Dịch tả lợn châu Phi đang lan nhanh tại 7 tỉnh phía Bắc khiến không ít người dân hoang mang, vội vàng tẩy chay thịt lợn.


Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện đầu tiên tại Châu Phi vào năm 1921, đến nay đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia, tuy nhiên vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị.

Bệnh tả lợn châu Phi do virus tả lợn Châu Phi (African swine fever virus - ASFV) gây ra. Bệnh lây lan nhanh ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết vì nhiễm bệnh lên đến 100%.

Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Ngoài nguyên nhân do vận chuyển lợn bệnh, phía Cục Thú Y, Bộ NN&PTNT cho biết, bệnh cũng có thể lây qua các vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết hoặc có mầm bệnh.


Biểu hiện lợn bị nhiễm virus tả lợn châu Phi.

Virus gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh sẽ chuyển sang thể mãn tính, mang virus suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm này đã có 7 tỉnh bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy hơn 4.200 con lợn.

Trước thông tin trên, rất nhiều người dân không khỏi lo lắng, vội vàng tẩy chay thịt lợn vì lo lắng ăn phải lợn nhiễm bệnh, ảnh hưởng sức khoẻ.

Tuy nhiên PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: "Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn”.

PGS Phu giải thích thêm, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn.

"Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người", ông Phu thông tin.

Virus tả lợn Châu Phi sống được rất lâu ở môi trường bình thường. Virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày...

Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém. Theo nghiên cứu của tạp chí Vi sinh học Thú y (Veterinary Microbiology - Thụy Sĩ), virus này tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.

Dù lợn bị nhiễm bệnh tả Châu Phi không có khả năng lây sang người, song các chuyên gia thú y cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng...

Đặc biệt, với bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái sống, tiết canh.

Khi nhiễm những vi khuẩn liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hoá, nhiễm trùng máu, viêm não, viêm màng não, suy đa tạng... Bệnh nhân sẽ phải lọc máu, thở máy, hồi sức liên tục... với chi phí điều trị cao và nguy cơ để lại di chứng rất lớn.

Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...


Theo Vietnamnet

Các tin khác


Quản lý cai nghiện cho 441 lượt người

(HBĐT) - Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay, các cơ sở cai nghiện đã quản lý cai nghiện cho 441 lượt người nghiện, trong đó 376 người cai nghiện bắt buộc, 65 người cai nghiện tự nguyện.

Hợp tác thử nghiệm lâm sàng thủy tinh thể do Việt Nam sản xuất

Sáng 28-2, Bệnh viện Mắt T.Ư, Công ty TNHH Tư vấn nghiên cứu VIETSTAR ký kết hợp tác thực hiện thử nghiệm lâm sàng thủy tinh thể nhân tạo được sản xuất trong nước. Thủy tinh thể là sản phẩm công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nhà máy thiết bị và Vật liệu sinh học (MEDEP).

Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân

(HBĐT) - Ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho hội nghị căn dặn 3 điều: Thật thà, đoàn kết; thương yêu người bệnh; y học cần dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng. Trong đó, Bác dặn cán bộ y tế: "Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ chung cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu". Từ ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, từ năm 1985, ngày 27/2 được chọn là Ngày thầy thuốc Việt Nam.

Chung tay nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống người Việt Nam

Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2-9-2018 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Chương trình được triển khai nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành và các tổ chức xã hội trong thực hiện tốt các biện pháp nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Chủ động phòng, chống bệnh sởi

(HBĐT) - Bệnh sởi đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Toàn quốc đã có 43 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi. Tỉnh Hòa Bình cũng đã có trường hợp dương tính với bệnh sởi.

Tăng cường quản lý hành nghề y, dược tư nhân

(HBĐT) - Hệ thống hành nghề y, dược tư nhân có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, góp phần giảm quá tải trong hệ thống y tế Nhà nước, tạo thuận lợi trong việc dự phòng, điều trị dự phòng và hiệu quả kinh tế cho người dân trong cộng đồng. Thời gian qua, Sở Y tế với chức năng, nhiệm vụ được giao đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân, giúp nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời quản lý, tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục