Tuần lễ từ ngày 15-6 trở đi, được xem là giờ “G” của tuyển sinh đầu cấp, vì các trường bắt đầu tiến hành thu nhận hồ sơ. Thời điểm này, không chỉ phụ huynh tất bật “chạy” lo việc học cho con trẻ mà về phía nhà trường cũng lên phương án để hoàn thành công tác tiếp nhận học sinh theo đúng quy định. Do đó, một trong hai bên nếu không có thông cảm và chia sẻ sẽ rất khó tìm được tiếng nói chung.

  • Phụ huynh lo lắng, bức xúc

Tới thời điểm này, nhiều trường vẫn chưa thông báo kế hoạch tuyển sinh đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Chị Phan Thị Ngọc Mai (quận 11) tâm sự: “Đầu tháng 6 đến nay, ngày nào tôi cũng chạy đến trường mầm non gần nhà để hỏi mua hồ sơ nhập học cho con, tuy nhiên bảo vệ nhà trường nói giữa tháng 6 trường mới có thông báo. Nhiều khi muốn biết hồ sơ cần chuẩn bị gì, hạn nhận hồ sơ là bao lâu cũng không được”. Do đây là bé đầu tiên, chưa có kinh nghiệm trong việc này nên chị Mai rất lo lắng.

Giáo viên trường THCS Kim Đồng quận 5 hướng dẫn phụ huynh học sinh lớp 9 ghi hồ sơ xét tuyển vào lớp 10 năm học 2010-2011. Ảnh: MAI HẢI

Cùng tâm trạng nôn nóng, lo lắng chỗ học lớp 1 cho con, một tháng nay gia đình anh Trần Văn Mạnh (quận 1) như ngồi trên “đống lửa”. Anh Mạnh tâm sự: “Tôi thường xuyên đọc báo để theo dõi kế hoạch tuyển sinh đầu cấp các quận huyện, nhưng chờ hoài chưa thấy kế hoạch của quận 1. Nhà tôi ở phường Đakao, nếu theo đúng tuyến như mọi năm thì con tôi sẽ vào Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, nhưng hôm nọ đọc báo, tôi nghe phòng giáo dục cho biết năm nay trường này sẽ xây dựng lại, có khả năng sẽ không tổ chức lớp bán trú. Mấy ngày qua tôi liên tục gọi điện, thậm chí lên tận trường để hỏi thăm tin tức, nhưng nhà trường bảo vẫn chờ kế hoạch cụ thể của quận”.

Chị Ngọc Bích, nhà đường Ấp Bắc, quận Tân Bình tâm sự: “Năm nay tôi tính gửi con vào Trường Mầm non 13, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy trường công bố kế hoạch gì. Còn nhớ năm ngoái cảnh nộp đơn giùm con chị Hai vào trường này, tôi phải thức từ 4 giờ sáng mà còn không kịp”. Không riêng gì chị Bích, nhiều phụ huynh ở phường 13, quận Tân Bình vẫn chưa quên được nỗi ám ảnh chen chúc mua đơn nhập học cho con tại trường này trong năm học 2008-2009.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Thời gian qua, ban giám hiệu của các trường mầm non không phân công trực giải quyết hồ sơ mà giao cho nhân viên bảo vệ thu nhận hồ sơ làm cho phụ huynh bức xúc. Vì bảo vệ nhà trường không thể nào nắm rõ thông tin cũng như không thể truyền đạt đầy đủ thông tin và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của phụ huynh”.

Nói về cách đón tiếp phụ huynh của nhà trường, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM bức xúc: “Thực tế nhiều trường đã rất thờ ơ với công tác này. Có lần tôi đóng vai một phụ huynh, đến trường xin gặp ban giám hiệu, nhưng phải ngồi chờ cả tiếng. Hoặc mùa tuyển sinh đầu cấp, nhiều hiệu trưởng lại đi tắt máy điện thoại di động trốn phụ huynh, khi phụ huynh đến trường xin gặp thì lãng tránh, điều này vô tình tạo ra bức xúc cho phụ huynh”.

  • Nhà trường căng thẳng và áp lực

Các trường tiểu học trung tâm TP, đặc biệt là quận 1 sẽ trở thành “tâm điểm” của phụ huynh trong mùa tuyển sinh này. Đặc biệt, tại khu vực phường Đakao, nơi tọa lạc các trường mầm non, tiểu học “có tiếng” trong thành phố những ngày này liên tục được phụ huynh dòm ngó.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: “Năm nào số lượng hồ sơ nộp vào trường cũng vượt quá chỉ tiêu của trường. Tới mùa tuyển sinh, đặc biệt là những ngày bắt đầu công bố kế hoạch tuyển sinh, thời gian nộp hồ sơ, toàn bộ giáo viên, ban giám hiệu nhà trường phải làm việc liên tục”.

Theo bà Điệp, có rất nhiều trường hợp phụ huynh gọi điện, năn nỉ, thậm chí là nhờ “chạy” hoặc gửi gắm vào trường. Thời điểm giờ “G”, điện thoại ban giám hiệu reo liên tục. Nhiều trường hợp trái tuyến, dù biết rằng không được nhận, nhưng vẫn tha thiết gửi hồ sơ lại.

Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đón tiếp, tư vấn phụ huynh học sinh nộp hồ sơ.

Đồng cảnh ngộ trên là Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5 Nguyễn Thị Kim Dung. Bà Dung cho biết: “Dù trong cùng phường Đakao có 3 trường mầm non là Bé Ngoan, Lê Thị Riêng và 19-5, nhưng năm nào lượng hồ sơ nộp vào trường cũng quá tải. Thậm chí ngay cả trẻ đúng tuyến, nhưng vẫn không thể vào được trường, vì không còn chỗ. Đối với những trường hợp này, chúng tôi cảm thấy rất khó xử, nhưng không còn cách nào khác phải từ chối”. Vừa qua, khi nhà trường bán đơn học hè, nhiều phụ huynh đến đăng ký đông nghẹt, nên nhà trường phải mở thêm một cửa đăng ký khác và yêu cầu phụ huynh đứng xếp hàng để tránh cảnh chen lấn.

Nhiều hiệu trưởng khác cũng chia sẻ mùa tuyển sinh rất đau đầu và cảm thấy áp lực vì phụ huynh liên tục gọi điện, nhắn tin, thậm chí lên tận trường để hỏi thông tin, nhờ cậy. Tuy nhiên quy định thì phải tuân theo, nên nhà trường “bất khả kháng”, nhưng chứng kiến cảnh phụ huynh nài nỉ, thậm chí khóc lóc, nhà trường chỉ dám nhận hồ sơ dạng “chờ đợi” (chỉ những trường hợp đặc biệt mới được giải quyết và khi còn chỗ), chứ không dám hứa chắc sẽ giải quyết. Mặt khác, kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh nhà trường chỉ dám công bố khi được phòng giáo dục quận thông qua, do đó, nhà trường cũng phải đợi, chứ không riêng gì phụ huynh; nhưng mọi thắc mắc phụ huynh đều tìm đến nhà trường để hỏi.

  • Hai bên cần có “sự đồng thuận”

Ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh quận 1, cho biết: “Tâm lý phụ huynh thường hay lo xa, nhiều khi nhà trường vẫn chưa có thông tin và kế hoạch cụ thể gì. Tuy nhiên, tâm lý này hoàn toàn có thể thông cảm được, do đó các trường cần thông cảm, chia sẻ và giải thích cho phụ huynh hiểu”.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, để chuẩn bị công tác tuyển sinh và đón tiếp phụ huynh, các trường cần phải “công khai” mọi thứ: kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian phát, nhận hồ sơ, thậm chí phải có đội ngũ “tư vấn” cho phụ huynh. Ngay cả với những trường hợp phải từ chối tiếp nhận HS, nhà trường cần phải giải thích rõ ràng để phụ huynh hiểu rõ và thông cảm.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ: “Cách đón tiếp phụ huynh của nhà trường quyết định rất lớn đến suy nghĩ của phụ huynh. Không chỉ là hiệu trưởng, giáo viên mà ngay cả nhân viên bảo vệ cũng cần học cách tiếp đón phụ huynh”.

Một phụ huynh năm ngoái “rớt” danh sách trong cuộc “chạy đua” cho con vào Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tâm sự: “Năm ngoái khi nộp hồ sơ vào Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm không thành, tôi cũng buồn lắm. Nhưng thật bất ngờ vì trong hồ sơ bị trả lại, tôi đã nhận được một lá thư cám ơn và lời chúc, động viên của trường dành cho phụ huynh. Tôi hiểu được các trường học tại TPHCM cũng đang chịu một áp lực lớn về sĩ số lớp học, về trường lớp không đủ khả năng tiếp nhận trẻ, tuy nhiên, chúng tôi mong rằng nhà trường cũng nên hiểu, cảm thông và chia sẻ với tâm lý các bậc làm cha, làm mẹ. Sự nhiệt tình, hết lòng chia sẻ của nhà trường sẽ giúp chúng tôi phần nào đỡ cảm thấy áp lực và căng thẳng hơn”

 

                                                                                         Theo SGGP

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Nghệ An: Một học sinh dũng cảm quên mình cứu bạn

Em Vương Thị Duyên (học sinh lớp 9B, Trường THCS thị trấn Nam Đàn, Nghệ An) đã quên mình xả thân lao xuống dòng nước dữ để cứu bạn và đã thiệt mạng. Ngành giáo dục huyện Nam Đàn vừa phát động học sinh toàn huyện noi gương em Duyên.

Học chương trình quốc tế với mức học phí nội

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN vừa công bố tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo cử nhân ngành hóa học theo chuẩn quốc tế và thạc sĩ về nano. Chương trình được sự tài trợ của Tổ chức ĐH Pháp ngữ và do ĐH Toulon - Var cấp bằng.

Hai nghìn chỗ ở miễn phí cho thí sinh và phụ huynh trong kỳ thi đại học đợt một

Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế FPT - Aptech sẽ dành hai nghìn chỗ ở miễn phí cho các thí sinh và phụ huynh đi cùng, tham dự kỳ thi đại học đợt một năm 2010, khu vực Hà Nội.

Xã Đông Phong: Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Đông Phong là một xã vùng thấp huyện Cao Phong, tuy nhiên, do diện tích đất canh tác ít, trình độ dân trí hạn chế nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn rất nhiều khó khăn. Những yếu kém về kinh tế - xã hội đã tác động một phần không nhỏ đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là đối với giáo dục dân tộc.

Quan trọng nhất vẫn là chất lượng giáo dục

Sau nhiều lần phải tạm hoãn, kể từ năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành tăng học phí theo lộ trình mới. Đây là vấn đề đã từng nhận được sự quan tâm chú ý của dư luận trong suốt nhiều năm qua với những ý kiến trái chiều…

Giảng viên bất an!

Trong 3 năm trở lại đây, những mâu thuẫn nội bộ tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã khiến dư luận bức xúc và làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nhà trường vốn được gầy dựng từ bao thế hệ

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục