Liên quan đến lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chi phí quản lý và chi phí khấu hao theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công, Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ đã xây dựng lộ trình cụ thể và đề xuất trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo hướng, đến năm 2023, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.


Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội). Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN
   
Đến năm 2024, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Từ năm 2025 trở đi, từng bước kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Dự thảo đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định để hoàn thiện trình Chính phủ ban hành.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp; theo đó giá dịch vụ này được tính đủ 4 yếu tố chi phí. Mặc dù đối tượng áp dụng là với người bệnh sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, nhưng là một bước tiến trong thực hiện lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.

Về việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, giá dịch khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế đang thực hiện theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/người/tháng. Bộ đã xây dựng các thông tư theo quy định và thực hiện việc đánh giá tác động ban hành thông tư. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng là một bước trong quá trình thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế đã phối hợp cùng Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan đề xuất không thay đổi cơ cấu giá khám bệnh, chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng. Đồng thời, thực hiện rà soát bổ sung giá của một số dịch vụ như: thanh toán dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây tê, rà soát một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có vướng mắc trong quá trình thanh toán chi phí khám, chữa bệnh....

Về tác động tới Quỹ Bảo hiểm y tế, theo Bộ Y tế, nếu thực hiện điều chỉnh tiền lương kết cấu vào giá theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng, tỷ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là 5%, chi Quỹ Bảo hiểm y tế tăng khoảng 2.700 tỷ đồng/năm. Việc điều chỉnh tiền lương đã thực hiện từ 1/7/2023, theo đó số thu Quỹ bảo hiểm y tế cũng tăng đồng thời. Căn cứ số liệu tại Báo cáo 352/BC-CP của Chính phủ về kết quả quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2021, nếu điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng, Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn có khả năng cân đối.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, ước tính việc áp dụng mức lương cơ sở mới sẽ làm cho CPI bình quân cả nước năm 2023 tăng khoảng 0,16 - 0,25 điểm phần trăm. Tổng cục Thống kê đã đưa ra các kịch bản, theo đó, nếu điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh, CPI vẫn trong khả năng cho phép.

Bộ Y tế khẳng định, điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng cơ bản không ảnh hưởng đến người dân. Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ bảo hiểm y tế, khi đi khám, chữa bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán 100% nên không bị ảnh hưởng.

Đối với người cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 5% nên mức độ tác động không đáng kể. Các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì chỉ chi trả tăng thêm đối với phần thanh toán theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tiền thuốc, vật tư thanh toán theo thực tế sử dụng không bị thay đổi.

Với đối tượng không tham gia bảo hiểm y tế (khoảng 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế), chỉ ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ ( 46,5% trong tổng chi khám, chữa bệnh). Bộ Y tế đã thực hiện lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ về dự thảo thông tư.

Mặt khác, với người tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm liên tục trở lên đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương 1,8 triệu đồng tạo điều kiện cho các trường hợp này được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hơn khi thực hiện mức giá theo dự thảo thông tư.

Đối với cơ sở y tế, tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng được thực hiện từ 1/7/2023, khi thông tư có hiệu lực đã chậm hơn so với thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở. Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã phải sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi trả trong thời gian chưa thực hiện thu theo mức giá tại thông tư nhất là các đơn vị Nhóm 1, Nhóm 2 không được ngân sách nhà nước cấp bù mà phải tự bảo đảm nguồn chi trả.

Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và tiến hành đánh giá tác động, nhất là lạm phát, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái  bày tỏ không hài lòng khi lương cơ bản đã tăng từ 1/7/2023 trong khi thông tư chưa được ban hành là quá chậm. "Cơ cấu chi phí tăng, giá dịch vụ tịnh tiến tăng là điều bình thường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Theo TTXVN

Các tin khác


94,81% người bệnh nội trú hài lòng với bệnh viện công lập tại Hà Nội

Để đánh giá sự hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú đối với ngành Ytế Hà Nội, trong Quý III/2023, Sở Y tế Hà Nội đã tổng hợp số liệu từ 47 bệnh viện (21 bệnh viện công lập và 26 bệnh viện ngoài công lập) tham gia khảo sát, đánh giá về hài lòng người bệnh. Kết quả cho thấy, tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh nội trú là 96,96%, ngoại trú là 95,97%. Điểm trung bình hài lòng của bệnh nhân nội trú là 4,5 và ngoại trú là 4,44.

Phối hợp liên viện cứu sống thai phụ suy tim, tăng áp động mạch phổi nặng

Đối diện với nguy cơ đột tử do mắc bệnh tim mạch, một sản phụ mang thai 31 tuần tuổi vừa được Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) phối hợp với Bệnh viện Tim Tâm Đức thực hiện ca mổ khẩn để kịp cứu sống cả mẹ và con.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề y dược tư nhân

Những năm gần đây, mạng lưới các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dịch vụ spa chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện trên địa bàn tỉnh phát triển với nhiều dịch vụ đa dạng.

Thay đổi phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới

(HBĐT) - Từ ngày 20/10, Covid-19 được điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A chuyển sang nhóm B. Theo đó, các chính sách của người bệnh và người tham gia chống dịch Covid-19 có sự thay đổi so với trước đây.

Tổ chức Orbis cấp kính và truyền thông chăm sóc mắt tại huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Trong 2 ngày (31/10 và 1/11), tại xã Mường Chiềng (Đà Bắc), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phố phối hợp Tổ chức Orbis tổ chức lễ cấp kính và truyền thông về chăm sóc mắt tại Trường Dân tộc nội trú THCS B Đà Bắc. Đồng thời, khám sàng lọc, xác định tật khúc xạ, phát hiện sớm các bệnh về mắt tại Trường THPT Mường Chiềng và Trường TH và THCS Triệu Phúc Lịch, xã Toàn Sơn.

Khuyến khích thực hiện 2K để bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và gia đình

Bộ Y tế đã có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thuộc nhóm B.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục