Ngóng con thi trong kỳ thi ĐH năm 2009.

Ngóng con thi trong kỳ thi ĐH năm 2009.

Có trường gọi đội số thí sinh trúng tuyển lên gấp 2 lần chỉ tiêu được giao dù biết sẽ "bị" phạt tiền hay khấu trừ vào năm sau cũng... kệ?

Chỉ tiêu tuyển sinh cứ tăng đều đều 10% hàng năm, nhưng tỷ lệ học sinh (HS) tốt nghiệp lớp 12 không tăng, thậm chí giảm. Các chuyên gia tuyển sinh cho đây là lý do khiến nhiều trường quá lo không có thí sinh đến nên "nhắm mắt làm liều". 

Càng phạt, càng tăng

Ngoài hiện tượng tuyển vượt chỉ tiêu được giao đã từng xảy ra ở một số trường ĐH, CĐ các năm trước, mùa tuyển sinh năm 2009 thêm hình thức "lách luật" mới: tự điều chỉnh chỉ tiêu cho các trường trực thuộc hoặc "Bộ giao ít, địa phương giao nhiều"... 

Chánh thanh tra Giáo dục (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Chiến cho biết, một số bộ, ngành, địa phương sau khi có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT lại ra văn bản giao chỉ tiêu nhiều hơn. Chẳng hạn, tỉnh Khánh Hòa giao chỉ tiêu nhiều hơn cho Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Du lịch Nha Trang. Hoặc, Bộ Công thương tự điều chỉnh chỉ tiêu giữa các trường của Bộ nhưng không có ý kiến của Bộ GD-ĐT.

Mùa tuyển sinh năm 2007, đã có 18 trường ĐH, CĐ bị phạt từ 40-60 triệu đồng vì tuyển vượt chỉ tiêu được giao. Cũng trong năm 2007, Bộ phát hiện 34 trường ĐH, CĐ tuyển vượt trên 20% chỉ tiêu và đã trừ chỉ tiêu tuyển mới năm 2008 của các trường này.

Thế nhưng, danh sách các trường tuyển vượt chỉ tiêu năm 2008 do Bộ GD-ĐT công bố vẫn... tiếp tục tăng, trên 40 trường.

Theo ông Chiến, tình trạng này vẫn tiếp tục "tái diễn" trong năm 2009. Năm này, có 38 trường ĐH, CĐ tuyển vượt chỉ tiêu từ 15% trở lên so với tổng chỉ tiêu được giao.

Trong đó, có 8 trường ĐH và 30 trường CĐ. Đáng chú ý, số trường có tỷ lệ tuyển vượt từ 20% trở lên có đến 25 trường.

Thậm chí, trường gây "lình xình" trong năm là ĐH Phan Thiết còn có tỷ lệ tuyển vượt cao nhất với 91,73% (được giao 750 chỉ tiêu, nhưng tuyển mới tới 1.438). Vi phạm này bị phạt tiền 60 triệu đồng. 

Kế đến là Trường CĐ Cần Thơ tuyển vượt 88,64% (1.100/2.075); CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội tuyển vượt 63% (700/1.141).

Ba trường có tỷ lệ tuyển vượt trên 40% gồm: CĐ Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội (41,25%), ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (43%), CĐ Điện lực miền Trung (49%)...

Ông Chiến cho biết, tất cả 38 trường ĐH, CĐ tuyển vượt chỉ tiêu năm 2009 (danh sách chi tiết xem bên dưới) đều bị phạt tiền và khấu trừ chỉ tiêu tuyển mới năm 2010 theo quy định.

"Ở hệ tuyển sinh TCCN năm 2009 cũng có nhiều sai sót". Việc bố trí ngành nghề đào tạo thiếu cân đối nghiêm trọng như: Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam dành 2.272/ 2.600 chỉ tiêu được giao (chiếm 87,4%) đào tạo Dược và Điều dưỡng, trong khi trường có 11 ngành được giao nhiệm vụ đào tạo.

Hoặc, Trường CĐ Nguyễn Tất Thành dành 6.000/ 8.346 chỉ tiêu tuyển được (chiếm 75%) đào tạo Dược và Điều dưỡng trong khi trường cũng có 12 ngành đào tạo.

Một số trường chưa xây dựng tiêu chí xét tuyển cụ thể gồm: Trường CĐ Xây dựng số 3, Trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa, Trường Trung cấp Tài chính Kế toán Hà Nội...

Trung cấp chuyên nghiệp lo "méo mặt"

Thống kê của Bộ GD-ĐT, so với tổng chỉ tiêu toàn khối ĐH, CĐ năm 2009, các trường chỉ tuyển được 93%, tức là chưa dùng hết "vốn" (509.106 chỉ tiêu).

Còn Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) Phạm Như Nghệ lo lắng, với việc mở rộng quy mô trường và loại hình đào tạo, nếu vẫn tăng cơ học chỉ tiêu 10% mỗi năm thì các trường TCCN sẽ không có nguồn tuyển.

Điều này xuất phát từ hai lý do. Trước hết, nhu cầu tuyển của nhiều trường năm nào cũng "phình" ra, nhưng nhu cầu học (tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của học sinh lớp 12, thi trượt ĐH, CĐ năm trước...) của người dân thì không tăng, thậm chí giảm. Mặt khác, nếu các trường ĐH, CĐ cũng "ôm" luôn việc đào tạo hệ trung cấp thì các trường TCCN sẽ có nguy cơ đóng cửa.

"Cung" nhiều hơn "cầu"?

Dù chưa có quyết định chỉ tiêu chính thức nhưng Bộ GD-ĐT dự kiến tăng 10% chỉ tiêu tuyển mới hệ ĐH, CĐ năm 2010 (khoảng 571.000 sinh viên). Hệ TCCN cũng dự kiến tăng 10% so với năm 2009 (tổng chỉ tiêu tuyển mới là 460.000).

Như vậy, tổng chỉ tiêu tuyển mới vào ĐH, CĐ và TCCN năm 2010 sẽ lên tới khoảng 1,5 triệu.

Trong khi đó, tổng “nguồn cung” gồm học sinh tốt nghiệp THPT năm 2010 và thí sinh trượt ĐH, CĐ, trường nghề từ những năm trước vào khoảng 1,1 triệu.

Một chuyên gia tuyển sinh Bộ GD-ĐT cho biết, sự mất cân đối giữa "cung" và "cầu" sẽ dẫn đến hệ lụy nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Và, bên cạnh những ưu điểm của hình thức thi "3 chung" được ghi nhận, tình trạng "xé rào" trong tuyển sinh của nhiều trường sẽ có thể "tái diễn" trong mùa tuyển sinh năm 2010.

Bởi, với cách xét tuyển và gọi thí sinh nhập học thì bao giờ các trường cũng gọi dư một khối lượng thí sinh nhất định để phòng thí sinh không đến. Còn thí sinh đến thì cho nhập học hết, nên mới dẫn đến thực trạng năm nào cũng phạt, trừ chỉ tiêu nhưng các trường vẫn... "xé rào".  

                                                                                  Theo Vnn

Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục