Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP Hoà Bình) chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng cho năm học mới.
Toàn tỉnh hiện có 533 đơn vị, trường học với khoảng 18,2 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và gần 230 nghìn học sinh, sinh viên. Ngành GD&ĐT tỉnh không ngừng nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, kết quả chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến rõ nét, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định.
Công tác giáo dục dân tộc được chú trọng, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được đầu tư xây dựng, phát triển. Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, nâng cao chất lượng. Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 83,8%. Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 59,54%. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng và được chuẩn hóa. Công tác quản lý trong các nhà trường đi vào chiều sâu, có hiệu quả. Qua đó góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.
Giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh tập trung rà soát, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục, giảm điểm trường lẻ, lớp ghép, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập, củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù dành cho giáo viên, học sinh, sinh viên vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đến năm 2025, trên 82% số trường có đủ phòng học, phòng học bộ môn và thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu các cấp học; 61% trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2030, trên 90% trường có đủ phòng học, phòng học bộ môn và thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu các cấp học; 90% phòng học được xây dựng kiên cố; 70% thư viện trường mầm non, phổ thông đạt mức độ 1; 70% trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, quan tâm giáo dục dân tộc và học sinh khuyết tật học hòa nhập; chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, lịch sử, đạo đức, ý thức trách nhiệm công dân, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3; đạt chuẩn xòa mù chữ mức độ 2; phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi. 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THCS hàng năm đạt từ 99% trở lên; duy trì, nâng cao chất lượng xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Đảm bảo đủ số lượng giáo viên với cơ cấu hợp lý ở các cấp học, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông. Đến năm 2030, 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 70% giáo viên mầm non, 8% giáo viên tiểu học, 8% giáo viên THCS, 30% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn; 100% giáo viên dạy tiếng Anh đạt chứng chỉ theo yêu cầu của cấp học, trong đó có 30% giáo viên đạt chứng chỉ quốc tế.
Với việc xác định đột phá phát triển nguồn nhân lực trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã khẳng định sự ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực trong những năm tới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Hồng Trung