PGS.TSKH Vũ Đình Hòa (đứng giữa) và các thành viên trong đội tuyển thi toán quốc tế năm 2006.

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa (đứng giữa) và các thành viên trong đội tuyển thi toán quốc tế năm 2006.

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa là học sinh Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương bạc toán quốc tế năm 1974 và sau này, anh trở thành người thầy dìu dắt biết bao học sinh giỏi toán vươn lên giành vòng nguyệt quế trên các đấu trường quốc tế.

Dễ đến chừng hơn ba năm rồi, tôi mới gặp lại PGS.TSKH Vũ Đình Hòa. Lần nào trò chuyện, anh cũng để lại cho tôi cảm nhận anh là người thẳng thắn, bộc trực, không ngại ngần đấu tranh với những điều "chưa ổn", nhưng ẩn sâu trong con người này lại là một sự nhã nhặn, khiêm nhường.
 
1. Trời không còn mưa nhưng cái lạnh vẫn ngọt sắt, tái tê. PGS.TSKH Vũ Đình Hòa gỡ kính ra rồi nói rằng, nếu bỏ kính thì anh không còn nhìn thấy tôi nữa. Hôm nay tôi mới biết chiếc kính anh đeo dày tới hơn 10 đi ốp, còn suốt những năm tuổi thơ (từ lớp 1) dù bị cận nặng, anh không hề có kính. Gia đình anh có tám anh chị em, bố mẹ chỉ là xã viên hợp tác, làm công nhân thuộc da, cuộc sống quá vất vả khiến bố mẹ anh chỉ còn nghĩ được là lo đủ cơm cho tám đứa con là họ hết phận sự, họ không còn sức để xem các con học hành thế nào. Vậy là đến năm lớp 7, lớp 8, các chị gái, em trai của anh lần lượt bỏ học đi làm, lấy tiền giúp bố mẹ.

Sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, cậu bé Vũ Đình Hòa lúc nào cũng nơm nớp lo lắng một ngày nào đó, mình sẽ phải bỏ học. Dù bé mọn, gầy guộc nhưng Hòa luôn sợ mình là gánh nặng của bố mẹ. Vì thế cậu cứ giấu mình, ẩn mình đi, sống lặng lẽ, không dám đòi hỏi, phiền lụy đến bố mẹ, anh chị em trong nhà. Cận nặng vậy, nhưng Hòa chưa bao giờ than phiền. Cho mãi đến năm lớp 7, tức là gần 7 năm đi học với trạng thái mắt lúc nào cũng như có màn sương mỏng phía trước, thì thầy Tôn Thân, thầy giáo chủ nhiệm của anh phát hiện anh cận quá nặng, thầy đã đưa Hòa về nhà nói với bố mẹ một cách riết róng. Và lúc đó, bố mới đưa Hòa đi khám mắt, mua kính. Chiếc kính đầu tiên Hòa đeo đã dày đến 7 đi ốp.

So với nhiều bạn trong lớp chuyên toán của trường Trưng Vương, Hà Nội, Vũ Đình Hòa là người thiệt thòi, vất vả nhất vì nhà nghèo, sức khỏe của Hòa lại rất kém. Anh kể với tôi, năm anh chuẩn bị đi thi toán quốc tế năm 1974 thì anh bị suy nhược thần kinh nặng, phần vì học quá nhiều, nhưng cơ bản vì cơ thể suy nhược từ nhỏ do ăn uống thiếu thốn. Thêm nữa, cũng trong thời gian này gia đình anh nhận được tin anh trai của anh là Vũ Đình Đức đã hy sinh ở chiến trường. Hòa bị sốc nặng, cơ thể càng suy nhược. Lúc nào anh cũng thấy đầu óc nặng trịch như đeo mũ sắt, cứ mở trang giấy trắng ra là anh chao đảo.

Đã nhiều lúc Hòa tuyệt vọng tự hỏi, cuộc đời mình đến đây là hết rồi sao? Còn ước mơ làm toán suốt đời, ai sẽ thay mình thực hiện? Nghĩ quanh quẩn rồi lại tự nhủ, không thể bỏ cuộc, không thể dừng bước, mình phải đi tiếp con đường đã vạch. Rồi bằng ý chí và nghị lực của mình, Vũ Đình Hòa đã vượt qua, có mặt trong đội tuyển toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam và giành huy chương bạc trong niềm vui vô bờ của gia đình, thầy cô và bè bạn.

Nhắc đến những năm tháng học chuyên toán, PGS.TSKH Vũ Đình Hòa tâm sự, anh chưa bao giờ nguôi quên về những ngày tháng tuyệt đẹp đó. Nhiều lúc anh cũng không thể lý giải được vì sao anh lại thích học toán đến như vậy. Bố mẹ có lúc vì túng quẫn, gia đình có lúc không còn gì để ăn, nhưng tất cả những điều phiền muộn đó chưa bao giờ làm anh nản chí; ngược lại, ngọn lửa đam mê học hành và giải toán cứ lớn dần, cứ trỗi dậy ngày một mãnh liệt trong Vũ Đình Hòa. Anh làm toán như bị thôi miên. Cảm giác anh luôn sống một cuộc đời khác, ở đó là những phép toán mê hoặc, ở đó là những lời giải nhiều ẩn số với ánh sáng chinh phục lấp lánh đã mê dụ anh, làm anh thăng hoa, quên đi tất cả những phiền lụy của cuộc sống. Hồi đó, Hòa và các bạn cùng lớp chỉ có vỏn vẹn vài cuốn sách, nên có được cuốn sách hay nào, Hòa đọc ngấu nghiến như sợ bay mất chữ, nhiều khi anh phải trốn sau chiếc tủ gỗ mọt của gia đình để đọc, có những đêm chong đèn dầu miệt mài quá đến nỗi lửa cháy sém cả mái tóc, cũng chẳng hay.

Có một bất ngờ thú vị là GS Ngô Bảo Châu từng là học trò của thầy giáo Vũ Đình Hòa. Anh dạy kèm Châu từ khi Châu mới học lớp 9, khi đó "vị Giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam" này còn gầy bé tí tẹo nhưng trí thông minh và năng khiếu thiên bẩm về toán học đã phát lộ. Và phương pháp dạy cơ bản nhất của thầy giáo Vũ Đình Hòa dành cho Châu và học trò của anh sau này chính là phải cố gắng khơi dậy khả năng tự làm việc của các em.

Vũ Đình Hòa còn là một học sinh có trí thông minh tuyệt vời. Một thầy giáo của anh đã từng kể với tôi rằng, trong cuộc đời dạy học của ông, ông chưa có một học trò thứ hai nào như Vũ Đình Hòa. Anh quá thông minh, có những bài toán hóc búa thầy đưa ra, chỉ mình Hòa dám lên bảng viết lời giải. Và lời giải của Hòa đẹp đến nỗi thầy giáo cảm giác nó đến với Hòa nhanh như một tia chớp, Hòa phải viết gấp, viết vội nếu không sẽ tan biến. Thành thử, chữ Hòa quá xấu và anh thường giải tắt. Chỉ có thầy mới hiểu những bước toán trung gian mà Hòa không kịp trình bày trên bảng. Đến khi thầy giáo lý giải những phép toán trung gian đó của Hòa thì cả lớp mới "vỡ oà", rồi không ai bảo ai, tất cả đứng lên vỗ tay ròn rã, cổ vũ Vũ Đình Hòa. Trong hồ sơ bài tập của thầy giáo còn lưu biết bao bài giải, lời giải độc đáo, đẹp lạ lùng và rất chuẩn mực của Vũ Đình Hòa.

"Phải có trí tuệ, dù nhỏ bé, nhưng là của mình", câu nói của nhà văn Marxim Gorky có điều gì đó thật hợp với Vũ Đình Hòa. Trí tuệ non tơ thuở nhỏ được anh dày công vun đắp. Năm 1970, khi đó đang học lớp 8, Vũ Đình Hòa đã giải được bài toán được đặt ra ngót một thế kỷ nay (do Tạp chí Lượng tử của Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô đề xướng), tìm ra được nghiệm thứ 10, nghiệm lớn nhất, kết thúc một cuộc đua nhiều năm trên thế giới.

2. Như một lẽ tự nhiên, tiếng tăm và những lời giải toán "như một nghệ sỹ" của Vũ Đình Hòa lan trong các trường phổ thông chuyên. Bộ trưởng Bộ Đại học và Chuyên nghiệp khi ấy là Giáo sư Tạ Quang Bửu quyết định cho mời cậu học trò Vũ Đình Hòa lên gặp mặt. Giờ kể lại cuộc gặp của người đứng đầu ngành giáo dục lúc bấy giờ, PGS.TSKH Vũ Đình Hòa vẫn nghẹn ngào. Lúc lên gặp Bộ trưởng, anh mặc một chiếc áo sơ mi mỏng, có vài mụn vá, Bộ trưởng nhìn anh xúc động hồi lâu rồi nói: "Trông cháu không được khỏe, cháu có bệnh gì không?". Lúc đó, tự nhiên anh muốn khóc oà lên, một chút tủi thân, xúc động cảm giác như mình là người con bé bỏng.

Thì ra nghe các thầy Trường Sư phạm nói Hòa bị viêm xoang nặng, sức khỏe rất kém nên Bộ trưởng lo lắng muốn gặp Hòa. Song vì bản tính khiêm nhường, luôn ẩn mình nên Hòa chỉ thưa: "Thưa bác, sức khỏe của cháu cũng bình thường thôi ạ". Nhưng Bộ trưởng lại hỏi: "Sao cháu xanh thế? Gia đình cháu có nhiều khó khăn lắm phải không?" - "Thưa bác, cháu xanh từ bé, nhà cháu đủ ăn, không có khó khăn gì đáng kể. Cháu không có điều gì nhờ Bộ giúp. Nhưng riêng bác, có cuốn sách toán nào vừa trình độ cháu thì bác cho cháu xin vài cuốn".

Lúc đó, mới chỉ là một học sinh lớp 10, đến gặp Bộ trưởng trong chiếc áo sơ mi có vài mụn vá, anh cố giấu đi những nghèo túng, những cam chịu của một học trò nghèo trước tấm lòng ân cần của Bộ trưởng. Làm sao anh có thể nói những khó khăn của gia đình mình, chỉ biết rằng, sau này, đôi lúc nản chí, nhớ lại lời nói đó cùng ánh mắt trìu mến của Bộ trưởng, anh lại thấy lòng náo nức, mê say.

Kỷ niệm thứ hai của Vũ Đình Hòa với Bộ trưởng cũng thật đặc biệt. Những năm 1970, thấy bạn bè rộn rã xin gia nhập quân ngũ ra trận, Vũ Đình Hòa và Nguyễn Quốc Thắng cũng chạy lên Thụy Khuê nộp đơn tuyển quân. Nhưng khi đọc tên "Vũ Đình Hòa", chú Trung tá bộ đội lập tức bảo: "Trường hợp của cậu, tôi phải lên hỏi ý kiến bác Bửu". Và ông tức tốc đạp xe đi. Chừng nửa giờ, ông quay lại, truyền đạt nguyên văn ý kiến của Bộ trưởng: "Bác Bửu không cho cậu đi bộ đội, bác bảo cậu phải ở nhà làm khoa học!".

Và lần thứ ba, sau khi đăng quang trong kỳ thi quốc tế, các bạn anh nhộn nhịp sang ĐH Tổng hợp Lômônôxôp (Liên Xô cũ) học. Hòa cũng rạo rực, phấn chấn lắm. Nhưng Bộ trưởng Tạ Quang Bửu nhẹ nhàng nói với anh: "Các cháu còn trẻ, chưa hiểu nhiều về chính trị. Mình sang Đức thi và đoạt giải, bạn bè Đức lại rất tốt, bác muốn cháu sang Đức học". Vậy là năm 1975, Vũ Đình Hòa sang CHDC Đức, học tại Trường ĐH Tổng hợp Greifswaid, chuyên ngành Toán rời rạc. Anh là một trong số những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam phát triển những lý thuyết, đặt nền móng cho ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam phát triển. Năm 1996, Vũ Đình Hòa đã bảo vệ thành công luận án TSKH tại Viện hàn lâm Khoa học mỏ Freiberg, từ chối mọi lời mời của nước bạn để trở về quê hương.

3. PGS.TS Vũ Đình Hòa bảo tôi, anh chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ ở lại nước ngoài. Anh chỉ nghĩ đơn giản rằng, Nhà nước đầu tư bài bản cho mình đi học thì học xong phải về nước. Nhưng thật lạ lùng, về nước anh mới biết mình đã bị cắt biên chế từ năm 1990. Lý do duy nhất mà các cán bộ tổ chức của Viện tính toán và điều khiển (nơi công tác cũ của anh) đưa ra là, khi cậu đi thì cậu là cán bộ của Viện, nhưng giờ Viện đổi tên thành Viện Công nghệ thông tin, lại không có tên cậu. Muốn đi làm, cậu phải thi công chức, phải làm lại từ đầu. Vậy là Vũ Đình Hòa không được hưởng lương suốt 7 năm trời. Anh bức xúc, anh rơi vào tuyệt vọng. Nhưng trạng thái đó trôi qua rất nhanh, bởi sâu thẳm trong con người nhiều Hòai bão và khát vọng đó vẫn là khoa học. Khoa học mới là cái đích của anh, sẽ giúp anh quên đi những vụn vặt trong cuộc sống.

Anh bảo tôi, điều làm anh đáng sợ nhất là hằng ngày anh phải chứng kiến một môi trường khoa học ảm đạm, thiếu sức sống, thiếu sự trao đổi, cả năm không có một buổi simena nào. Môi trường đó Hòan toàn xa lạ với một Vũ Đình Hòa luôn giàu ý tưởng, luôn muốn nghiên cứu, tận tâm cống hiến cho khoa học. Và năm 2002, Vũ Đình Hòa đã chuyển sang làm giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội. Anh bảo đây là một trong những quyết định đúng đắn của cuộc đời anh. Làm thầy giáo anh có thêm biết bao học trò giỏi, anh còn là người truyền lửa cho những học trò giỏi của mình. Anh đã trực tiếp bồi dưỡng, dẫn các đoàn đội tuyển toán quốc tế đi thi đấu nước ngoài. Nhưng anh bảo, anh chưa bao giờ nói với học trò của mình là, đi thi phải giành được bao nhiêu huy chương. Vì các em sẽ tự giác ngộ ra điều đó. Còn tôi thì thấy, ngày xưa các thầy giáo của anh đã hết lòng "chăm bẵm giấc mơ" khoa học của Vũ Đình Hòa như thế nào, thì bây giờ anh lại truyền tình yêu đó sang học trò của mình. 

Anh đã từng viết rằng: "Rơi rụng ít nhiều trong cuộc đời, nhưng vẫn còn những người trong số chúng tôi làm khoa học và chắc chắn sẽ chỉ làm khoa học chứ không làm gì khác".

                                                                                              Theo Dantri

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục