Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đôi bạn Thuần và Hậu vẫn giúp đỡ nhau trong học tập
(HBĐT) - Suốt 3 năm liền đưa bạn đến trường, không kể trời mưa dầm hay nắng rát bỏng chân, Ninh Văn Thuần chỉ mong một điều, lớn lên 2 đứa sẽ giúp ích cho quê hương mình.
Về trường THCS xã Mỵ Hoà, huyện Kim Bôi hỏi thăm đôi bạn Quách Công Hậu và Ninh Văn Thuần ở xóm Đồng Hoà 1, các em học sinh ở trường cho biết: Hậu và Thuần là đôi bạn rất thân, sáng nào chúng em cũng thấy đôi bạn đưa nhau đến trường, Thuần đi sau đẩy xe cho bạn, còn Hậu ngồi xe lăn. Cô Đinh Thị Hải, giáo viên trường THCS xã Mỵ Hoà, ở gần nhà Hậu cho biết: Hậu rất chăm học, có hôm bị ốm hay bị cảm nhẹ, gia đình rất lo lắng, nhưng Hậu vẫn không đồng ý để bố mẹ đến trường xin phép thầy cô giáo nghỉ học.
"Hậu sinh năm 1993, từ khi sinh ra, tay chân cháu bị co quắp.." Từng dòng nước mắt trào ra trong khoé mắt chị Hoà, mẹ Hậu. Lên 6 tuổi mà Hậu vẫn còn ốm yếu lắm, không đi đứng được. Hàng ngày Hậu thường bò lê ra đầu dốc nhìn đám bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường mà không dấu được sự thèm muốn. Vậy là bố mẹ đánh phải xin cho Hậu theo học.
Những buổi đầu, bố mẹ thay nhau cõng Hậu tới trường, nhưng vì bố mẹ còn phải đi làm, nên việc đưa đón em đi học được giao cho chị gái. Đến năm học lớp 3, Hậu được UBND xã Mỵ Hoà tặng em chiếc xe lăn, đó như một tài sản vô giá đối với Hậu, nó đã giảm bớt gánh nặng trên lưng chị. Được một thời gian, chị gái đi lấy chồng nhưng nhà không còn ai thay thế, nên ngày hai buổi chị vẫn phải đi bộ từ nhà chồng về đưa Hậu đi học. Có hôm, chị đi làm về muộn không kịp đón, Hậu lại tự vận bánh xe lăn đi về, nhưng đôi tay bệnh tật của em quá yếu, đường dốc gập ghềnh nên không ít lần cả xe lẫn người bị đổ giữa đường.
Nhiều lần thấy cảnh ấy, cậu bé Ninh Văn Thuần, đang học lớp 6, kém Hậu một lớp cứ day dứt mãi. " Mình phải làm gì để giúp bạn ?", rồi Thuần quyết định đến xin phép bố mẹ Hậu để mình được đưa bạn đến trường. Vợ chồng anh Sinh, chị Hoà cho biết, họ như nghẹt thở vì xúc động trước lời đề nghị ấy. Nhà cũng gần nhà bạn, thế là từ hôm sau, để đến lớp được đúng giờ, mỗi buổi sáng, trước lúc 6 giờ, cậu bé Thuần đã đến nhà Hậu để đón bạn. Con đường từ nhà Hậu đến trường tuy chỉ hơn nửa cây số, nhưng cũng có đoạn toàn đất và dốc cao, mỗi lúc trời mưa, đường trơn trượt rất khó đi. Ấy thế mà cũng đã 3 năm, giờ Thuần đã học lớp 8, ngày nào Thuần cũng kiên trì đến đón bạn, không một buổi vắng học.
Theo chân những thầy cô giáo trường THCS Mỵ Hoà, chúng tôi đến thăm “đôi bạn cùng tiến” ấy mới biết, hoàn cảnh của Thuần cũng rất khó khăn, bố mất, mẹ đi làm ăn xa, em phải ở với bác. Khó khăn là vậy, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi lúc nào cũng thấy em tràn đầy lạc quan. Cậu bé tâm sự: Ở trường ai cũng quý mến Hậu, bạn ấy rất chăm học và hoà đồng với bạn bè. Sáng em đón bạn đi học, trưa về thì các bạn trong lớp thay nhau đẩy xe cho bạn, vì vậy mà quãng đường trở nên ngắn hơn và chúng em cũng vui hơn.
Khi hỏi về những ước mơ của mình, đôi bạn chia sẻ: Thuần ước mơ sau này muôn trở thành một giáo viên, vì quê em còn nhiều những bạn như em chưa được tới trường. Còn Hậu cũng bộc bạch: Sau này em muốn trở thành một bác sỹ để chữa bệnh cho dân làng.
Thầy Lê Tâm Sự, Hiệu trưởng trường THCS xã Mỵ Hoà nói về các học trò của mình: Hậu là tấm gương sáng về lòng ham học và ý chí vượt lên tật nguyền cho các em học sinh trong trường noi theo. Tình bạn giữa Hậu và Thuần là một biểu tượng đẹp của tình bạn. Các em sẽ đứng vững bằng nghị lực, niềm say mê học tập và tri thức của mình.
Thanh Tuyền
(HBĐT) - Ngày 17/05, tại Nhà thiếu nhi tỉnh Hoà Bình đã diễn ra lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em” và tổ chức hội trại thiếu nhi năm 2010
(HBĐT) - Thực hiện Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012, huyện Yên Thuỷ được phân bổ 255 phòng học, 53 phòng công vụ. Mặc dù gặp nhiều trở ngại phát sinh trong quá trình thực hiện, nhưng cho đến nay, huyện đã triển khai được 208 phòng học (đạt 82%) và 22 phòng công vụ (đạt 42%) đảm bảo kế hoạch đề ra.
Ngày 17- 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả triển khai Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010- 2012, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, kế hoạch thực hiện và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.
Dựa vào tình hình đăng ký dự thi mùa tuyển sinh năm 2010, nhiều chuyên viên đào tạo đánh giá thí sinh đã chọn những ngành gần với cơ hội việc làm
Ngày 17/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư (GS, PGS) cho 670 nhà giáo.
Ngày 17-5, trao đổi với PV , ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: Sau khi Báo SGGP phản ánh về việc “Không học… vẫn có bằng!” tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn (Báo SGGP số ra ngày 15 và 17-5), chúng tôi đã cử người xuống nắm tình hình và thực tế cơ sở này có những vi phạm đúng như báo đã đăng. Sở đã có văn bản yêu cầu từ nay đến ngày 20-5 lãnh đạo trường phải báo cáo toàn bộ sự việc để sở xem xét chuyển hồ sơ tiến hành thanh tra.