Cô giáo Vũ Thị Kim Tính (ảnh) đã mang đến phép màu để nhân lên niềm vui trong ánh mắt của những đứa con lâu rồi không có hơi ấm của mẹ.

Cô giáo Vũ Thị Kim Tính (ảnh) đã mang đến phép màu để nhân lên niềm vui trong ánh mắt của những đứa con lâu rồi không có hơi ấm của mẹ.

(HBĐT) - Hình dung ban đầu của chúng tôi về ngôi trường ở một trong những vùng khó khăn bậc nhất của huyện Cao Phong là một ngôi trường còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn hạn chế; các em học sinh đến trường trong điều kiện thiếu thốn về sách, bút, áo, quần không đủ ấm giữa mùa đông lạnh buốt ở miền gió núi. Nhưng trên thực tế, đó là một sự tưởng tượng có phần thái quá về nỗi ám ảnh của sự nghèo khó nơi vùng đất khó khăn mà tôi đã từng có dịp đến cách đây nhiều năm về trước...

 

Dẫu còn chưa hết khó khăn nhưng từ sự quan tâm của Nhà nước, trong vài năm lại đây trường tiểu học Xuân Phong đã được đầu tư xây dựng với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, đã được công nhận chuẩn quốc gia mức độ I từ năm 2009. Dù cuộc sống của đa số người dân còn khó khăn nhưng việc học hành của các em học sinh đã được gia đình quan tâm hơn trước. Vì thế nên khi đến trường, các em có đủ sách bút, có đủ áo ấm trong mùa đông giá lạnh. Tuy vậy, trong số học sinh nhà trường vẫn còn không ít hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.

 

Không nói về mình, nhưng qua những người dân ở Xuân Phong, chúng tôi được biế, để có sự tươm tất, đủ đầy trong từng quyển sách, cái bút và từng manh áo ấm cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường là có sự góp sức của các cô giáo ở ngôi trường vùng đất gian khó này. Sự quan tâm, chăm sóc đó, với lũ trẻ  chẳng khác nào một câu chuyện cổ tích được viết nên bằng sự yêu thương chân thành. Nói về những hành động cao đẹp đó của tập thể giáo viên Trường tiểu học Xuân Phong, ông Bùi Hồng Toán, Chủ tịch UBND xã đã khẳng định: Nếu không có phong trào các thầy, cô giáo tham gia giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có lẽ chẳng biết đến bao giờ Xuân Phong mới hết tình trạng học sinh bỏ học, trẻ trong độ tuổi không được đến trường. Khi trao đổi với chúng tôi, cô giáo Vũ Thị Kim Tính, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phong chia sẻ: thực hiện phong trào mỗi thầy, cô giáo giúp đỡ một học sinh có hoàn cảnh khó khăn do Công đoàn ngành Giáo dục phát động, từ năm học 2008 - 2009 cho đến nay, nhà trường vẫn đang tiếp tục duy trì tốt. Theo đó, trong năm học 2012 - 2013, toàn trường hiện có 33 em học sinh được các thầy, cô giáo nhận đỡ đầu, giúp đỡ mọi mặt để các em xóa bỏ mặc cảm, vượt qua khó khăn, tự tin khi đến trường.

 

Điều đáng nói, trong số 33 em học sinh đó thì có 16 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi em mỗi cảnh, có em thì do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, có em mồ côi cha, mồ côi mẹ. Đặc biệt, trong số đó có 2 em là Bùi Hoàng Anh ở xóm Rú 6 hiện đang học lớp 1A và Bùi Tuấn Anh học lớp 4A ở xóm Rú 4 mồ côi cả cha lẫn mẹ. Với Hoàng Anh, mồ côi cha mẹ từ lúc mới lên 3 tuổi  sau một vụ TNGT kinh hoàng khi đôi vợ chồng trẻ vội vã trở về với đứa con thơ bé sau một ngày lao động cực nhọc. Hiện, Hoàng Anh đang ở với ông bà ngoại tuổi đã cao, sức đã yếu. Do vậy, để chăm lo cho đứa cháu ngoại đã phần nào vượt khỏi tầm với của đôi vợ chồng già. Còn Tuấn Anh lại mồ côi cả cha lẫn mẹ trong một tấn bi kịch đau lòng ... Hiện, Tuấn Anh đang ở với chú và ông nội. Dù cho những đứa trẻ này có ở hoàn cảnh nào, dù khao khát tình thương, khao khát hơi ấm gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ khi co ro trong những góc khuất của ngôi nhà tuềnh toàng nghèo khó đều được xoa dịu khi chúng đến trường. Bởi ở đó chúng có mẹ, có niềm vui. Như Hoàng Anh có “mẹ” Lan, Tuấn Anh có “mẹ” Tính... “Dù mình không có điều kiện để ngày đêm chăm sóc các cháu. Nhưng với những gì bọn mình dành cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đó là một sự cố gắng nỗ lực rất lớn để bù đắp phần nào những thiếu hụt về tình cảm, bàn tay chăm sóc của mẹ thậm chí đôi khi còn có cảm giác như chính con đẻ, mình chẳng có điều kiện để quan tâm chăm sóc như các cháu ở đây. Với tình cảm ấy, có lẽ chỉ thiếu tiếng gọi “mẹ” để các cháu trở thành con mình”, Cô giáo Vũ Thị Kim Tính chia sẻ.

 

Mặc dù phong trào được phát động trong toàn ngành, nhưng có lẽ không ở đâu, không một ngôi trường nào ở Cao Phong duy trì và làm tốt như ở đây. Chẳng có toan tính, chẳng có sự so đo thiệt hơn và cũng chẳng mảy may một tâm lý miễn cưỡng ban phát ơn huệ một cách lạ lẫm. Ở đây, tất cả đó là sự vô tư, nhiệt tình và trong sáng. Chẳng vậy mà đã có không ít cô tự nguyện nhận đỡ đầu, giúp 2 cháu như cô giáo Trần Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B. Ngoài ra, nhiều cô có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cũng không không chịu “thua chị, kém em” trong việc tham gia nhận đỡ đầu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn như cô giáo Bùi Thị Lan, Nguyễn Thị Hợp... Đặc biệt như trường hợp của cô giáo Vũ Thúy Vinh và Bùi Thị Sáu, là những giáo viên được phân công dạy tại chi trường ở xóm Mừng. Chi trường này cách chi chính gần 10 km, có điều kiện vô cùng khó khăn nhưng với tinh thần vượt khó, chủ động khắc phục khó khăn, 2 cô giáo đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời, trong quá trình gần 10 năm công tác ở đây, các cô cũng đã tự nguyện trích một phần lương để tham gia đỡ đầu và giúp đỡ hàng chục học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường như bao bạn bè khác.Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Tính bảo: Thực tâm, các cô giáo ở đây ai cũng muốn các cháu gọi mình bằng “mẹ”. Nhưng điều đó mình không thể bắt ép các cháu được. Dù thế bọn mình cũng rất vui khi các em được nhận đỡ đầu có những khó khăn, thiếu thốn sách, bút hay khi chúng chơi những trò nghịch dại hoặc sao nhãng trong học tập, các cô chủ nhiệm thường báo cho các “mẹ” như người thân ruột thịt để kịp thời điều chỉnh, hỗ trợ giúp đỡ các cháu.

 

Trao yêu thương sẽ nhận lại yêu thương và sự tôn trọng, chân lý ấy mãi đúng. Câu chuyện về những đứa trẻ với những suy nghĩ còn non nớt có hoàn cảnh khó khăn được các cô giáo ở trường tiểu học Xuân Phong nhận đỡ đầu, giúp đỡ đã dạy cho tôi thêm một bài học về nghĩa tình thầy, trò cũng như sự trân trọng đầy ân nghĩa mà tôi được các cô giáo ở đây kể lại đầy xúc động. “Ở đây, vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn nên để có những món quà có giá trị để tặng các cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam như ở các nơi khác là điều không bao giờ có. Nhưng đổi lại, trong những dịp này, năm nào chúng tôi cũng nhận được những món quà rất ý nghĩa từ các em. Đó là những bó hoa dại các em hái trên đường tới trường để tặng cô cũng là món quà vô cùng ý nghĩa với chúng tôi. Có không ít lần nhận hoa từ những cô, cậu học trò nhỏ, chúng tôi ai cũng khóc thương lũ học sinh nghèo đã biết nghĩ về cái nghĩa tình thầy trò”, Cô giáo Vũ Thị Kim Tính xúc động.

 

Nghĩa tình thầy, trò trường tiểu học Xuân Phong đã viết nên câu chuyện cổ tích ở vùng đất nghèo khó này, mà trong đó, những người như cô Tính, cô Nhung, cô Vinh, cô Hợp, cô Lan, cô Sáu... hiện thân là những nhân vật chính - những người mang đến phép màu để cho yêu thương ngập tràn, xóa đi u buồn, nhân lên niềm vui trong ánh mắt của những đứa con lâu rồi không có hơi ấm của mẹ.

 

 

                                                                  Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục