Ngày 15-2, đoàn công tác của Bộ Y tế, do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn, đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (Covid-19) gây ra, ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế thường trực tại huyện Bình Xuyên, cho biết, đến nay toàn xã Sơn Lôi của huyện Bình Xuyên ("tâm dịch” của huyện, với 10.600 dân, gồm 6 thôn) đã được ngành y tế lập danh sách đến từng hộ. Ở huyện Bình Xuyên, Covid-19 đã lây tại cộng đồng, có thể người mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh nên thời gian tới có thể phát hiện ca mắc mới. Điều đó là bình thường nên phải khoanh dịch tại Sơn Lôi, không lan sang các vùng khác.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), để đảm bảo công tác y tế cho người dân tại khu vực cách ly (xã Sơn Lôi), tổ công tác của bộ đã thiết lập khu khám bệnh riêng với những trường hợp mắc bệnh khác. Tại đây luôn có 2 xe cấp cứu ứng trực vận chuyển những trường hợp này khi cần chuyển viện, một xe chuyển ca nghi ngờ mắc Covid-19.
Ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, cho biết, 4 xã Quất Lưu, Sơn Lôi, Gia Khánh, Thiện Kế hiện có ca dương tính với Covid-19. Do đó, huyện và các đơn vị y tế tiếp tục tăng cường rà soát trường hợp tiếp xúc gần. Hiện có 102 người được cách ly tập trung tại trường quân sự tỉnh, 131 người được cách ly tại nhà, 41 người được cách ly ở Phòng khám đa khoa Quang Hà.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Lôi, cho biết, đến nay, tất cả thôn đã thành lập đội chống dịch, rà soát đến từng gia đình. Vừa tuyên truyền phòng chống dịch cho nhân dân, vừa thực hiện kiểm tra sức khỏe, đo nhiệt độ cho người dân, nếu có biểu hiện ho, sốt báo cáo cho ngành y tế hàng ngày…
Lực lượng chức năng liên ngành ở Vĩnh Phúc lập chốt ngăn chặn dịch bệnh Covid-19
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tổ công tác được tăng cường cho Vĩnh Phúc và địa phương phải làm tốt khoanh vùng ổ dịch, tuyên truyền đến người dân hiểu về dịch bệnh, thực hiện tốt công tác giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, qua đó sớm phát hiện các ca bệnh.
Theo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc và chính quyền huyện Bình Xuyên đã trực tiếp làm việc với một số doanh nghiệp, nhà phân phối sản xuất, cung ứng thực phẩm, đề nghị các đơn vị tích cực phối hợp cung ứng nguồn hàng hóa cho các đại lý, tiểu thương ở xã Sơn Lôi nhằm đảm bảo khoanh vùng cách ly nhưng phải ổn định đời sống người dân.
Theo lãnh đạo huyện Bình Xuyên, qua công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình thị trường ở xã Sơn Lôi cho thấy, các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, nhu yếu phẩm ở các địa điểm cung ứng trên địa bàn hiện nay vẫn đảm bảo, không có tình trạng khan hàng, sốt giá.
* Quảng Nam cách ly 4 người đến từ Vĩnh Phúc
Ngày 15-2, UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết, địa phương đang cách ly tại chỗ 4 người từ tỉnh Vĩnh Phúc đến tạm trú tại nhà dân ở xã Điện Thắng Bắc. Những người này gồm N.Đ.Q. (36 tuổi, trú xã Yên Tử, huyện Sông Lô); L.Đ.Â. (34 tuổi, trú xã Trực Đề, huyện Lập Thạch); N.K.T. (33 tuổi) và N.M.T. (33 tuổi) - cùng trú xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch.
UBND thị xã Điện Bàn đã thành lập đoàn giám sát tại gia đình ông Nguyễn Hồng Minh (nơi 4 người đến đây tạm trú). Địa phương cũng phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại nhà ông Minh.
Cùng ngày, Cảng vụ Hàng không miền Trung phối hợp với Vietnam Airlines đưa 47 hành khách Trung Quốc về nước. Đây là những công dân Trung Quốc đến Đà Nẵng trong thời gian qua và mong muốn về nước trong thời điểm này. Chuyến bay khởi hành từ sân bay Đà Nẵng ra sân bay Nội Bài (lấy thêm khách Trung Quốc) trước khi bay thẳng sang Trung Quốc. Các hành khách này sẽ được kiểm tra thân nhiệt trước khi làm thủ tục xuất cảnh và áp dụng các biện pháp ưu tiên khi làm các thủ tục liên quan.
Theo Bộ Y tế, tới cuối giờ chiều 15-2, cả nước vẫn ghi nhận 16 người dương tính với Covid-19, trong đó Vĩnh Phúc có 11 trường hợp, TPHCM 3 trường hợp, Khánh Hòa và Thanh Hóa mỗi địa phương có 1 trường hợp. Tới nay đã có 7 người mắc Covid-19 tại Việt Nam được điều trị khỏi bệnh và xuất viện.
Theo SGGP
(HBĐT) - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Nguyên nhân do cơ quan hô hấp tiếp xúc với các loại khí độc hại, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào, ô nhiễm không khí và khói từ chất đốt là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tử vong trên toàn thế giới, dẫn đến gánh nặng kinh tế xã hội ngày càng gia tăng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, bệnh nhân Li Ding có thể coi là ca nhiễm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19) nặng nhất vì bệnh nhân lớn tuổi, có rất nhiều bệnh nền. Bệnh nhân nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao trong khi chưa hề có thuốc đặc trị.
Ngày 11/2/2020, nhằm động viên kịp thời các bác sĩ trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV), Bộ Y tế đã trao bằng khen cho 4 tập thể và 3 cá nhân thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đã có thành tích trong việc đón 30 công dân Việt Nam từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, về nước.
(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế tính đến 12h ngày 11/2/2020, trên thế giới đã có 43.102 người nhiễm vi rút Corona, 1.018 người tử vong, 4.044 người bình phục. Tại Việt Nam, hiện có 64 người nghi nhiễm, 15 ca nhiễm, 6 người bình phục, 789 người đã xét nghiệm có kết quả âm tính với vi rút Corona. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tính đến 17h, ngày 11/2 có 8 trường hợp nghi nhiễm đã được xuất viện; trong đó 6 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính, 2 trường hợp qua yếu tố dịch tễ và lâm sàng hiện tại đều không nghĩ đến nhiễm nCoV nên đã cho xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
(HBĐT) - Những ngày qua, diễn biến thời tiết rét hại kéo dài, ẩm độ trong môi trường cao là yếu tố thuận lợi để các loại dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm. Người chăn nuôi cần hết sức đề phòng đối với một số dịch bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại kinh tế hộ như bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng đối với trâu, bò, bệnh cúm, niu-cát-xơn đối với gia cầm. Đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hiện chưa được khống chế triệt để.