Anh Đinh Thanh Ba, xã Thượng Tiến cho biết: Trước đây, tôi nghĩ việc chăm sóc con là việc của các bà mẹ. Do điều kiện kinh tế hạn hẹp, nên việc chăm sóc con cái ít được quan tâm, trẻ biếng ăn, ăn uống tùy ý nên thiếu dinh dưỡng.Thông qua hoạt động dự án, tôi và nhiều ông bố khác được học tập thêm kiến thức về chăm sóc gia đình, chế biến món ăn từ những thực phẩm sẵn có ở địa phương như tôm,cua, cá. Việc chế biến thức ăn đa dạng nên trẻ ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng. Tôi còn hướng dẫn vợ nấu 4 nhóm thực phẩm cho gia đình. Đây là dự án hữu ích nâng cao nhận thức của cộng đồng và kỹ năng chăm sóc trẻ cho những người làm bố như tôi.
Cán bộ Trạm y tế xã Kim Truy (Kim Bôi) khám và tư vấn kiến thức chăm sóc trẻ cho các bà mẹ nuôi con nhỏ trên địa bàn.
Trong 3 năm (2016 - 2019), dự án "Công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng đối với bà mẹ và trẻ em miền núi” được triển khai tại huyện Kim Bôi. Dự án đã tập huấn kiến thức và thực hành giảng viên cấp tỉnh, cán bộ Trung tâm Y tế huyện, xã; tập huấn cấp cứu, khám, điều trị các nhiễm khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục, khám xử trí các bất thường trong thai nghén, chuyển dạ và sinh đẻ; tập huấn cho y tá thôn, bản về kiến thức chuyên môn, quy trình và cách sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em; hỗ trợ và giám sát định kỳ việc áp dụng sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ, trẻ em tại trạm y tế và thôn, bản cho trên 3.000 người; tổ chức tọa đàm kiến thức chăm sóc sức khoẻ trẻ em cho các ông bố và người chăm sóc trẻ cho 880 người; tổ chức chiến dịch khám, chữa bệnh cho 1.760 trẻ từ 0 - 5 tuổi; khám, chữa bệnh và tư vấn dinh dưỡng trẻ em tại phòng khám thân thiện và tư vấn dinh dưỡng cho 3.320 người.
Chị Trần Thị Hường, Trưởng trạm y tế xã Đú Sáng cho biết: Là trạm xa trung tâm huyện nên thường xuyên tiếp nhận những ca cấp cứu. Trước đây, mọi người rất lúng túng bởi xử lý nhiều tình huống khác nhau. Tuy nhiên, sau khi được dự án đào tạo, cán bộ trạm biết từng bước làm gì và phối hợp nhịp nhàng với nhau hiệu quả. Chị Bùi Thị Diện, trạm y tế xã Thượng Tiến chia sẻ: Trước đây,khi phụ nữ hỏi cần tiêm phòng những loại vắc xin gì trước khi mang thai và trong thời kỳ thai nghén, nếu bị sởi có nên phá thai hay không? Tôi khá lúng túng khi trả lời, sau khi được dự án tập huấn,tôi có thể tự tin tư vấn khi gặp các câu hỏi như vậy.
Kết quả đánh giá cho thấy, sự tham gia của người dân vào các hoạt động dự án đạt trên 90%; tỷ lệ người tìm hiểu và sử dụng sổ hồ sơ theo dõi sự phát triển của trẻ tăng cao; 95% trẻ đến khám phát hiện vấn đề về sức khoẻ, 100% trẻ bị bệnh cấp tính được điều trị kịp thời. Bằng phương thức "cầm tay chỉ việc”, dự án đã có những tác động tích cực làm thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân trong vùng dự án. Đội ngũ cán bộ y tế, nhân dân trong vùng dự án có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với phương pháp làm việc khoa học, kiến thức hữu ích về công tác chăm sóc sức khỏe.
Việt Lâm