Cán bộ trạm y tế thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) truyền thông phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn vẫn tái diễn trong vùng ĐBDTTS và miền núi là do các chính sách hiện nay phần lớn ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất mà chưa chú trọng nhiều vấn đề thông tin, giáo dục định hướng. Trong khi đó, sự can thiệp, tác động, các chế tài đối với những trường hợp tảo hôn và HNCHT (TH&HNCHT) còn đôi lúc sao nhãng, thiếu kiên quyết. Mặt khác, ảnh hưởng của phong tục tập quán và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân vẫn còn tồn tại, dẫn đến nhiều gia đình dựng vợ gả chồng cho con khi chưa đến tuổi kết hôn. Mấy năm gần đây, nổi lên vấn đề quản lý con em của phụ huynh chưa được quan tâm đúng mức, nhiều gia đình có sự buông lỏng con cái. Bên cạnh đó, công tác quản lý học sinh, sự liên hệ giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ; sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu nhận thức và kinh nghiệm giới tính… đã ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, nên xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn.
Trước thực trạng đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án, phê duyệt mô hình điểm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí tập trung thực hiện việc lồng ghép, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền và người dân về vấn đề TH&HNCHT. Song song với hoạt động tuyên truyền, tỉnh xây dựng 11 mô hình điểm thực hiện đề án trên địa bàn 10 xã và trường PTDTNT THCS&THPT B huyện Mai Châu. Tính đến nay, đã mở 8 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 396 lượt người tham gia; tổ chức 29 cuộc truyền thông cho 2.525 người tham dự. Cung cấp 11.120 cuốn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TH&HNCHT, cấp phát 3.890 tờ rơi, lắp đặt 50 pano, cụm pano tại những nơi công cộng. Tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho 700 lượt người với 13 mô hình nhóm nòng cốt tại 10 xã và 2 trường PT DTNT. Tổ chức 4 buổi sinh hoạt ngoại khoá; hỗ trợ thực hiện 593 buổi truyền thanh tại trường học và các xã thực hiện mô hình; tổ chức 4 cuộc thi viết, sân khấu hóa về nội dung phòng, chống nạn TH&HNCHT tại 2 trường PT DTNT.
Sau hơn 4 năm triển khai đề án đã góp phần tích cực ngăn chặn, đẩy lùi TH&HNCHT, cơ bản không còn tình trạng TH&HNCHT trong vùng ĐBDTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng ĐBDTTS. Số trường hợp TH&HNCHT giảm dần theo từng năm, từ 500 trường hợp tảo hôn và 5 cặp kết hôn cận huyết thống năm 2015 giảm còn 223 trường hợp tảo hôn, không có cặp HNCHT năm 2021. 100% cán bộ, công chức cấp xã, thôn, bản vùng DTTS, miền núi; người có uy tín; cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp được cung cấp thông tin pháp luật liên quan trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; 100% học sinh các trường PT DTNT được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân, tác hại của TH&HNCHT, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc ĐBDTTS cùng sinh sống, địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn, giao thông cách trở, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, phong tục tập quán cũng khác nhau, dân trí còn hạn chế đã ảnh hưởng đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống TH&HNCHT. Việc quản lý đăng ký kết hôn tại một số địa phương còn hạn chế; nhiều địa phương chưa kiên quyết trong việc xử lý trường hợp tảo hôn trên địa bàn mình quản lý; công tác xử phạt khi phát hiện tảo hôn tại cơ sở còn nhiều lúng túng, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cấp có thẩm quyền; các trường hợp tảo hôn không đăng ký kết hôn, các trường hợp xảy ra tảo hôn hầu hết là hộ nghèo, khó áp dụng các chế tài.
Đồng chí Đỗ Duy Sâm, Trưởng phòng Tuyên truyền và địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp các sở, ngành nhân rộng địa bàn thực hiện đề án, nhận diện các đối tượng có ảnh hưởng hoặc có tác động quan trọng để tập huấn chuyên sâu, đào tạo trở thành nòng cốt của đề án ở cơ sở. Tăng cường tuyên truyền, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào về TH&HNCHT; kể cả thực hiện các các chế tài để giáo dục, răn đe việc vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Đinh Hòa