“Tất cả các chương trình đào tạo tại Khoa Quốc tế đều là chương trình chuẩn của các trường đại học nước ngoài uy tín, được các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại kiểm định”, GS. TSKH Nguyễn Trọng Do, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia HN khẳng định.

GS.TSKH Nguyễn Trọng Do - Chủ nhiệm Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Xin ông cho biết Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia (ĐHQGHN) có những chương trình đào tạo nào? Đặc điểm của các chương trình này là gì? Các chương trình đào tạo như Kinh tế hay Quản trị kinh doanh có gì khác so với các chương trình đào tạo liên kết của trường Đại học Ngoại thương hay Đại học Kinh tế Quốc dân?

Với gần 10 năm hoạt động với tư cách là cơ sở đào tạo đại học công lập chuyên trách và liên kết quốc tế, Khoa Quốc tế đã xây dựng và triển khai thành công các chương trình đào tạo đại học bằng các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc. Ở bậc đại học, riêng đối với hình thức “du học tại chỗ”, Khoa Quốc tế đào tạo các ngành bằng tiếng Anh: Kinh doanh quốc tế, Kế toán, Khoa học quản lý; bằng tiếng Nga: Kế toán, phân tích và kiểm toán. Đối với hình thức “du học bán phần” Khoa đào tạo một số ngành bằng tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc. Ở bậc sau đại học, Khoa triển khai 02 chuyên ngành truyền thống bao gồm Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA, EMBA), Kế toán và tài chính (MAF); 03 chuyên ngành mới ở Việt Nam là Tài chính - Ngân hang - Bảo hiểm (dành cho Việt Nam và Đông Nam Á); Nghiên cứu thị trường và Chiến lược marketing; Quản lý thông tin (MIM). Ngoài ra, Khoa còn tiến hành triển khai khá hiệu quả các khóa học ngắn hạn trong khuôn khổ hợp tác với một số trường đại học trong và ngoài nước.

Đặc điểm chung, đồng thời cũng là nét đặc thù của tất cả các chương trình liên kết quốc tế tại Khoa thể hiện ở chỗ các chương trình này đều là chương trình chuẩn của các trường đại học nước ngoài uy tín, được các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại kiểm định, được điều chỉnh, bổ xung cho phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và xã hội ở nước ta. Sinh viên sau khi ra trường được nhận văn bằng chính quy của các trường đại học đối tác nước ngoài có giá trị toàn cầu.

Đội ngũ giảng viên, chuyên viên của Khoa có trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm sư phạm và giảng dạy bằng tiếng nước ngoài. Đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước đã tạo nên một cộng đồng và môi trường giáo dục quốc tế tại Khoa, giúp sinh viên có một nền tảng kiến thức vững vàng và kỹ năng làm việc hiệu quả để thành công sau khi ra trường. Công việc này đòi hỏi tính chuyên nghiệp và lòng nhiệt huyết của cả một tập thể lớn mà không phải trường đại học nào cũng làm được.

Được biết từ năm 2010 Khoa có thêm một chuyên ngành đào tạo mới khá hay-Kinh doanh quốc tế. Ông có thể cho biết thông tin về chương trình đào tạo này?

Khoa Quốc tế đã triển khai thực hiện chương trình đào tạo Kinh doanh quốc tế từ năm 2010. Chương trình và nội dung đào tạo được xây dựng và phát triển trên cơ sở chương trình đào tạo của Đại học Illinois (Mỹ), có tham khảo chương trình đào tạo của các trường như Đại học West of England (Anh), Đại học Georgia (Mỹ), Đại học Wright State (Mỹ), Đại học Thompson Rivers (Canada). Chương trình được đào tạo bằng tiếng Anh, đã được nhiều trường đại học nước ngoài công nhận liên thông như Đại học West of England (Anh), Đại học Illinois, Đại học Keuka (Mỹ), Đại học Edith Cowan (Australia) và Đại học Khoa học ứng dụng Saxion (Hà Lan). Sinh viên có thể lựa chọn học toàn bộ 4 năm tại Việt Nam hoặc “du học bán phần” (1 – 2 năm ở nước ngoài). Tốt nghiệp chương trình Kinh doanh quốc tế, sinh viên không những được nhận văn bằng chính quy của ĐHQGHN hoặc của đại học nước ngoài, được quốc tế công nhận, mà quan trọng hơn các em còn làm chủ được những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế. Với khối tài sản tri thức 2 trong 1 gồm trình độ cử nhân kinh doanh quốc tế theo chuẩn tiên tiến của thế giới và tiếng Anh thành thạo, sinh viên tốt nghiệp có đầy đủ cơ hội việc làm ổn định với thu nhập cao không những ở thị trường lao động Việt Nam mà còn ở nước ngoài.
 
Nhiều em học sinh phổ thông đã chọn được ngành học phù hợp tại "Ngày thông tin tuyển sinh của Khoa Quốc tế".

Sinh viên học tại Khoa Quốc tế có được những chính sách ưu tiên như thế nào? Khoa quốc tế áp dụng chuẩn đầu ra ra sao, thưa ông?

Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, với mục đích đào tạo nhân tài, thu hút học sinh THPT giỏi, khuyến khích phong trào học tập và rèn luyện của sinh viên, rất chú trọng đến việc cấp nhiều học bổng có giá trị cho học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học và sinh viên của Khoa có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện. Học bổng được cấp trong toàn bộ thời gian học tập tại Khoa Quốc tế, dành cho sinh viên mới nhập học, có giá trị từ 10 triệu đồng/1 năm học đến tương đương 100% mức học phí của toàn bộ chương trình học và được trợ cấp thêm tiền sinh hoạt phí 10 triệu đồng/1 năm học. Học bổng ngắn hạn được cấp theo từng học kỳ, 5 tháng, cho những sinh viên xuất sắc trong học kỳ xét học bổng. Trung bình mỗi năm có khoảng từ 10 - 15% sinh viên trong Khoa được nhận học bổng.

Về chuẩn đầu ra, Khoa Quốc tế tiến hành tổ chức hoạt động hợp tác chặt chẽ giữa giảng viên, giáo sư, các nhà khoa học - những người thiết kế chương trình đào tạo với các nhà tuyển dụng. Chúng tôi đưa yêu cầu của người sử dụng lao động thành hệ thống kiến thức, kỹ năng mà người lao động cần có. Ngoài ra, để thỏa mãn được yêu cầu khắt khe của thị trường lao động, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, trước khi triển khai môn học 3 tháng, toàn bộ chương trình dạy, nội dung đều phải được phê duyệt, thông qua và toàn bộ kiến thức đều được cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp.

Như vậy, mỗi chương trình đào tạo đều được áp dụng chuẩn đầu ra khá chi tiết, cụ thể về kiến thức, kỹ năng, thái độ, các vị trí công tác có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp. Ví dụ như ngành Kinh doanh Quốc tế, sinh viên tốt nghiệp ngành này không những phải có khả năng phân tích và giải quyết vấn đề; khả năng sáng tạo, phát kiến và tư duy phê phán; khả năng thích ứng và làm việc hiệu quả trong môi trường đa văn hóa; khả năng đàm phán; khả năng tiếp tục học tập và nghiên cứu ở bậc cao hơn mà còn phải sử dụng thành thạo tiếng Anh mức tối thiểu.

Hàng năm Khoa Quốc tế đều tổ chức Ngày thông tin tuyển sinh. Xin ông cho biết mục đích của việc tổ chức sự kiện này là gì? Các em học sinh, sinh viên có thể biết được thêm thông tin tuyển sinh ở nguồn nào nữa ngoài Ngày thông tin tuyển sinh?

Ngày thông tin tuyển sinh là hoạt động được tổ chức vào tháng 7 hằng năm của Khoa Quốc tế. Đến tham gia Ngày thông tin các bạn học sinh phổ thông sẽ được cán bộ Khoa Quốc tế, đại diện các trường đại học đối tác, các giảng viên nước ngoài đang làm việc tại Khoa trực tiếp cung cấp thông tin về điều kiện tuyển sinh, các ngành đào tạo, công nghệ giáo dục, các loại học bổng, môi trường học tập và cuộc sống sinh viên. Ngoài ra, các em còn nhận được sự tư vấn hướng nghiệp từ các chuyên gia về việc chọn ngành, chọn nghề, chọn công việc trong tương lai cũng như tìm hiểu thông tin về xu hướng của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Và hy vọng nhiều em sẽ lựa chọn được chuyên ngành đào tạo phù hợp với mình. Ngày thông tin tuyển sinh đại học của Khoa Quốc tế - ĐHQGHN và các trường đại học nước ngoài như Mỹ (ĐH Keuka), Malaysia (HELP), Pháp (ĐH Paris XI)… năm nay diễn ra vào ngày 17/7/2011 tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

Ngoài ra, các em học sinh, sinh viên và những người quan tâm còn có thể tìm hiểu thêm thông tin tuyển sinh năm học 2011 - 2012 của Khoa Quốc tế - ĐHQGHN trên báo chí, website của Khoa http://www.khoaquocte.vn/ hoặc trực tiếp tại văn phòng tuyển sinh tại Nhà G7, 144 – Đường Xuân Thủy, Cầu Giấy và tại nhà C - Làng sinh viên HACINCO – 99 Phố Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội. Các bạn sẽ nhận được sự tư vấn tận tình từ các cán bộ, giảng viên trong khoa.

Xin trân trọng cám ơn ông!.

                                                                                Theo Dantri

Các tin khác

Không có hình ảnh
Trao giấy khen và phần thưởng cho các em học sinh đạt thành tích xuất sắc.
Không có hình ảnh

Thí sinh dự thi vào trường "tốp trên" giảm mạnh

Thông tin bất ngờ trong mùa tuyển sinh năm nay, số thí sinh làm thủ tục dự thi vào các trường đại học “tốp trên” như ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Học viện Công nghệ BCVT, Kinh tế quốc dân... giảm mạnh, chỉ đạt trên 50%.

Thí sinh đội nắng đến làm thủ tục dự thi

Trong buổi làm thủ tục dự thi ĐH đợt 1 sáng nay 3/7, thời tiết tại nhiều địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An... rất nắng nóng. Mặc dù 8h mới làm thủ tục, nhưng ngay từ sáng sớm, nhiều thí sinh và người nhà đã có mặt tại địa điểm thi.

Căng thẳng tìm một ghế mầm non

Cảnh “xếp cục gạch” giành chỗ mua hàng lại xuất hiện, nhưng là trong lĩnh vực giáo dục. Cảnh chen nhau xếp hàng cả đêm để kiếm một suất vào trường mầm non cho con cháu đã không còn là chuyện lạ trên địa bàn Hà Nội...

Bộ trưởng GD&ĐT nhận “yếu kém” vụ đáp án ngoài luồng

Việc 11 tỉnh ĐBSCL tự soạn đáp án chấm thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định không ảnh hưởng lớn đến kết quả chung vì chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng nhận “yếu kém” vì chỉ biết khi báo chí phản ánh.

Đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông: Độc quyền hay không, không phải chuyện lớn

Ngay sau khi đề án 70 nghìn tỷ đồng mang tên "Đổi mới chương trình và sách giáo khoa năm 2015" được dư luận mổ xẻ, vấn đề độc quyền xuất bản sách giáo khoa (SGK) cũng được khơi lại.

Chống hồi hộp khi thi cử bằng việc ứng dụng lập trình ngôn ngữ tư duy

Bạn đã bao giờ cảm thấy tim mình đập loạn xạ khi bước vào phòng thi? Bạn đã từng học bài kỹ ở nhà nhưng khi lên bảng kiểm tra miệng lại quên hết sạch kiến thức?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục