Học sinh trường PTDTNT Yên Thuỷ đang có nhiều nỗ lực trong học tập, rèn luyện, góp phần đáng kể cho hành trình phấn đấu trở thành trường chuẩn quốc gia.
(HBĐT) - Cuối học kỳ I năm học 2012-2013, các em: Bùi Thị Thanh Tâm (lớp 8A2), Bùi Thị Thu (lớp 9A2)... có cảm giác vui mừng và hồi hộp lạ thường khi được chuyển về địa điểm mới của trường PTDT nội trú Yên Thuỷ. Ngôi trường mới to đẹp, khang trang tạo sự choáng ngợp cho mỗi em khi lần đầu bước vào đây (có tổng diện tích trên 20.000 m2). Đồng thời, các em đều cảm thấy rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người học sinh…
Cô giáo hiệu trưởng Bùi Thị Mai vẫn không quên hơn 4 năm gian khó mà nhà trường đã từng bước trải qua, khi thầy và trò phải tá túc tạm bợ ở các điểm trường khác như TTGDTX huyện, tiểu học thị trấn Hàng Trạm, THCS Yên Lạc. Gian khó là vậy, nhưng trường luôn giữ vững được kỷ cương, nền nếp dạy và học; thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua dạy tốt - học tốt cùng các phong trào thi đua, CVĐ của ngành. Là trường chuyên biệt thuộc hàng “sinh sau, đẻ muộn” trong hệ thống các trường PTDTNT tỉnh, nhà trường sớm nhận ra được những điểm hạn chế của mình nên đã có kế hoạch, giải pháp để từng bước khắc phục. Trong đó, chi bộ Đảng (hiện có 14 đảng viên), ban giám hiệu và các tổ chức, đoàn thể đã xây dựng được mối đoàn kết, thống nhất, tạo được sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Nhà trường đã dành thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, mô hình, cách thức hoạt động của nhiều trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh; bám sát các văn bản chỉ đạo có tính định hướng của huyện, ngành. Bên cạnh đó, nhà trường đã xác định được nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp “trồng người” của một trường ở huyện cuối tỉnh: đây là địa chỉ đỏ xây dựng, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho huyện, cho tỉnh. Vì thế, trường đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Cụ thể như đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên; giáo dục truyền thống cách mạng quê hương, đất nước cho học sinh; tạo được mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đặc biệt, trường đã dày công nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Học kỳ I vừa qua, 15 giáo viên đã được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do ngành, Bộ GD&ĐT tổ chức. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức thi giáo viên giỏi, sinh hoạt cụm chuyên môn; duy trì hội giảng hàng năm; tổ chức 2 buổi sinh hoạt chuyên môn/tháng; đổi mới hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn, giảm bớt công tác hành chính. Nhiều giáo viên được tạo điều kiện để đi học nâng cao trình độ trên chuẩn. Cũng vì thế, tại thời điểm này, 100% cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn, trong đó, 80% số giáo viên có trình độ trên chuẩn. 4 giáo viên đã từng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh như cô Phạm Thuý Mai (tiếng Anh), Bùi Thị Suyến (tiếng Anh), Đinh Thị Dung (vật lý), Bùi Thị Hạnh (sinh vật). Phong trào thi đua dạy tốt đã là động lực thúc đẩy cho phong trào thi đua học tốt. Các em học sinh, con em các dân tộc từ 10 xã vùng tuyển đã nỗ lực giành được những thành tích đáng kể trong học tập, rèn luyện. Hàng năm, tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi chiếm từ 60-70%. Tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện trước đây, trường luôn nằm trong tốp 3 của huyện, nhất là năm đầu tiên được thành lập (năm học 2009-2010), trường đoạt 46 giải. Học kỳ I năm học 2012-2013, trong 200 học sinh của trường, số em đạt hạnh kiểm tốt, khá chiếm 99%; số học sinh đạt học lực giỏi, khá cũng chiếm gần 70%. Hiện nay, nhà trường đang dồn lực bồi dưỡng cho 8 đội tuyển (24 em) sẵn sàng cho kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đầu tiên. Trong phong trào thi đua học tốt, nhiều em đã duy trì được sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ của mình như em Bùi Thị Hiền, Bùi Thị Lý (quê ở Lạc Sĩ), Bùi Thị Phương An (quê xã Lạc Lương), học sinh lớp 9A2, từ năm lớp 6 đến nay luôn là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi...
Khi điều kiện giảng dạy, học tập của thầy và trò ngày càng được đáp ứng tốt hơn, chắc chắn chất lượng phong trào thi đua “Hai tốt” của nhà trường sẽ có nhiều nét mới. Trong đó, đích phấn đấu của trường là trở thành trường chuẩn quốc gia trong tương lai gần.
Bùi Huy
(HBĐT) - Cuối tháng 1/2013, ngành GD&ĐT huyện Đà Bắc đã tổ chức Hội thi giao lưu học sinh giỏi lớp 5, năm học 2012-2013 . Có 100 học sinh xuất sắc, đại diện cho 28 trường học trong toàn huyện đã về dự.
(HBĐT) - Ngành GD&ĐT huyện Lương Sơn vừa tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện (tiểu học, THCS) năm học 2012-2013. Có 548 học sinh đăng ký dự thi.
(HBĐT) - Chiều 18/2, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến, đánh giá tình hình công tác GD&ĐT tháng 2 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2013.
(HBĐT) - Có một điều đặc biệt, đó là trong quá khứ họ đã từng là cô - trò và bây giờ lại trở thành đồng nghiệp, cùng đứng trên bục giảng, cùng dưới một mái trường và đều trở thành những người thầy giỏi nhất ở bậc tiểu học của cả huyện Đà Bắc. Điều đó được minh chứng bằng những danh hiệu, thành tích mà họ đã đạt được. Trong đó, đáng kể nhất là bằng công nhận giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT trao tặng. Những người mà chúng tôi muốn nói đến đó là nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Thanh, Hiệu phó và cô giáo Nguyễn Thị Lợi, giáo viên trường tiểu học Kim Đồng (thị trấn Đà Bắc).
(HBĐT) - Nắng đã lên và sương đã tan dần trên những ngôi nhà ở Nà Nguồm, Mường Chiềng, huyện Đà Bắc. Từ phía khu A, khu B, trường PTDTNT liên xã Mường Chiềng, những học sinh trong trang phục Tày, Dao, Mường... ríu rít, tay trong tay đi về phía các lớp học.
(HBĐT) - Hình dung ban đầu của chúng tôi về ngôi trường ở một trong những vùng khó khăn bậc nhất của huyện Cao Phong là một ngôi trường còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn hạn chế; các em học sinh đến trường trong điều kiện thiếu thốn về sách, bút, áo, quần không đủ ấm giữa mùa đông lạnh buốt ở miền gió núi. Nhưng trên thực tế, đó là một sự tưởng tượng có phần thái quá về nỗi ám ảnh của sự nghèo khó nơi vùng đất khó khăn mà tôi đã từng có dịp đến cách đây nhiều năm về trước...