(HBĐT) - Số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua tăng mạnh với hàng nghìn ca/ngày, nằm trong những địa phương có số ca mắc mới Covid-19 thuộc top cao của cả nước. Tỉnh đang tập trung triển khai các phương án ứng phó với diễn biến phức tạp, trong điều kiện số ca mắc tăng nhanh, cao, nhất là trong bối cảnh mở cửa các hoạt động văn hóa, xã hội, phát triển kinh tế.


Nhiều tổ chức ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phường Dân Chủ (TP Hòa Bình).

Tỷ lệ số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, trong đó các địa phương như: TP Hòa Bình, Lương Sơn, Lạc Sơn, Kim Bôi có số ca mắc mới cao. Nếu như thời gian trước số ca mắc chỉ lác đác thì đến nay đã xuất hiện ở khắp các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học. Nhiều chính quyền địa phương phải áp dụng các biện pháp khẩn dừng hoạt động tập trung đông người, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, bi a, trò chơi điện tử, văn hóa nghệ thuật; cho học sinh nghỉ học trực  tiếp… Số ca mắc mới tăng nhanh cũng đã gây áp lực cho cơ sở y tế cũng như xuất hiện tư tưởng lơ là, chủ quan trong phòng dịch, nhiều hộ có F0 chưa thực hiện nghiêm túc việc điều trị, cách ly tại nhà; nhiều trường hợp F1 vẫn tự do đi lại, làm việc, sinh hoạt, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí… Rất nhiều trường hợp không xác định rõ nguồn lây. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh thuộc nhóm tuổi lao động, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin trở lên nên triệu chứng thường nhẹ hoặc không có biểu hiện bệnh. Chính điều này đã gây tâm lý chủ quan, góp phần làm lây lan ca mắc mới trong cộng đồng.

Đồng chí Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Số ca mắc tăng cao sẽ dẫn đến số ca nặng và nguy kịch phải nhập viện điều trị tăng, làm quá tải hệ thống y tế và công tác phòng, chống dịch (PCD) toàn tỉnh nói chung; trong khi đó khả năng đáp ứng nhu cầu hồi sức cấp cứu tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ tử vong do Covid-19 nói riêng và các bệnh khác sẽ tăng cao. Hiện nay, tại hầu hết các địa phương trong tỉnh xảy ra tình trạng thiếu vật tư PCD, đặc biệt thiếu kít test xét nghiệm nhanh để sàng lọc, chẩn đoán, phát hiện người mắc Covid-19 tại các cơ sở y tế tuyến xã. Nhân lực y tế tham gia PCD rất mỏng, nhất là tuyến y tế cơ sở đã thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài, với cường độ làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại cao, địa bàn rộng, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trong cùng thời gian, thời điểm, không có thời gian nghỉ bù, dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế PCD từ cấp tỉnh đến cấp xã, thôn, bản. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế. Vẫn còn một số địa phương triển khai chưa quyết liệt, đồng bộ, vẫn có địa phương chưa thực sự vào cuộc thường xuyên, liên tục trong triển khai hoạt động tiêm chủng. Số liệu thống kê cho thấy, có đến trên 90% người tử vong đều có bệnh nền, trong đó nhiều người chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin. Công tác thu gom, quản lý rác thải đối với các trường hợp F0, F1 tại nhà hiện rất khó khăn, nhiều địa phương không có, không bố trí đơn vị thu gom rác, không có phương tiện vận chuyển, điểm thu gom rác và xử lý rác thải của các trường hợp cách ly vẫn được quản lý cùng với rác thải thông thường.

Các ngành chức năng đang tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai giải pháp cấp bách các phương án, kịch bản ứng phó  trong điều kiện bệnh lây lan nhanh và rộng hơn, giảm thiểu tử vong do mắc Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường theo chỉ đạo của T.Ư.

Tại cuộc họp bàn giải pháp PCD trong thời gian tới, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong điều kiện mới, thích ứng an toàn, linh hoạt; đảm bảo lưu thông hàng hóa; kích cầu du lịch nội địa; đưa học sinh, sinh viên đến trường và hoàn thành tốt kế hoạch năm học 2021 - 2022… Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để tổ chức các hoạt động PCD Covid-19 đúng quy định và phù hợp thực tế hơn.

Tiếp tục tổ chức chương trình tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương khẩn trương rà soát, phân tích rõ số liệu người dân chưa tiêm vắc xin để có biện pháp cụ thể, tăng tối đa tỷ lệ bao phủ vắc xin cho các đối tượng trên từng địa bàn. Ngành y tế có giải pháp cụ thể bảo vệ, chăm sóc số người không đủ điều kiện tiêm vắc xin; đề xuất chế tài quản lý riêng đối với người đủ điều kiện mà không chịu tiêm vắc xin…

Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp điều trị người bệnh Covid-19 tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tử vong. Tập trung cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-9 nặng, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế tối đa người bệnh Covid-19 tử vong. Có phương án tăng cường nhân lực cho trạm y tế lưu động đảm bảo hỗ trợ mọi người dân mắc Covid-19. Quản lý tốt thị trường cung cấp thuốc, hàng hóa thiết yếu phục vụ PCD; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, nhà thuốc bán thuốc điều trị cho người bệnh Covid-19 (F0, F1) không có đơn thuốc của bác sỹ chuyên khoa, cung cấp hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Các cấp, các ngành, địa phương làm tốt công tác quản lý cách ly điều trị F0, F1 tại địa phương, tại nhà; thực hiện "5K", khai báo y tế… Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức của người dân, tích cực tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Khuyến cáo người bệnh Covid-19 (F0) thể nhẹ điều trị tại nhà nên tự trang bị một số thuốc thiết yếu được phép sử dụng, tránh tâm lý hoang mang, không tự mua thuốc tại các nhà thuốc, trên mạng xã hội… khi không có chỉ định của bác sỹ điều trị chuyên khoa… Triển khai xử lý rác thải y tế và xử lý thi hài người tử vong do Covid-19 theo quy định, phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

 L.C

Các tin khác


Việt Nam sẽ tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA

Ngày 23/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức buổi họp báo, trong đó công bố thêm 5 nước gồm Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia và Việt Nam được lựa chọn tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA theo sáng kiến của Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA được WHO thành lập tại Nam Phi.

Ngày 24/2, Việt Nam có 69.128 ca mắc mới COVID-19; đợt dịch thứ tư đã có trên 3 triệu ca bệnh

Tính từ 16 giờ ngày 23/2 đến 16 giờ ngày 24/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 69.128 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh là các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó.

Ngày 24/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 2.391 trường hợp mắc Covid-19

(HBĐT) - Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến 16 giờ ngày 24/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 2.391 trường hợp mắc Covid-19.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt việc găm hàng, tăng giá bộ xét nghiệm, máy SpO2

Bộ Y tế vừa ban hành văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 

(HBĐT) - Sáng 24/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022). 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục