Hiện tại là thời điểm các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp có nguy cơ bùng phát, trong đó có cúm mùa, gồm cúm A và cúm B. Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ, không đi khám sớm. Sau khi bệnh trở nặng mới đến điều trị tại cơ sở y tế, nhiều trường hợp ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.


Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc cúm, trong đó có bệnh nhân mắc cúm mùa biến chứng nặng.

Thời gian qua, số ca mắc cúm gia tăng, nhiều ca biến chứng nặng, phải nhập viện điều trị đặc biệt, thở máy ECMO. Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của số ca mắc cúm A. Từ đầu tháng 1 đến nay, tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị cho trên 200 lượt bệnh nhân, trong đó có 44 ca cúm, riêng từ ngày 6/2 đến nay có 12 ca, bằng 1/4 tổng số ca từ đầu năm. Trong đó chiếm tới 70% số ca là trẻ em, 30% còn lại là bệnh nhân lớn tuổi, người có bệnh nền. Bác sỹ CKII Hà Lê Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: Từ đầu năm đến nay, tại khoa điều trị các ca bệnh biến chứng nặng do mắc cúm mùa. Những bệnh nhân mắc bệnh lý nền, trẻ em mắc bệnh bẩm sinh khi mắc cúm sẽ nặng hơn so với bình thường nên cần duy trì tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm 1 lần…

Để tìm hiểu về bệnh cúm mùa, trao đổi với bác sỹ CKI Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được biết: Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do virus Influenza (cúm) lây nhiễm vào mũi, họng và phổi.

Thời gian ủ bệnh từ 2 - 4 ngày, sau đó sốt cao đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi, không muốn ăn, không muốn làm việc.

Thời gian ủ bệnh từ 2 - 4 ngày, sau đó sốt cao đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi, không muốn ăn, không muốn làm việc. Diễn biến bệnh cúm mùa thường nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng hoặc tử vong ở nhóm người nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch hoặc chưa có đáp ứng miễn dịch… Các triệu chứng của bệnh cúm mùa thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp khác. Để xác định chính xác nguy cơ mắc cúm và điều trị hiệu quả, người dân cần đến cơ sở y tế, bệnh viện khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Cúm mùa có khả năng lây truyền nhanh qua đường hô hấp, qua đường giọt bắn khi nói chuyện, hắt hơi hoặc dùng chung đồ vật với người bệnh. Thậm chí, bệnh có khả năng lây lan trước khi biểu hiện triệu chứng mắc cúm 1 ngày.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo người dân cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh như: tiêm vắc xin cúm, giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người và tránh tiếp xúc với người có triệu chứng cúm để bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ lây nhiễm ngày càng cao. Người nghi ngờ nhiễm cúm cần được cách ly y tế và đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Đối với trường hợp bệnh nhẹ, không có biến chứng, người bệnh có thể không cần thực hiện xét nghiệm hoặc điều trị tại cơ sở y tế. Các bác sỹ sẽ thăm khám và hướng dẫn bệnh nhân điều trị tại nhà với các biện pháp như: Hạ sốt bằng thuốc Paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C (theo chỉ định của bác sỹ); uống nhiều nước, đảm bảo cân bằng chất điện giải; đảm bảo chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Đối với trường hợp cúm có biến chứng, bệnh nhân cần được nhập viện điều trị và theo dõi; dùng các loại thuốc kháng virus. Ở bệnh nhân có suy hô hấp, hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp thở oxy hoặc thông khí nhân tạo. Sử dụng kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn. Khi bệnh nhân hết sốt, hết các triệu chứng (trừ ho), tình trạng sức khỏe ổn định sau 48h có thể xuất viện. Sau xuất viện vẫn nên cách ly y tế tại nhà đến hết 7 ngày, tính từ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Để phòng ngừa cúm hiệu quả, ngành Y tế khuyến cáo: Người dân cần tập thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khi về đến nhà, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Khi hắt hơi, ho, sổ mũi nên dùng khuỷu tay thay vì bàn tay để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác. Thường xuyên vệ sinh nhà ở, nơi làm việc, đảm bảo thông thoáng, đầy đủ ánh sáng. Bảo vệ mũi, họng bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, làm ẩm mũi bằng nước muối sinh lý khi thời tiết khô. Tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và nên bỏ thói quen hút thuốc lá. Khi nghi mắc bệnh cúm cần đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị. Tiêm vắc xin phòng cúm mùa hàng năm là phương pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả nhất.


Hương Lan


Các tin khác


Các chuyên gia đánh giá về thời điểm kết thúc mùa cúm

Với thông tin về số ca mắc cúm tăng mạnh ở nhiều quốc gia, có lẽ khá rõ ràng là chúng ta đang ở giữa mùa cúm.

Bác sĩ hướng dẫn cách nhận biết và phòng cúm A cho trẻ

Bệnh cúm A khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hướng dẫn các dấu hiệu cần lưu ý.

Gia tăng các ca mắc cúm diễn biến nặng

Nhiều người chủ quan không đi khám, bị mắc cúm A diễn biến nặng, khiến phổi tổn thương tới 50%.

Bộ Y tế thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản

Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.

9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình khám cho 1.183 người

Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã khám, cấp cứu cho 1.183 người.

Trên 16.500 trẻ chào đời trong dịp Tết Ất Tỵ

Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các cơ sở y tế đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 16.518 trẻ chào đời; số người bệnh được điều trị khỏi bệnh, ra viện là 200.084 người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục