“Sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra quy định mới về quy chế giao chỉ tiêu. Nếu trường nào đó 2-3 năm liên tiếp không tuyển được đủ chỉ tiêu thì Bộ GD-ĐT sẽ càng ngày càng cắt giảm chỉ tiêu xuống, tránh tình trạng các trường không sử dụng hết chỉ tiêu quy định”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa có cuộc trao đổi với Dân trí quanh việc nhiều trường ngoài công lập (NCL) năm nay không thể tuyển đủ chỉ tiêu.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, nhiều năm nay việc các trường NCL không tuyển đủ chỉ tiêu là chuyện không có gì lạ. Tuy nhiên mùa tuyển sinh năm 2011 được nhiều trường NCL đánh giá là “bi đát” nhất. Vậy theo ông, nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ đâu?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Việc các trường NCL không tuyển được đủ thí sinh năm nay có thêm nguyên nhân mới đó là thí sinh có sự chọn lựa chứ không phải cứ có trường ĐH, có chỉ tiêu là các em vào. Trước đây thí sinh chưa biết chất lượng của các trường, thông tin đôi khi còn mập mờ nên các em cứ đầu đơn vào và cứ nghĩ bằng nào cũng như bằng nào.

Bây giờ thị trường lao động có sự lựa chọn, người sử dụng lao động có sự phân biệt giữa bằng nọ, bằng kia và đặc biệt quan tâm đến chất lượng đào tạo của các trường.

Theo thông tin mà tôi được biết, rất nhiều thí sinh đạt điểm trên điểm sàn nhưng họ học cao đẳng chứ không đi vào các ĐH. Cụ thể như trường CĐ Công nghệ thuộc ĐH Đà Nẵng không tổ chức thi mà xét tuyển nhưng có đến trên 50% thí sinh trúng tuyển có điểm trên điểm sàn ĐH. Rõ ràng những thí sinh này hoàn toàn có cơ hội để theo học một trường ĐH NCL nào đó nhưng họ không lựa chọn bởi các em đánh giá học CĐ có lợi hơn. Các em có thể học liên thông lên ĐH sau khi tốt nghiệp CĐ còn hơn là theo học một trường ĐH không đảm bảo và uy tín chưa có.

Như vậy thí sinh bây giờ có sự lựa chọn rõ ràng nên việc các trường ĐH chưa đủ uy tín muồn điền đầy chỉ tiêu là rất khó khăn.

Có ý kiến cho rằng, việc nhiều trường NCL không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu được là do mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT đưa ra quá cao dẫn đến thiếu nguồn tuyển. Vậy Thứ trưởng đánh giá như thế nào?

Tôi xin khẳng định, với mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra thì nguồn tuyển cho các trường rất dư thừa rất nhiều. Khi xây dựng điểm sàn đã tính toán nguồn tuyển cao hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn quốc ít nhất là 1,5 lần.

Bộ GD-ĐT và Hội đồng điểm sàn còn tính toán kỹ đến mức là nếu những thí sinh có hộ khẩu ở các tỉnh xa vào Hà Nội hoặc TPHCM dự thi không trúng tuyển NV1 mà khi họ quay về địa phương đó thì số lượng đó cũng có thể lấp đầy tất cả các chỉ tiêu cần thiết mà các trường đóng ở địa phương đó cần tuyển chứ không phải những trường này phải chờ thí sinh có hộ khẩu ở Hà Nội và TPHCM đến đầu đơn. Vấn đề đặt ra là những thí sinh này có đầu đơn để đi học ĐH hay không thôi.

Một vấn đề đặt ra là hàng năm sau khi các trường kết thúc khâu xét tuyển NV3 thì các trường NCL thường có động thái xin kéo dài thời gian tuyển sinh hoặc đưa ra những động thái khác để cố “vớt” thí sinh. Vậy theo Thứ trưởng, có nên tiếp tục nới lỏng để tạo điều kiện cho các trường NCL hay không?

Năm ngoái thì Bộ GD-ĐT cũng chấp nhận đề xuất cho các trường NCL kéo dài thời gian tuyển sinh nhưng thực tế các trường này tuyển không được mấy bởi thí sinh nếu xác định đã đi học trường nào thì đã đi rồi.

Năm nay Bộ GD-ĐT đã cho phép thí sinh rút NV2, NV3 sau khi đã nộp hồ sơ xét tuyển. Như vậy trong quá trình xét tuyển rõ ràng thí sinh biết cơ hội của mình nếu không trúng tuyển trường này có thể rút hồ sơ để nộp trường khác có cơ hội trúng tuyển nhưng nhiều thí sinh lại không lựa chọn giải pháp này. Điều này cho thấy nếu chúng ta có kéo dài thêm thời gian xét tuyển thì kết quả cũng không được như mong đợi.

Hàng năm thì các trường NCL vẫn dùng chỉ tiêu chính quy còn thừa để chuyển sang tuyển các hệ khác như không chính quy, liên thông, liên kết…tạo ra sự nhốn nháo sau khi kì thi tuyển sinh chính quy đã kết thúc. Vậy năm nay Bộ GD-ĐT sẽ chấn chỉnh tình trạng này như thế nào thưa Thứ trưởng?

Tôi xin nhấn mạnh, tất cả các trường muốn thực hiện được việc này thì đều phải có ý kiến của Bộ GD-ĐT. Tất nhiên Bộ GD-ĐT chỉ cho phép các trường đủ điều kiện để thực hiện điều đó chứ không phải trường nào cũng được phép tự động làm.

Một vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm là có những trường NCL mặc dù đã được thành lập từ lâu và cũng tuyển sinh được 5-6 khóa nhưng chưa năm nào tuyển đủ thậm chí chỉ được khoảng 20-30%. Vậy theo Thứ trưởng, có nên để cho các trường như thế này tồn tại hay không?

Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường dựa trên hai tiêu chí quan trọng đó là số lượng giáo viên/sinh viên và diện tích mặt bằng sử dụng. Có những trường NCL cơ sở vật chất rất là tốt nhưng tuyển vẫn khó khăn bởi có thể do điều kiện địa lý hay một nguyên nhân khách quan nào đó mà thí sinh vẫn chưa tìm đến.

Sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra quy định mới về quy chế giao chỉ tiêu. Nếu trường nào đó 2-3 năm liên tiếp không tuyển được đủ chỉ tiêu thì Bộ GD-ĐT sẽ càng ngày càng cắt giảm chỉ tiêu xuống, tránh tình trạng các trường không sử dụng hết chỉ tiêu quy định.

Chúng ta đã đưa ra các tiêu chí rất rõ ràng để được thành lập trường ĐH nhưng thực tế Bộ GD-ĐT vẫn đang còn “nới tay” cho nợ các tiêu chí chẳng hạn như nhiều trường vẫn phải đi thuê mượn cơ sở vật chất... Với động thái này thì dẫn đến một hệ lụy là chất lượng các trường không thể đảm bảo. Theo Thứ trưởng, cần giải quyết vấn đề này như thế nào?

Năm nay và hiện bây giờ các đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đang đi kiểm tra các trường theo tinh thần Nghị quyết 50 của Quốc hội. Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. Qua kiểm tra Bộ GD-ĐT sẽ có nhưng biện pháp nhất định cứng rắn đối với các trường không đảm bảo được điều kiện cam kết khi làm hồ sơ thành lập trường. Chẳng hạn như được thành lập từ lâu nhưng cơ sở vật chất nhiều năm mà vẫn còn phải thuê mướn hoặc giáo viên khi kê khai thì đầy đủ giờ chỉ còn vài người…

Tất cả những sai phạm này Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra biện pháp xử lý. Ví dụ như có thể ngừng tuyển sinh một số ngành hoặc giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh để đảm bảo cơ sở vật chất…

Trước đây khi chưa có Nghị quyết 50 thì Bộ GD-ĐT cũng lúng túng vì không biết kiểm tra dựa trên cơ sở pháp lý nào. Với việc có Nghị quyết 50 thì Bộ GD-ĐT sẽ làm quyết liệt. Chúng ta không thể để các tình trạng nói ở trên kéo dài mãi được.

Thưa Thứ trưởng, mặc dù những năm qua có trường sai phạm nhưng dường như cách xử lý của Bộ GD-ĐT rất là nhẹ tay. Vậy năm nay liệu biện pháp xử lý có mạnh hơn không?

Cái cần thiết nhất hiện nay của Bộ GD-ĐT đó là đưa giáo dục đầu tàu vào đúng quy đạo về chất lượng. Đảm bảo chất lượng thì cần phải làm nhiều việc như xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tuyển sinh…

Có thể dễ nhìn thấy là từ khi có Nghị quyết 50 thì động thái của Bộ GD-ĐT là luôn lấy chất lượng làm trọng tâm. Tất các các hoạt động cần phải xoay quanh để làm sao đảm bảo chất lượng qua đó để xã hội tin tưởng vào chất lượng giáo dục ĐH.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

                                                                          Theo Dantri

Các tin khác


Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục