cứu bằng âm thanh, ánh sáng, ký hiệu; sử dụng búa thoát hiểm…), qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng, phòng tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra”.
Hoàng Dương