TS.BS Nguyễn Hữu Quân - Trưởng đơn vị Hồi sức A9, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, can thiệp dinh dưỡng là liệu pháp điều trị thực hiện bởi các chuyên gia dinh dưỡng được đào tạo.

Bài viết của TS.BS Nguyễn Hữu Quân - Trưởng đơn vị Hồi sức A9, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai.

Cách đây vài tháng, tôi có nhận được cuộc gọi từ người nhà nói muốn xin vào Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai vì điều trị tại tuyến dưới không khỏi. Khi bệnh nhân lên Trung tâm Cấp cứu A9, tôi vô cùng sửng sốt không nhận ra anh.

Trước đó, anh là một người khỏe mạnh, người khá cơ bắp và hay tập thể thao cùng tôi mỗi khi tôi về quê. Tuy nhiên, giờ anh suy kiệt, người bị phù, cơ teo tóp, thở thoi thóp qua ống nội khí quản, cân nặng từ 54 kg sụt xuống còn 45 kg.

Trò chuyện với vợ anh, chị cho biết, trong gần 2 tuần nằm viện, gia đình mua cháo, sữa cho anh ăn, thỉnh thoảng có tự nấu cháo thịt ăn cho "an toàn". Khi tôi hỏi ăn như thế nào, bao nhiêu thì vợ anh không nắm rõ. Nhận định đây là trường hợp khó cai thở máy do suy dinh dưỡng nặng, yếu cơ, chúng tôi cho chuyên gia dinh dưỡng hội chẩn.

Rất may hệ thống tiêu hóa của bệnh nhân còn tốt nên chúng tôi cấp chế độ ăn súp xay từ những nguồn thông thường như: thịt, trứng, rau, bí ngô, đậu…. nhưng tính toán để đảm bảo đủ các thành phần protid, glucid, lipid, khoáng chất...

Kết quả, bệnh nhân dung nạp tốt, sức cơ khỏe rất nhanh, sau 5 ngày đã cai được thở máy và sau 1 tuần đã tăng 3 kg.


Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân hôn mê ở Khoa Hồi sức A9, Bệnh viện Bạch Mai.

Thực tế, vấn đề can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân nằm viện ở Việt Nam và trên thế giới chưa được quan tâm đúng mức. Tỉ lệ suy dinh dưỡng trong khi bệnh nhân nằm viện vẫn rất cao.

Theo số liệu từ Hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng châu Âu (ESPEN), tỉ lệ suy dinh dưỡng cho bệnh nhân nằm viện lên tới 31,7%, còn Hiệp hội dinh dưỡng Hoa Kỳ, tỉ lệ này lên tới 50%.

Tại Việt Nam, TS.BS Lưu Ngân Tâm - Chủ tịch Hội nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa Việt Nam (VietSPEN) cho biết, ở các bệnh viện Việt Nam, tỉ lệ suy dinh dưỡng chung lên tới 40-50%.

Thực tế cho thấy, suy dinh dưỡng trong cộng đồng đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thể chất của người Việt Nam. Tuy nhiên, suy dinh dưỡng trong bệnh viện còn trầm trọng hơn rất nhiều. Suy dinh dưỡng trong nhóm bệnh nhân nằm viện làm tăng tỉ lệ tử vong và biến chứng liên quan như: viêm phổi bệnh viện, lâu lành vết thương, suy giảm sức đề kháng, tăng gánh nặng điều trị cho gia đình cũng như bảo hiểm y tế.

Từ những gì tôi - một bác sĩ hồi sức - trải nghiệm thấy rất rõ các bệnh nhân nếu được can thiệp dinh dưỡng tốt thì hồi phục nhanh, cai máy thở sớm.

Quay trở lại với thực tế, câu hỏi đặt ra là: Can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân nằm viện thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Theo ý kiến riêng của tôi, có lẽ ở hầu hết các bệnh viện còn đang thả nổi vấn đề này, chưa quan tâm đúng mức.

Tâm lý chung của người Việt Nam là khi người nhà ốm sẽ tự tay nấu nướng, tự cho ăn. Bệnh viện quá đông, thiếu nhân viên y tế nên vấn đề ăn uống dinh dưỡng gần như phó mặc cho người nhà. Ở bệnh viện tuyến trung ương vấn đề phức tạp hơn do người nhà cũng đi ở thuê, không tự nấu nướng nên mua thức ăn tại các hàng quán bên ngoài bệnh viện. Do không biết kiến thức về dinh dưỡng nên gần như người nhà không biết thế nào là đủ và đảm bảo dinh dưỡng.

Việc mua thức ăn ngoài bệnh viện dẫn tới không đảm bảo chất lượng, đồ vệ sinh dễ nhiễm khuẩn. Đặc biệt nếu người nhà bệnh nhân có bệnh lý nền phối hợp như: đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mãn, bệnh thận mãn, … thì khó có thể đảm bảo được đúng các nhu cầu chuyên môn chất lượng dinh dưỡng. Hậu quả dẫn tới suy dinh dưỡng trong bệnh viện, tăng nguy cơ biến chứng.

Theo các thông tư hướng dẫn hiện nay thì dinh dưỡng cho người bệnh tại các bệnh viện chỉ dừng lại ở mức hướng dẫn hoặc tư vấn trong khi trên thực tế đây thực sự là một ngành khoa học. Can thiệp dinh dưỡng đã và đang được thực hiện, là liệu pháp điều trị thực hiện bởi các chuyên gia dinh dưỡng được đào tạo.

Theo như tôi biết, tại Hoa Kỳ, dinh dưỡng đã được coi là biện pháp điều trị được chi trả bảo hiểm. Các bệnh nhân nằm viện đều được chỉ định chế độ ăn do bệnh viện cung cấp.

Chính vì vậy, theo tôi, thực sự đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận quản lý hỗ trợ dinh dưỡng trong bệnh viện một cách nghiêm túc và chặt chẽ. Mọi bệnh nhân khi nhập viện do các bệnh lý khác nhau từ nhẹ là nằm tại các khoa phòng tới các bệnh nhân nặng nằm tại các khoa Hồi sức, hậu phẫu đều phải được sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng, chẩn đoán, chỉ định và cung cấp chế độ ăn phù hợp tình trạng bệnh lý và tình trạng dinh dưỡng do bệnh viện quản lý.

Theo đó, bệnh viện mà trực tiếp là khoa, trung tâm dinh dưỡng, bếp ăn tiết chế thực hiện chế biến, pha chế chế độ ăn từ thực phẩm thông thường và phải theo chỉ định, giám sát của chuyên môn để đủ chất lượng, theo đúng nhu cầu bệnh lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu đã là bệnh nhân nằm viện phải sử dụng chế độ ăn do bệnh viện cung cấp. Các bệnh nhân này sẽ được các chuyên gia dinh dưỡng theo dõi sự đáp ứng về dinh dưỡng và xử lý các vấn đề phát sinh liên quan tới thực phẩm như: kém dung nạp thức ăn, dị ứng, rối loạn tiêu hóa...

Có như vậy, tình trạng suy dinh dưỡng trong bệnh viện mới được cải thiện, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục