Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2013 - 2017, trên địa bàn tỉnh có hơn 10.000 người bị chó nghi dại cắn, khiến 16 người tử vong. Giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh ghi nhận 6 ổ dịch với 7 ca tử vong vì bệnh dại. Nếu như trong 2 năm 2021 - 2022 không có những cái chết thương tâm vì căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này thì 2 năm gần đây, số người tử vong vì dại có xu hướng tăng. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Lạc Sơn. Đến năm 2024, con số này tăng lên 3 trường hợp. Đáng chú ý, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận 12 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 9/63 tỉnh, thành phố, cho thấy tình hình bệnh dại vẫn diễn biến phức tạp.
Một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh dại tồn tại là do tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó, mèo còn thấp. Những năm gần đây, đàn chó trên địa bàn tỉnh dao động trên dưới 120 nghìn con. Chó chủ yếu được nuôi để làm cảnh, trông giữ nhà. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ dân chưa chú trọng tiêm phòng dại cho vật nuôi nên kết quả tiêm phòng không đạt yêu cầu. Như năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó đạt dưới 50% tổng đàn, năm 2024 tăng lên khoảng 60%.
Trong bối cảnh nhiều địa phương tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp thì tại xã Thanh Hối (Tân Lạc), nhiều năm qua công tác tiêm vắc xin dại được triển khai hiệu quả. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND xã xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với trưởng xóm để thống kê chính xác số lượng chó, mèo, đảm bảo tất cả vật nuôi đều được tiêm phòng đầy đủ. Ngoài các đợt tiêm chính, xã còn tổ chức tiêm vét cho những con mới sinh sản hoặc chưa được tiêm trong đợt đầu.
Bà Nguyễn Thị Tâm, cán bộ thú y xã Thanh Hối cho biết: "Trước mỗi đợt tiêm, chúng tôi tuyên truyền qua nhiều kênh khác nhau, từ ban quản lý xóm đến mạng xã hội để người dân nắm được lịch tiêm. Việc tiêm phòng tổ chức tại các điểm tiêm tập trung, bà con sẽ mang chó đến để tiêm. Do đó, tỷ lệ tiêm phòng của Thanh Hối luôn đạt cao”.
Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, nhiều người dân tại Thanh Hối cũng ý thức được tầm quan trọng của tiêm phòng dại cho vật nuôi. Ông Bùi Văn Minh là người nuôi chó lâu năm chia sẻ: "Tôi nuôi hai con chó và luôn chấp hành nghiêm túc việc tiêm phòng. Tôi hiểu rằng bệnh dại rất nguy hiểm, có thể cướp đi sinh mạng con người. Vì vậy không chỉ tiêm phòng đầy đủ, tôi còn chủ động xích nhốt chó để tránh gây nguy hiểm cho hàng xóm”.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin: "Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 12 trường hợp tử vong do bệnh dại, rải rác tại 9 tỉnh, thành phố. Vì vậy, các địa phương cần quyết liệt triển khai công tác tiêm phòng năm 2025. Trong đó, đối với tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo phải đạt 80% trở lên so với tổng đàn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang phối hợp với các địa phương để tuyên truyền sâu rộng, giúp người dân nhận thức rõ về sự nguy hiểm của bệnh dại.
Việc triển khai tiêm vắc xin phòng dại sẽ thực hiện trong tháng 3 - 4. Do đó, người chăn nuôi cần quan tâm tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi của mình, vì đến tháng 5 - 6 - 7, nắng nóng gay gắt là điều kiện virus dại phát triển. Bên cạnh đó, ngành chức năng khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn hoặc cào, người dân cần lập tức đến cơ sở y tế để điều trị phơi nhiễm, tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc dân gian. Bởi khi bệnh dại đã khởi phát triệu chứng, không có phương pháp điều trị nào cứu sống bệnh nhân. Vì một môi trường an toàn, hãy chủ động đưa vật nuôi đi tiêm phòng đúng thời gian quy định để ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này.
Viết Đào