Các loại ung thư phổ biến mà người Việt mắc theo thống kê
tại Bệnh viện K là ung thư phổi, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư
vú, ung thư cổ tử cung, ung thư thực quản, ung thư vòm họng, ung thư hạch,
ung thư tuyến tiền liệt… Năm 2017, Bệnh viện K thực hiện 21.126 ca phẫu
thuật, tăng 37% so với năm 2016 (15.474 ca) và vượt 32% so với kế hoạch
(16.000 ca).
Năm 2017, Bệnh viện K đã thực hiện đồng loạt các giải pháp
để cải tiến quy trình khám, chữa bệnh tại các khoa như thực hiện tiếp đón và
hướng dẫn người bệnh, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho
người dân khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Bệnh viện luôn duy trì ổn
định tổng số 35 bàn khám, trong đó có 25 bàn khám phục vụ người bệnh có bảo
hiểm y tế tại năm khoa; bộ phận khám bệnh cả ba cơ sở; giải quyết hết những
trường hợp người bệnh khám trong ngày, rút ngắn, đẩy nhanh thời gian trả các
kết quả xét nghiệm, trả kết quả ....
Trong công tác đổi mới thái độ phục vụ, hướng tới sự hài
lòng của người bệnh, năm 2017, bệnh viện đã áp dụng 79/83 tiêu chí chất lượng
bệnh viện (đạt 95%) với tổng số điểm của các tiêu chí được áp dụng là 282
điểm; đạt điểm trung bình chung của các tiêu chí là 3,56 điểm (năm 2016 là
2,79 điểm).Tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh và người nhà người bệnh đã
tăng rõ rệt, lên 78,9% (so với năm 2016 là 52%).
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Thuấn, hiện nay, số ca đến
khám và điều trị theo giai đoạn bệnh chủ yếu là giai đoạn muộn. Chỉ có hai
bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung có số bệnh nhân được phát hiện ở giai
đoạn I và II chiếm tỷ lệ cao, còn lại đều ở giai đoạn muộn. Cá biệt, với ung
thư gan, số ca đến khám sớm chỉ có 12,2%; ung thư dạ dày chỉ có 13,1%; ung
thư phổi phế quản là 15,7%, ung thư vòm mũi họng là 19,9% số bệnh nhân được
phát hiện ở giai đoạn I và II.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện nay có tới
hơn 70% người bệnh ung thư tới khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Nhưng bằng
các biện pháp phòng bệnh, người Việt có thể phòng được hơn 30% bệnh ung thư.
Chỉ cần không hút thuốc đã loại trừ được hơn 90% ung thư phổi, 80% ung thư hạ
họng thanh quản và nhiều loại ung thư khác. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp
lý kết hợp với tập luyện, tiêm vaccine phòng viêm gan B, vaccine phòng virus
gây u nhú ở người (HPV) đã loại bỏ được phần lớn ung thư gan, cổ tử cung, đại
trực tràng, vú….
Thứ trưởng nhấn mạnh, qua các phương pháp phát hiện sớm,
điều trị kịp thời, chúng ta có thể chữa khỏi được hơn 30% người bệnh ung thư
tiếp theo. Bằng các liệu pháp chính thống kết hợp với chăm sóc để nâng cao
chất lượng sống cho người bệnh, sẽ có thể kéo dài thời gian sống thêm cho 1/3
người bệnh ung thư còn lại.
|
TheoNhandan