Theo đánh giá ban đầu của giáo viên và thí sinh, đề Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 có cấu trúc, dạng câu hỏi quen thuộc nên không làm khó cho đa số thí sinh. Bên cạnh đó, đề thi cũng có câu hỏi đáp ứng tốt yêu cầu ở mức độ vận dụng cao, giúp thí sinh thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình.

Thí sinh ra về sau buổi thi Ngữ văn sáng 28/6. (Ảnh: NHẬT QUANG)

Theo các giáo viên, đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục Học mãi nhận xét, ở Phần I- Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết: câu 1 yêu cầu xác định thể thơ; câu 2 yêu cầu chỉ ra từ ngữ miêu tả cơn giông mùa hè trong 4 dòng thơ của khổ đầu – đó là những yêu cầu dừng lại ở mức độ thuần túy nhận biết và không hề làm khó cho thí sinh.

Câu 3 là câu hỏi ở mức độ vận dụng, yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức Tiếng Việt, tu từ để phân tích và làm rõ tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong 4 dòng thơ của khổ 2 – câu hỏi này không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải phân tích được đồng thời cả giá trị biểu đạt và giá trị biểu cảm của hai hình ảnh so sánh "Mưa ròng ròng như triệu ngón tay” và "Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ”.

Đề Ngữ văn: Không làm khó thí sinh, có biên độ cho các em bày tỏ quan điểm riêng ảnh 1

Đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ những suy ngẫm của tác giả Anh Ngọc trong dòng thơ "Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình”. Câu hỏi này đòi hỏi thí sinh trước hết phải hiểu được những tầng nghĩa hàm ẩn của hình ảnh "cơn giông”; liên tưởng và suy nghĩ nghiêm túc về những "cơn giông của riêng mình” từ sự gợi ý có thể nhận được bởi những suy ngẫm của nhà thơ Anh Ngọc. Đây là câu hỏi đáp ứng tốt yêu cầu ở mức độ vận dụng cao, giúp thí sinh thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình về cách nghĩ, cách sống giữa một cuộc sống đầy biến động.

"Nhìn chung, phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh”- cô Trịnh Thu Tuyết nhận định.

Câu 1 của Phần II đưa ra một vấn đề rất thiết thực với bất kỳ lứa tuổi nào trong cuộc sống, nhưng đặc biệt là tuổi trẻ, khi các em có nhiều nhiệt tình, khát vọng…nhưng có thể còn mỏng về kinh nghiệm, về kỹ năng sống và vì thế dễ bị những cảm xúc tiêu cực chi phối. Tính thiết thực của vấn đề nghị luận có thể giúp tìm ra những điểm sáng trong bài làm của thí sinh. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khá trừu tượng và tính thiết thực của việc cân bằng cảm xúc trong thực tế cuộc sống luôn là không dễ dàng với bất kỳ ai; do đó với một bộ phận không nhỏ các thí sinh, câu hỏi này rất khó để các em đạt được điểm tối đa. "Nhưng nhìn ở một góc độ khác, thì câu hỏi này đã góp phần tạo ra tính phân loại tương đối rõ rệt cho bài làm của thí sinh” – TS Trịnh Thu Tuyết đánh giá.

Ở câu nhiều điểm nhất của đề, câu 2 (5,0 điểm), với ngữ liệu nghị luận là đoạn kết mang âm hưởng tươi sáng của sự đổi đời, của cuộc sống ấm no - sự tươi sáng dù mới chỉ thấp thoáng hiện ra qua câu chuyện của 3 mẹ con Tràng, qua cảm giác "tiếc rẻ vẩn vơ” của Tràng và đặc biệt qua hình ảnh "lá cờ đỏ bay phấp phới” ở cuối truyện, thí sinh hoàn toàn có thể tích hợp yêu cầu của hai câu lệnh bởi khi các em phân tích đoạn trích với những chi tiết miêu tả lời nói, thái độ, tâm trạng…của các nhân vật thì cũng đồng thời phải đề cập đến cách nhìn tích cực của nhà văn Kim Lân với cuộc sống và số phận con người trong nạn đói khủng khiếp 1945. Điều này sẽ giúp cho những thí sinh có năng lực tư duy tốt có thể thực hiện tích hợp hai yêu cầu của đề, tránh được sự trùng lặp những nội dung đã phân tích.

Nhìn chung, đề thi Ngữ văn bảo đảm các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh.

Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Niềm vui bên ngôi trường xanh - an toàn

(HBĐT) - Một ngày đầu hè chúng tôi đến thăm trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn (Kim Bôi). Bước qua cổng trường là khuôn viên rộng rãi, xanh mát với nhiều loại cây, hoa được bố trí hợp lý, tạo không gian thoáng mát, tươi mới và gần gũi với thiên nhiên, không khí trong lành, dễ chịu. Các khu vực phòng học được thiết kế theo phong cách hiện đại, tạo cảm giác ấm cúng, thoải mái cho trẻ nhỏ. Phòng học có cửa sổ lớn, giúp ánh sáng tự nhiên chiếu vào. Các phòng chức năng đầy đủ thiết bị vui chơi giúp các em phát triển thể chất, tăng cường sức khỏe.

Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT

Từ ngày 27 đến 30/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chính thức diễn ra. Với tổng số hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi, Ban chỉ đạo thi các cấp đã triển khai nhiều giải pháp để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Trường THPT Công Nghiệp tổ chức lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh khối 12

(HBĐT) - Ngày 24/6, trường THPT Công Nghiệp (TP Hoà Bình) tổ chức lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh khối 12, niên khoá 202 2- 2023. Các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và 337 học sinh khối 12 đã tham dự chương trình.

Ngành GD&ĐT đạt nhiều kết quả nổi bật trong quý II/2023

(HBĐT) - Ngày 23/6, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến ngành GD&ĐT quý II/2023. Trong quý II, Sở GD&ĐT tiếp tục đôn đốc các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy và học theo khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023; chủ trì tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa; chỉ đạo công tác chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó chú trọng đẩy mạnh các chương trình về đổi mới GD&ĐT, cuộc vận động và phong trào thi đua.

Chuẩn bị sẵn sàng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

(HBĐT) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, toàn tỉnh có 9.690 thí sinh đăng ký dự thi. Sở GD&ĐT quyết định thành lập 37 điểm thi, 442 phòng thi. Đến thời điểm này, các điểm thi và lực lượng liên quan đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc lớn với tinh thần trách nhiệm cao. Mọi khâu trong công tác chuẩn bị đang được rà soát để sẵn sàng tổ chức tốt kỳ thi trên địa bàn tỉnh.

Gần 80.000 trẻ em được giáo dục tài chính với Cha-Ching

(HBĐT) - Thông qua chương trình giáo dục tài chính Cha-Ching, trẻ em được đa dạng hoá cách ứng xử với đồng tiền như tiêu tiền, quyên góp, tiết kiệm, kiếm tiền…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục