Trung tâm gia sư thuộc Công ty TNHH tư vấn và dịch vụ Phát triển nhân lực - nơi thu tiền sinh viên nhưng giới thiệu lớp “ma”
Nhiều sinh viên đóng 400.000-800.000 đồng lệ phí cho trung tâm gia sư để được giới thiệu chỗ dạy kèm. Chỗ dạy không thấy đâu nhưng tiền đã đóng thì không dễ đòi lại.
Từ bức xúc của sinh viên, sáng 3-11 chúng tôi đến Công ty TNHH tư vấn & dịch vụ Phát triển nhân lực tại địa chỉ 114 Bắc Hải, P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM. Phía trái cửa, đập vào mắt chúng tôi là bảng thông tin khá hấp dẫn với nhiều lớp dạy kèm có mức lương lên đến 3 triệu đồng/tháng.
Tiền thật, lớp “ma”
Bên trong căn phòng chừng chục mét vuông, bốn nữ nhân viên đang tư vấn cho sinh viên đến tìm việc. Đến lượt mình, chúng tôi hỏi tìm lớp dạy kèm. Nữ nhân viên ngồi sát cửa yêu cầu ghi thông tin cá nhân vào sổ. “Bạn dạy được lớp mấy, buổi nào, ở đâu cứ ghi thông tin vào đây. Lát nữa cô Mai sẽ tư vấn” - nhân viên này nói. “Cô chào em” - mời chúng tôi ngồi, người phụ nữ xưng tên Mai quay sang quát nữ nhân viên vừa lấy thông tin của chúng tôi: “Sao không ghi dạy môn nào? Em không biết hả, bây giờ nếu bản thân em không biết dạy môn nào làm sao mà đi dạy”.
Tìm việc ở nơi tin cậy Theo anh Nguyễn Trọng Hoàng, sinh viên có nhu cầu tìm việc làm thêm nên đến trung tâm hỗ trợ sinh viên của trường, đoàn trường vì Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM hiện có liên kết đưa thông tin việc làm đến các trường để hỗ trợ sinh viên. Ngoài ra, sinh viên có thể đến một số nơi khác đáng tin cậy như Trung tâm giới thiệu việc làm Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, Trung tâm giới thiệu việc làm Thành đoàn TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM, Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM... |
Quay lại chúng tôi, bà Mai “dịu dàng” nói: “Em ở Q.2, dạy ở Bình Thạnh được đúng không? Có lớp toán, lý, hóa tuần ba buổi, lương 2 triệu. Con bé này mất căn bản nha”. Nói rồi, bà Mai đưa “giấy cam kết” yêu cầu chúng tôi ký với bảy điều khoản đại loại như: những trường hợp gặp sự cố ngoài ý muốn hoặc làm mất lớp mà không báo về công ty, công ty sẽ giải quyết trừ 20% lệ phí văn phòng kể từ khi viết giấy ra, báo sau một ngày trừ 50% lệ phí, báo sau ba ngày sẽ không được nhận lại tiền...
Hỏi lệ phí, bà Mai “hét” 700.000 đồng (35% lương tháng đầu tiên). Viện cớ không đủ tiền, chúng tôi bảo khi khác quay lại, bà Mai cắt ngang: “Nếu còn 500.000 đồng thì cô cho em thiếu 200.000 đồng”.
Thấy chúng tôi lưỡng lự, bà Mai bồi thêm: “Em đến đó người ta không nhận, tới đây (trung tâm) đổi được ba lớp. Dạy suôn sẻ hay may mắn phụ thuộc vào mình nữa. Đôi khi cũng có trục trặc chứ không phải hoàn hảo 100%”. Chúng tôi đóng 500.000 đồng và nhận giấy giới thiệu đến một địa chỉ trên đường D1, Q.Bình Thạnh.
Tối hôm đó Sài Gòn mưa rả rích, chúng tôi đội áo mưa đi nhận lớp. Chạy qua chạy lại hàng chục lần trên đường D1 vẫn không tìm thấy nhà học sinh đâu. Đưa địa chỉ hỏi người chạy xe ôm, người dân trong khu vực cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Gọi theo số điện thoại của học sinh từ bà Mai cung cấp, chỉ nghe “ò e í”. Liên lạc lại với bà Mai, bà ta tỉnh queo: “Chắc điện thoại em nó hết pin, em về đi, có gì mai cô liên hệ rồi gọi lại cho em”.
Hôm sau, đợi đến hết giờ làm việc buổi chiều không thấy tin tức gì, chúng tôi gọi điện hỏi, bà Mai tiếp tục hẹn ba ngày sau đến giải quyết. Đến hẹn, trở lại trung tâm, chúng tôi nhận được câu trả lời từ bà Mai: “Phụ huynh đi công tác, em về đợi. Phụ huynh về lúc nào gọi em lúc đó”. Từ đó đến nay chúng tôi không nhận được bất cứ thông tin gì từ bà Mai cũng như “phụ huynh”.
Sáng 14-11, chúng tôi trở lại trung tâm này đặt thẳng vấn đề đòi lại tiền thì không có bà Mai ở đó. Nhân viên tại đây tiếp tục hẹn hôm sau giải quyết. Khi chúng tôi đến, một sinh viên khác cũng đang đợi đòi lại 700.000 đồng đã đóng. Bạn N.T.Y., sinh viên khoa hóa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết cùng trường với bạn có trên 10 người mất tiền tại trung tâm này.
“Cô Mai hay dùng chiêu “phụ huynh đi công tác” để hẹn tôi và những người bạn của mình nhưng sau đó im luôn” - Y. bức xúc nói. Sau khi bị lừa, nhiều sinh viên rút ra chiêu thức hoạt động của Công ty TNHH tư vấn & dịch vụ Phát triển nhân lực như sau: đưa ra mức lương hấp dẫn để hút người nhằm ăn tiền lệ phí. Sau khi sinh viên đóng tiền, công ty giới thiệu đến những lớp “ma” (địa chỉ không có thật, những nơi phụ huynh không nhận sinh viên dạy kèm...). Khi sinh viên đòi lại tiền thì làm khó dễ, hứa hẹn, giới thiệu đến lớp “ma” khác cho đến khi sinh viên nản chí bỏ số tiền đã đóng.
Thu tiền rồi... đóng cửa
Trong khi đó, hàng chục sinh viên khác đã đóng lệ phí 400.000 -700.000 đồng tại Công ty CP đầu tư giáo dục Quỳnh Anh (264 Hòa Hưng, P.13, Q.10, TP.HCM) phải chịu mất trắng khi công ty này đột ngột đóng cửa không rõ lý do. Bạn Nguyễn Văn Thắng, sinh viên năm 2 ngành xây dựng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, bức xúc nói: “Tôi đóng lệ phí 470.000 đồng từ tháng 7 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được lớp. Đầu tiên, trung tâm giới thiệu cho tôi lớp 7, sau đó chuyển qua lớp 5, 1, 4...
Tổng cộng qua sáu lớp nhưng chỗ tìm không được địa chỉ, nơi người ta lại lắc đầu. Quay lại thì trung tâm đóng cửa. Gọi vào số điện thoại của công ty thì không liên lạc được”. Thắng cho biết một người bạn của mình học Trường CĐ Bách Việt cũng rơi vào cảnh tương tự phải mất 400.000 đồng.
Tương tự, sinh viên từ các trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM... cũng đành chịu mất tiền tại công ty này. Bạn Nguyễn Thị Huyền, sinh viên ngành sư phạm mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể: “Phòng tôi ở ký túc xá có ba người đã đóng tiền từ 400.000 đồng tại Công ty CP đầu tư giáo dục Quỳnh Anh hơn ba tháng. Trung tâm giới thiệu khắp nơi nhưng không có chỗ nào nhận. Đòi lại tiền thì trung tâm viết giấy hẹn. Lên xuống cả chục lần nhưng trung tâm cứ kỳ kèo mãi đến khi đóng cửa”.
Chiều 9-10, chúng tôi tìm đến địa chỉ trên thì thấy cửa đóng kín, bấm chuông không có người mở cửa. Hỏi thăm một chị bán cà phê bên cạnh, chị này cho hay: “Đóng cửa cả tháng nay rồi, ngày nào cũng có mấy em sinh viên đến đòi lại tiền mà không được. Nghe nói công ty chuyển đâu qua bên Q.8”.
Đáng lưu ý là tại khu vực làng ĐH Thủ Đức (TP.HCM), do luôn trong tình trạng “khát” việc làm nên nhiều sinh viên đã bị lừa một cách trắng trợn. Bạn T.N., sinh viên ngành xã hội học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), kể: “Mình gọi điện đến số điện thoại cần gia sư trong một tờ rơi dán gần trường. Một người phụ nữ tên Phượng nghe máy, nói mình chuẩn bị hồ sơ và dẫn đến nhà học sinh ở P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức. Phụ huynh bảo học sinh không có nhà, cứ để lại hồ sơ và hôm sau quay lại. Sau khi đóng lệ phí 400.000 đồng cho bà Phượng, hôm sau quay lại phụ huynh bảo không nhận dạy kèm nữa. Gọi đến số bà Phượng thì không liên lạc được”...
Anh Nguyễn Trọng Hoàng - trưởng phòng hỗ trợ đời sống, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM - cho biết đã có nhiều sinh viên phản ảnh về việc đến các trung tâm gia sư đăng ký, đóng lệ phí trước nhưng không tìm được lớp. Khi sinh viên đòi lại tiền thì trung tâm cứ lằng nhằng mãi, đành phải bỏ số tiền đã đóng. Ngoài ra, sinh viên tìm việc làm thêm, gia sư từ tờ rơi dán ở cột điện, tường, trạm xe buýt... cũng mất tiền nhưng ít khi tìm được việc.
Theo TuoiTre
Nhiều sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm trong khi ngày càng nhiều giáo viên bỏ việc vì không đủ sống. Đây là một nghịch lý có thể dẫn đến nguy cơ khủng hoảng nguồn nhân lực ngành sư phạm.
Để truyền kiến thức cho các em, người thầy, người cô nơi sơn cùng thủy tận buộc phải nói được 4 thứ tiếng: Kinh, Thái, Mông và Khơ Mú. Đó là "nhiệm vụ bất khả kháng" của những giáo viên ở vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An).
Ngoài áp lực của công việc, không phải giáo viên nào cũng may mắn nhận được sự thông cảm từ gia đình. Không có thời gian cho cuộc sống riêng, đời sống thiếu thốn là lý do nhiều người phải lựa chọn công việc hay gia đình.
(HBĐT) - Ngày 18/11, trường PT DTNT tỉnh đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Dự và chia vui cùng thầy trò nhà trường có đồng chí Quách Thế Tản, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND thành phố và phường Tân Hòa (TPHB).
Lạm thu, nâng cấp đại học, hạ chuẩn tuyển sinh, chất lượng… là những vấn đề được trình Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong phiên chất vấn tuần tới. Quá nửa trong số hơn chục chất vấn đến nay đều tập trung “truy” nội dung này.
Bộ GD-ĐT chủ trương bỏ chấm điểm đối với môn học thể dục, âm nhạc và mỹ thuật. Thay vào đó, giáo viên sẽ đánh giá học sinh (bậc THCS và THPT) bằng nhận xét.