Cách đây tròn một năm, khi chia tay anh em bộ đội đồn biên phòng A Pa Chải - cực tây Tổ quốc (đây là ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung Quốc), chúng tôi đặt vấn đề với thiếu tá Nguyễn Đức Thắng - đồn trưởng: “Lâu nay báo Tuổi Trẻ vẫn coi biên giới và biển đảo là hai địa chỉ phải nghĩ đến đầu tiên trong các chương trình công tác xã hội, vì vậy trong rất nhiều thiếu thốn của anh em trong đồn, các anh cho vài cái gạch đầu dòng, chúng tôi về báo cáo ban biên tập để có chương trình vận động ủng hộ anh em”.

 

Lớp học của các em ở Tá Miếu như một túp lều tạm bợ - Ảnh: ĐÀ TRANG

Thời điểm đó đồn A Pa Chải chưa có sóng điện thoại, điện thắp sáng thì trông chờ vào mấy máy “thủy điện mini” chặn suối đủ thắp sáng vài bóng đèn tù mù. Hôm chúng tôi đến, đồn không có điện vì “hồi chiều trâu của dân bản lội qua suối làm vỡ đập ngăn dòng nước làm điện”.

A Pa Chải quanh năm sương ẩm ướt, áo quần phơi cả tuần không khô. Nước tắm lạnh buốt, một cái nhà tắm có nước ấm đun bằng than tổ ong vẫn là mơ ước... Nghĩa là chúng tôi đã hình dung những điều thiếu tá Thắng sẽ đề xuất...

Thế nhưng thật bất ngờ, thiếu tá Thắng lại nhỏ nhẹ: “Cái khó của lính, chúng tôi quen rồi, chịu khó thêm vài năm nữa rồi sẽ có đầy đủ, nếu anh em báo Tuổi Trẻ có lòng giúp anh em đồn A Pa Chải thì hãy giúp các em bé bản Tá Miếu vài cái phòng học đỡ rét là coi như giúp lính biên phòng chúng tôi”.

Một vài phòng học cho các em nhỏ ở Tá Miếu là điều chúng tôi nghĩ không có gì quá khó khăn, và niềm quyết tâm của chúng tôi được nhân lên gấp bội bởi trong khi còn bao nhiêu khó khăn trước mắt, người lính đồn biên phòng A Pa Chải đã không nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến dân, nhất là các em bé mẫu giáo.

Trong niềm xúc động trào dâng, chúng tôi đồng ý sẽ cố gắng vận động để có thể cho các em mẫu giáo bản Tá Miếu ít ra có một phòng học và một phòng nội trú để cô giáo đang cắm bản dạy các em.

Chúng tôi đã được “mục sở thị” khi ghé thăm nơi ở của cô giáo Bùi Thị Hiệu, dạy lớp mẫu giáo. Túp lều lợp tranh tre nứa lá được ngăn ra, 3/4 diện tích làm lớp học, nền nhà trải tấm nilông để các em khỏi lạnh chân, 1/4 diện tích còn lại chừng 4m2 đủ kê chiếc giường đơn làm nơi cô giáo ngủ. Cái bếp dầu và hũ măng chua, mấy lọ mắm muối được lùa vào một góc nhà vách đất. “Phòng” của cô Hiệu không có tấm nhựa lót trên nền đất như bên phía lớp học, mùa đông hơi lạnh như ứa ra đặc quánh trên nền đất ẩm ướt.

Một lớp học kèm một phòng nội trú cho giáo viên hóa ra không đơn giản như ở miền xuôi. Ước hơn 300 triệu đồng là đủ cho một ngôi trường mẫu giáo bản Tá Miếu đã bị trượt giá một cách kinh khủng, bởi 1 tạ ximăng, một cây sắt, một viên gạch từ huyện lỵ Mường Nhé, sau 75km đèo dốc độc đạo vào đây đã đội giá lên gấp vài ba lần bởi tiền vận chuyển. Bởi thế, số tiền chúng tôi cố gắng vận động, dù rất nỗ lực vẫn không thể theo kịp thời giá.

Hôm nay, 22-12, chúng tôi chuẩn bị trở lại A Pa Chải và nhiều bản làng của đồng bào Mông, Hà Nhì... dọc biên giới tỉnh Lai Châu và Điện Biên để trao món quà xuân của bạn đọc Tuổi Trẻ cho những em nhỏ ở đó, những đứa bé chưa bao giờ biết kẹo là gì, chưa bao giờ biết “Đôrêmon” là gì, chưa bao giờ biết ông già Noel là ai... và quan trọng hơn, lớp học của các em chỉ là một túp lều tạm bợ như “cái chuồng trâu của dân bản”, dù thú thật khi ví von như thế này chúng tôi biết có điều gì như xúc phạm! Nhưng đó là một sự thật đau xót còn hơn cả sự thật!

Vài hôm nữa chúng tôi lại lên A Pa Chải, món nợ một lớp học cho những đứa trẻ đang ngồi trong cái lớp học tạm bợ ấy vẫn còn day dứt. Dường như các em bé A Pa Chải không hề biết có những bạn bè cùng trang lứa đang học trong những ngôi trường khang trang với đủ thứ đồ chơi, đủ thứ phương tiện...

Nhưng tiếng hát của những đứa trẻ Hà Nhì ở Tá Miếu chưa nói sõi tiếng Kinh vẫn vang lên rất tròn vành rõ chữ “Ai hỏi cháu, cháu học trường nào đấy..., trường của cháu đây là trường mầm non”. Câu hát vô tư, hồn nhiên, trong trẻo vang lên của một sớm mùa đông biên ải cứ day dứt mãi trong chúng tôi về một ngôi trường mầm non tươm tất.

Và chúng tôi không chỉ nợ các em, chúng tôi nợ cả những người lính biên phòng nơi biên ải A Pa Chải về một lớp học. A Pa Chải, nếu bạn đến và ở lại một đêm, bạn sẽ trải nghiệm những điều tương tự như khi ra đến Trường Sa, rằng những lăn tăn toan tính thường nhật ở chốn thị thành chỉ là điều vớ vẩn trước ánh mắt những em bé Hà Nhì, cũng như khi ta nhìn vào ánh mắt những đứa trẻ Trường Sa vậy!

Vâng, Tá Miếu, A Pa Chải, trong lòng chúng tôi cũng là một “Trường Sa trên cạn”!

 

                                                         Theo TuoiTre

Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục