(HBĐT) - Đến thời điểm này, các cấp ngành và địa phương trong toàn tỉnh đang gấp rút khắc phục những hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất gây ra nhằm nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Trong đó, công việc phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ của ngành y tế cũng khẩn trương hơn, quyết liệt hơn với mục tiêu: Không để dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ.
Trao đổi với chúng tôi đồng chí Trần Quang Khánh, giám đốc Sở y tế cho biết: Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, ngành y tế đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, xử lý vệ sinh môi trường sau mưa lũ. Cử các đoàn kiểm tra, khảo sát trên toàn bộ 11 huyện, thành phố. Yêu cầu các bệnh viện và trung tâm y tế tổ chức cấp cứu, trực 24/24 kịp thời cấp cứu người bệnh, nạn nhân do ảnh hưởng của mưa lũ. Phối hợp liên ngành trong khắc phục hậu quả của lũ bão đặc biệt là ở Đà bắc và Tân Lạc. Cử đoàn giám sát vệ sinh môi trường của trung tâm YTDP tỉnh kiểm tra các địa bàn trong tỉnh. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh phân công 2 đội phòng chống dịch trong và sau mưa lũ, tổ chức thường trực 24/24. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 21 trạm y tế bị ảnh hưởng do mưa lũ. Ngành cũng đã chỉ đạo công tác khắc phục để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Bộ y tế đã giúp đỡ cho tỉnh 2000 chiếc phao tròn cứu sinh, 200 chiếc áo cứu sinh, 250 nghìn viên khử khuẩn Cloramin B, 50 hộp thuốc phòng chống lụt bão, 20 hộp bộ dụng cụ phòng chống lụt bão. Sở y tế hỗ trợ 70kg bột cloramin B cho huyện Đà Bắc và Lương Sơn, 2 máy phun ULV, 100 bộ trang phục chống dịch.
Một trong những hoạt động quan trọng sau mưa lũ là công tác dự phòng tránh để dịch bệnh xảy ra tại vùng mưa lũ, ngập lụt. Bà Trần Thị Ái Hương, Giám đốc trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết: Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tại xóm Khanh, xã Phú Cường, Tân Lạc, xã Cao Thắng huyện Lương Sơn, xã Suối Nánh, Đồng Ruộng huyện Đà Bắc và kiểm tra, lấy mẫu tại các xí nghiệp nước sạch tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Các đoàn đánh giá xử lý môi trường và nước tại vùng lũ lụt và sạt lở đất đảm bảo nước và môi trường được an toàn.
Các y, bác sĩ trung tâm y tế dự phòng tỉnh kiểm tra mẫu nước tại xã Cao Thắng huyện Lương Sơn.
Tại huyện Tân Lạc, sau khi xảy ra sạt lở đất tại xóm Khanh, xã Phú Cường, trung tâm y tế huyện cùng các ngành chức năng cử 2 đội xử lý môi trường, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh tại điểm cứu hộ. Ông Bùi Văn Nới, Giám đốc trung tâm y tế huyện cho biết: Sau những lần tìm kiếm được người bị nạn đã xử lý môi trường đất và nước tại điểm cứu hộ. Đồng thời, dùng các biện pháp khử khuẩn nguồn nước, làm sạch môi trường và giám sát dịch bệnh không để phát sinh. Ngoài điểm xóm Khanh, xã Phú Cường, tại xã Nam Sơn xảy ra một người bị chết đuối. Sau hai ngày thì tìm được thi thể, ngành y tế huyện đã cử người đến xử lý môi trường không xảy ra dịch bệnh. Ngoài điểm sạt lở Bệnh viện đa khoa huyện cũng chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị cấp cứu người bị thương.
Huyện Đà Bắc là một trong 2 huyện thiệt hại về người và tài sản lớn nhất trong đợt lũ và sạt lở đất vừa qua. Bà Sa Thị Tươi, Trưởng phòng y tế huyện cho biết: Ngay sau lũ xảy ra chúng tôi đã tạm ứng thuốc ở một số nhà thuốc rồi triển khai,cử cán bộ đến cấp phát thuốc thiết yếu cho vùng lũ, sạt lở đất. Trung tâm y tế huyện chuẩn bị thuốc, trang thiết bị cần thiết cho việc cấp cứu người bị thương. Thông báo cho các trạm y tế xử lý bệnh nhân ngay tại trạm, trong trường hợp nặng chuyển xuống trung tâm y tế huyện bằng đường thủy. Hiện nay, tại các xã Đồng Ruộng, Đồng Nghê và Suối Nánh bị cô lập chúng tôi cử cán bộ y tế thường xuyên tăng cường, thông tin liên lạc tình hình cứu hộ, xử lý môi trường tại nơi sạt lở. Tăng cường giám sát dịch bệnh phát hiện và xử lý dịch bệnh kịp thời, không để dịch bệnh lây lan bùng phát, đặc biệt là các dịch bệnh đường tiêu hóa, sốt xuất huyết, đuối nước… Cùng với đó là dự trù đủ cơ số thuốc và hóa chất phục vụ công tác phòng chống lụt bão phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.
Việt Lâm