Xã hội đang khát nguồn nhân lực cao trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ
Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010 cho thấy khối ngành kinh tế đang hấp dẫn thí sinh, còn khối ngành kỹ thuật, nông - lâm - ngư nghiệp vẫn èo uột khi người học ngày càng ít dần. Tuy nhiên, liệu 4 năm sau, khi tốt nghiệp ra trường, những ngành đang hấp dẫn có còn sức hút hay sẽ bị khủng hoảng thừa?
Trong tổng số 24.522 hồ sơ nộp về Văn phòng Tuyển sinh Bộ GD-ĐT phía Nam, có đến hơn 50% hồ sơ dồn về ngành kinh tế, công nghệ, còn các ngành thuộc khối kỹ thuật chiếm chưa tới 5% hồ sơ.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, khối ngành đào tạo chủ lực của trường là các ngành kỹ thuật, cơ khí nhưng năm nay số lượng thí sinh đăng ký có sự thay đổi lớn khi các ngành này chưa vượt qua nổi con số 40 hồ sơ/ngành.
Ngay cả trường có tên tuổi vào loại bậc nhất của cả nước về đào tạo những ngành kỹ thuật như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng không đủ sức để hút thí sinh. Nếu so về mặt số lượng, hồ sơ của trường này chưa chen nổi vào tốp 10 trường có số hồ sơ cao nhất (theo thống kê của Văn phòng tuyển sinh Bộ GD-ĐT phía Nam). Nếu tính theo tỷ lệ hồ sơ nộp vào từng ngành cũng không khá hơn so với các trường có đào tạo khối ngành này như: ngành công nghệ thông tin 31 hồ sơ, kỹ thuật vật liệu 12, vật lý kỹ thuật 25…
Càng heo hút hơn khi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, trường đào tạo giáo viên kỹ thuật duy nhất của phía Nam, hệ giáo viên kỹ thuật không có ngành nào quá 4 hồ sơ. Ở hệ đào tạo cử nhân, các ngành kỹ thuật công nghiệp 3 hồ sơ, công nghệ kỹ thuật máy tính 6 hồ sơ…
Với Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, dù những năm gần đây luôn dẫn đầu cả nước về trường có hồ sơ đăng ký dự thi nhưng thí sinh cũng không mấy mặn mà với các ngành cơ khí. Thống kê sơ bộ, kỳ tuyển sinh năm nay, những ngành tiếp tục “khát” hồ sơ như ngành cơ khí nông lâm chỉ vỏn vẹn 4 hồ sơ, công nghệ kỹ thuật ô tô 7 hồ sơ. Tương tự, một số ngành nông - lâm - ngư nghiệp như chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, chế biến bảo quản nông sản… tại các trường như ĐH Tây Nguyên, ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, ĐH Lâm nghiệp hồ sơ đăng ký năm nay cũng sụt giảm đáng kể.
Trong hơn 100.000 hồ sơ của 151 trường THPT nộp về Sở GD-ĐT TPHCM năm nay cũng có sự thay đổi lớn đó là các trường thuộc khối kỹ thuật lẫn các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM hồ sơ sụt giảm mạnh. Ngược lại, những trường thuộc nhóm kinh tế- tài chính – ngân hàng lại “bội thực” hồ sơ.
Thực tế cho thấy, muốn giảm nghịch lý nói trên trước tiên là làm tốt công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông, đồng thời, các trung tâm dự báo nguồn nhân lực quốc gia, kết hợp với các bộ ngành để hoạch định kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước và từng vùng miền nên nhanh chóng được thành lập.
| |
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, xu thế học sinh chọn ngành của nước ta hiện nay rất giống với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực cách đây nhiều năm. Điều này cũng phản ánh quy luật cung cầu, hễ xã hội có nhu cầu thì người học cứ theo học. Tuy nhiên, điều mà thí sinh không để ý là liệu ngành thí sinh đang chọn ở thời điểm này đang rất “nóng” nhưng lúc ra trường, khoảng 4 – 5 năm sau, ngành các em đang học nhu cầu có còn cao hay sẽ bão hòa.
Điều này không phải lỗi ở thí sinh mà chính là lỗi của ngành giáo dục, công tác hướng nghiệp bị bỏ trống hoặc có cũng chỉ làm qua loa. Đơn giản như việc tư vấn về các ngành kỹ thuật, thầy cô chỉ thông tin cho các em về nghề nghiệp chỉ xoay quanh cái kìm với sợi dây điện là hết. Còn với những người học kinh tế là ông này, bà nọ… nên các em rất thích. Tuy nhiên, thực tế để làm tốt công tác hướng nghiệp không phải là chuyện một sớm một chiều.
TS Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) chia sẻ: Thực tế công tác hướng nghiệp để học sinh phổ thông tiếp cận được với các trang thiết bị, phòng thí nghiệm, phòng thực hành… là rất khó. Việc không biết rõ về ngành nghề thì làm sao chọn nghề cho đúng. Một khi chọn nghề không theo sở thích, không yêu nghề thì chắc chắn không bao giờ các em học tốt được...
Một nghịch lý đáng nói hơn trong khi nhân lực ngành nông nghiệp nước ta có đến gần 98% chưa qua đào tạo (20,7 triệu người), lao động có trình độ ĐH-CĐ chỉ chiếm 0,22% nhưng thực tế lại rất hiếm người theo học những ngành này. Nguyên nhân của tình trạng “cung” lệch “cầu” quá xa này nằm ở chỗ chúng ta chưa nắm được nhu cầu nguồn nhân lực nông lâm nghiệp, cơ cấu ngành nghề, đồng thời chưa dự báo được thị trường nguồn nhân lực nông lâm nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao
Theo SGGP
Đây là hiện trạng chung của nhiều trường ĐH tại ĐBSCL. Nhiều giảng viên giỏi, sau 5 năm phục vụ tại địa phương đã chuyển về trường ĐH khác
Được xem là một nhân tố trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy, xóa đọc - chép, nhưng thư viện trường học dường như đang bị “quên lãng".
Tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ và Đào tạo FUYO (Nhật Bản) tổ chức trao học bổng cho những sinh viên xuất sắc năm 2009 thuộc các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và Vĩnh Phúc.
Trong vòng 12 năm qua (từ 1998 - 2010), Nhà nước tăng dần đầu tư GD-ĐT từ mức hơn 13% lên 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Với tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục như trên, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới.
Còn một tuần nữa, các sở GD-ĐT sẽ bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) của thí sinh (TS) cho các trường ĐH, CĐ. Liệu trong thời gian này, TS có thể chỉnh sửa hồ sơ nếu phát hiện sai sót?
Sinh viên (SV) một số trường đại học đang khổ sở với khoản tiền “cơ sở vật chất” do các trường tự đặt ra để hợp thức hóa việc tăng học phí. Nhưng điều khiến SV bức xúc là việc các trường buộc cả SV thuộc diện miễn giảm học phí phải đóng... học phí!