Nhân kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức về kết quả của đợt tuyển sinh cũng như việc đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong một lần tư vấn xét tuyển đại học 2023. Ảnh: TV
Thưa bà, vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quyết định tăng số lần lọc ảo so với các năm trước?
Năm 2023, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung cung cấp nhiều nguồn dữ liệu hơn để hỗ trợ các trường sử dụng trong nhiều phương thức xét tuyển đợt 1, đồng thời thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành (không phải đăng ký xét tuyển theo tổ hợp và phương thức xét tuyển). Các trường cần nhiều thời gian hơn dự kiến để hoàn thành việc xét tuyển. Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh tăng thêm 2 ngày và tăng thêm số lần lọc ảo cho giai đoạn này so với kế hoạch ban đầu, để các trường có đủ thời gian cần thiết xử lý thông tin, dữ liệu một cách chính xác, đầy đủ.
Năm nay, các thí sinh có nhiều thuận lợi hơn khi tránh các nhầm lẫn đáng tiếc đã xảy ra ở các năm trước. Có thể nói là thuận lợi tối đa đang dành cho thí sinh.
Hệ thống xử lý đã tối ưu hóa các dữ liệu mà thí sinh có thể sử dụng để xét tuyển và đáp ứng nguyện vọng của thí sinh với năng lực hiện có; hệ thống giúp gia tăng khả năng trúng tuyển vào ngành các em yêu thích, ưu tiên nhất. Các trường cũng lựa chọn được thí sinh phù hợp, chất lượng tốt hơn cho các chương trình đào tạo của nhà trường.
Số liệu kết quả tuyển sinh đại học đợt 1 cụ thể như thế nào? Bộ GD&ĐT đánh giá sơ bộ về đợt xét tuyển này ra sao, thưa bà?
Năm 2023, cả nước có 660.028 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Kết quả xét tuyển trên hệ thống, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 sau lọc ảo trên tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học 2023 đạt 92,7% (số thí sinh trúng tuyển đợt 1 tăng 7,9% so với năm 2022).
Số thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giảm nhưng tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 4,56% so với 2022. Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 chiếm 65,9%. Tuy tỷ lệ này của năm 2023 và cả năm 2022 thấp hơn khá nhiều so với các năm trước đó, nhưng đây là con số thực chất, thể hiện nguyện vọng và tương ứng với thực chất năng lực của thí sinh. Việc này do thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, theo quy trình đăng ký xét tuyển đổi mới từ năm 2022.
Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 là 49,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên chiếm 74,9% số thí sinh đăng ký xét tuyển và trúng tuyển ở 5 nguyện vọng đầu tiên là 85,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Như vậy, trung bình một thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng.
Tuy nhiên, năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo. Cụ thể, gần 68% thí sinh trúng tuyển sớm không lựa chọn nguyện vọng 1. Đây sẽ là bài toán cho các trường đại học vào mùa tuyển sinh tiếp theo.
Công tác tuyển sinh đại học năm 2023 đạt nhiều kết quả và chuyển biến khả quan. Kết quả bước đầu ghi nhận là điểm trúng tuyển của các trường, xét ở mặt bằng chung, khá tương đồng với kết quả năm 2022. Đa số các trường ghi nhận tích cực về số lượng thí sinh trúng tuyển với mức điểm chuẩn mà các trường đã xác định, căn cứ theo chỉ tiêu đào tạo và dữ liệu nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển.
Đặc biệt, kết quả trúng tuyển nhìn chung ghi nhận không có điểm chuẩn quá cao, do áp dụng việc tính điểm ưu tiên theo Quy chế tuyển sinh (bắt đầu có hiệu lực từ năm 2023).
Đồng thời, như đã trao đổi, nhờ tối ưu hóa các dữ liệu sử dụng để xét tuyển của thí sinh khi chỉ cần đăng ký theo ngành đào tạo, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển có sự gia tăng tích cực đáng ghi nhận trên toàn hệ thống, đáng mừng đối với cả thí sinh và cả đối với các cơ sở đào tạo.
Bà vừa trao đổi, năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý. Điều này đã được Bộ GD&ĐT nhắc nhở từ trước đó. Vậy các cơ sở giáo dục cần làm gì để đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh?
Đúng là có hiện tượng giữa các phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng nhất định. Nhiều thí sinh được xác định trúng tuyển sớm, đây đó đã dễ dãi hơn việc trúng tuyển bằng các kỳ thi năng lực và kỳ tốt nghiệp THPT.
Ngay từ bây giờ, các trường đại học phải phân tích dữ liệu tuyển sinh 2 năm qua, cùng kết quả học tập của các em khi vào trường. Từ đó đánh giá việc đưa ra phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển đã phù hợp chưa, người học được tuyển chọn theo các phương thức khác nhau đó có đảm bảo công bằng chưa.
Quy chế tuyển sinh đã nêu rõ, các trường đại học có trách nhiệm trong việc giải trình về việc đưa ra yêu cầu cho phương thức tuyển sinh.
Dự kiến công tác tuyển sinh đại học năm 2024 sẽ như thế nào, thưa bà?
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023 - 2024; xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025.
Các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2024, cần lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo Báo Tin tức
(HBĐT) - Trường mầm non Hoa Phượng, thị trấn Bo (Kim Bôi) có tổng diện tích trên 3.500 m2. Trường được xây dựng khang trang, xanh - sạch - đẹp, an toàn, có đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Nhà trường hiện có 288 học sinh, trong đó, khối mẫu giáo 239 trẻ, khối nhà trẻ 49 trẻ. Trường được công nhận đạt chuẩn chất lượng cấp độ 2, đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Thời gian qua, nhà trường được biết đến với mô hình "Nâng cao chất lượng phát triển thẩm mỹ thông qua dạy năng khiếu cho trẻ mẫu giáo”.
(HBĐT) - Ngày 25/8, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đã kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024 tại huyện Đà Bắc.
(HBĐT) - Sáng 24/8, tại trường mầm non Hoa Dạ Hợp (TP Hoà Bình), Sở GD&ĐT tổ chức hội thảo tìm giải pháp phát triển giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Tham dự có các chủ đầu tư, đại diện các trường học, cơ sở GDMN ngoài công lập, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố.
(HBĐT) - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh vừa ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính năm học 2023-2024.
(HBĐT) - Ngày 14/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Văn bản số 4287/ BGDĐT-VP gửi Đoàn ĐBQH tỉnh về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến.
Từ ngày 24/8 đến trước 17 giờ ngày 8/9, tất cả các thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.