Các thí sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội)
kết thúc môn thi cuối cùng.

Các thí sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) kết thúc môn thi cuối cùng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 gồm sáu môn, diễn ra từ ngày 2 đến 4 - 6.

Ðây là kỳ thi có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đổi mới công tác thi và tuyển sinh của ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT), đồng thời thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Ðúng 15 giờ 30 phút chiều qua, kỳ thi chính thức khép lại với kết quả bước đầu đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra.


Thêm điều kiện thuận lợi cho thí sinh


Kỳ thi năm nay là kỳ thi thứ tư thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 8-9-2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống  tiêu cực, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và triển khai sâu rộng Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan, công bằng, chính xác, đánh giá đúng chất lượng giáo dục. Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng ban tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc hằng năm. Tuy nhiên, ngoài việc giữ ổn định căn bản quy chế thi, ngành GD và ÐT vẫn có một số thay đổi cho phù hợp với thực tế, nâng cao chất lượng kỳ thi, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh dự thi như: Vùng khó khăn được lựa chọn phương án tổ chức thi, không nhất thiết phải tổ chức thi theo cụm; đề thi và điều kiện phúc khảo thi năm nay cũng cởi mở hơn. Học sinh không được học hết chương trình hoặc có khó khăn thực tế trong quá trình học tập có thể chọn thi môn thay thế ngoại ngữ... Mặt khác, để kỳ thi đạt kết quả, cùng với việc ban hành thông tư sửa đổi một số điều trong quy chế thi tốt nghiệp THPT phù hợp thực tế và đáp ứng yêu cầu đổi mới thi và tuyển sinh, Bộ GD và ÐT ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thi, hướng dẫn ôn tập cho học sinh, xây dựng phần mềm quản lý thi để thống nhất sử dụng trên phạm vi toàn quốc và yêu cầu đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ, giáo viên. Kỳ thi đã nhận được sự đồng thuận và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Công tác thu nhận và kiểm tra hồ sơ dự thi đã được các nhà trường thực hiện tốt. Một số vướng mắc trong quá trình chuẩn bị thi của một số địa phương đã được Ban chỉ đạo thi trung ương hướng dẫn giải quyết kịp thời. Tại các địa phương, kế hoạch huy động các nhà trường phối hợp với các lực lượng xã hội và phụ huynh học sinh đáp ứng việc ăn, nghỉ, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm cho thí sinh tham gia thi cụm, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi. Nhiều địa phương tuy còn khó khăn như các tỉnh Yên Bái, Thừa Thiên - Huế... đã cố gắng có nhiều giải pháp hỗ trợ thí sinh: trợ giúp tiền đi lại, ăn ở, phương tiện đưa đón  thí sinh ở xa điểm thi... Tại Hà Nội nơi có hơn 74 nghìn thí sinh dự thi với số hội đồng thi nhiều nhất cả nước nhưng đã có sự chuẩn bị chu đáo cho nên không có sự cố bất thường nào xảy ra. Một số thí sinh khuyết tật cũng được ưu tiên giải quyết đặc cách tốt nghiệp ngay từ đầu.  Cơ sở vật chất phục vụ cho kỳ thi được chuẩn bị chu đáo. Phần lớn các đơn vị đều có đủ số lượng giám thị dự phòng theo quy định, có phòng thi dự bị, có phương án ứng phó với các tình huống bất thường trong quá trình tổ chức thi. Quá trình tổ chức kỳ thi có sự sáng tạo trong thực hiện và giải quyết khó khăn; hợp tác tốt giữa các địa phương, các trường và Bộ GD và ÐT đối với vấn đề phát sinh đột xuất.


Bộ GD và ÐT cũng chỉ đạo việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng "mở", coi trọng khả năng vận dụng kiến thức, tránh yêu cầu học vẹt, nhớ nhiều kiến thức, sự kiện  một cách máy móc; các nhà trường ôn tập để học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng, tâm thế tốt trước khi bước vào kỳ thi. Vì vậy, về đề thi, phần lớn các chuyên gia giáo dục cũng như thí sinh đều cho là vừa sức, bảo đảm yêu cầu chính xác, khoa học, bám sát yêu cầu của chương trình THPT, kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức đồng thời phân hóa được trình độ của đối tượng dự thi phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra cho kỳ thi.


Ðể kỳ thi thật sự trọn vẹn


Bên cạnh kết quả nói trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 vẫn còn những thiếu sót, bất cập cần khắc phục trong quá trình tổ chức thi. Một số điểm thi còn chưa thật sự tốt như tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) thí sinh phải lội nước đến phòng thi do nước mưa tồn đọng không có cống thoát. Kết thúc kỳ thi cả nước còn hơn 5.560 thí sinh bỏ thi. Số thí sinh đến chậm quá giờ làm bài vẫn tăng theo từng môn thi do sự chủ quan, lơ là của một số thí sinh. Mặt khác, trải qua một kỳ ôn thi miệt mài cùng với tâm lý, áp lực kỳ thi khiến thí sinh bị đau ốm không thể dự thi cũng tăng lên theo từng môn thi với gần 561 em. Ðây là điều rất đáng lưu tâm cho các kỳ thi sau, cần trang bị kiến thức và giúp các em bình tĩnh, tự tin, không bị đè nặng tâm lý "thi cử" ngay từ quá trình học tập và ôn tập trước khi bước vào kỳ thi. Mặt khác, dù được phổ biến quy chế trước khi thi, đồng thời sau ngày đầu kỷ luật phòng thi được siết chặt nhưng tình trạng mang tài liệu, vi phạm quy chế thi vẫn diễn ra. Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển, vẫn còn một số hội đồng coi thi thực hiện công tác coi thi chưa thật nghiêm túc theo chỉ đạo của bộ, khi đoàn kiểm tra đến còn phát hiện có thí sinh sử dụng tài liệu, sử dụng điện thoại di động trong phòng thi. Nhất là trong khối giáo dục thường xuyên có một số giáo viên vẫn còn coi nhẹ cho nên chưa thực hiện nghiêm túc. Ðặc biệt tại hội đồng thi giáo dục thường xuyên Sóc Sơn (Hà Nội), trong buổi thi môn Lịch sử (buổi thứ tư) vẫn để xảy ra tình trạng thi hộ, cuối buổi thi mới phát hiện được. Vẫn còn tình trạng nhiễu thông tin về đề thi trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của phụ huynh, học sinh. Một số trang thông tin điện tử, cơ sở phô-tô-cóp-py tung tin lộ đề thi để bán bài giải trục lợi. Vẫn còn xuất hiện phao thi vứt quanh hội đồng thi sau mỗi buổi thi.


Ðể cho kỳ thi năm sau bảo đảm an toàn, hiệu quả, Ban chỉ đạo cũng như các hội đồng coi thi cũng như các bậc phụ huynh cần nhắc nhở thí sinh nâng cao ý thức, chủ động đến sớm hơn giờ thi; tránh tình trạng chậm, muộn, vội vàng ảnh hưởng không tốt đến buổi thi hoặc không được dự thi. Ðộng viên các em tự tin tham dự kỳ thi và giữ gìn sức khỏe, không nên quá căng thẳng có thể bị ốm không thể dự thi. Tăng cường công tác bảo đảm giao thông, nhất là vào thời điểm thí sinh đi thi hoặc tan giờ thi; tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Tăng cường phổ biến thực hiện tốt quy chế thi cũng như triển khai tốt các phương án dự phòng khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, việc nâng cao trách nhiệm đối với các cán bộ coi thi giáo dục thường xuyên và vấn đề có hay không cho phép thí sinh mang cuốn Át-lát địa lý vào phòng thi cần được xem xét kỹ càng vì khả năng xảy ra quay cóp bài thông qua cuốn Át-lát là rất cao.


Có thể nhận thấy, dù còn một vài bất cập, hạn chế thiếu sót nhưng Ban chỉ đạo thi phổ thông các cấp cũng như cả xã hội đều tích cực chuẩn bị các điều kiện để kỳ thi diễn ra khách quan, nghiêm túc, công bằng và chính xác. So với các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, kỳ thi năm nay được tổ chức tốt hơn, tạo thêm những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương đổi mới thi và tuyển sinh của ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
 
                                                                                  Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục