Bệnh nhân khám bệnh theo BHYT ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Bệnh nhân khám bệnh theo BHYT ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đã qua nửa tháng kể từ ngày Luật BHYT mới được đưa vào “vận hành”, các cấp thẩm quyền từ Bảo hiểm xã hội Trung ương đến địa phương liên tục “xoay” chỉ đạo đến 4-5 văn bản. Thế nhưng, rối rắm vẫn hoàn rắm rối, và đương nhiên thiệt thòi thuộc về người bệnh.

Chờ, chờ và... chờ

Tại BV Chợ Rẫy lúc 10 giờ ngày 11-1, một đoàn cụ già bức xúc kéo nhau tới bàn nhập liệu hồ sơ BHYT để “tố” họ phải đứng cả tiếng đồng hồ mà không thấy số thứ tự nhảy trên bảng điện tử. “Chúng tôi già cả rồi đâu có đủ sức chờ đợi. Trong khi các cửa khác đã lên tới số bảy mươi mấy, mà chúng tôi mang tiếng là cửa ưu tiên vẫn còn ở số 59”, một cụ già thắc mắc.

Chờ đợi suốt gần nửa ngày mới đến lượt khám nhưng khi bước vào phòng số 8, chị N.T.H (ngụ Tây Ninh) không khỏi bức xúc vì bác sĩ nói “khám BHYT thì khám ít ít thôi. Còn gì cần thì về dưới mà khám…”. Chị H. nói cũng muốn khám và điều trị ở tuyến dưới, vừa gần nhà, vừa đỡ mất công, tốn kém… nhưng thuốc dưới đó họ cấp cho uống không hết bệnh, nên phải chạy lên tuyến Trung ương.

Tại BV Ung bướu TPHCM, dù bệnh viện đã mở thêm nhiều bàn hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết hồ sơ nhưng với những thủ tục mà Luật BHYT mới yêu cầu, dù có làm việc hết mình nhưng các nhân viên y tế cũng không cách nào giảm bớt dòng người bệnh xếp hàng chờ đợi.

Bà Nguyễn Thị Nương (51 tuổi, ngụ Sóc Trăng) lo lắng vì không biết phải xoay xở thế nào để về quê xin giấy chuyển viện mới theo yêu cầu của các bác sĩ. Bà nói: “Tui bị ung thư vú. Bệnh viện tỉnh cho giấy chuyển viện lên TPHCM. Nhưng nay có thẻ BHYT mới, mấy bác sĩ đòi phải có giấy chuyển viện mới”. Một thân lặn lội lên TPHCM chữa bệnh, bà Nương đã trải qua các bước xét nghiệm, sinh thiết và đang đợi phẫu thuật cắt đoạn nhũ và nạo hạch để trị ung thư vú.

Đã 15 giờ chiều, khu tiếp nhận bệnh nhân diện BHYT của BV Ung bướu vẫn đông nghịt người bệnh, với kẻ nằm người ngồi đầy khắp dãy ghế đá. Phải đợi 3 giờ đồng hồ mới đến lượt khám, chị Nguyễn Thị Ánh Loan (ngụ Bình Tân) than thở mẹ mình là bà Bạch Thị A. (sinh năm 1943, ngụ Vĩnh Long) đang điều trị ung thư cổ tử cung diện BHYT tại đây. Ngày 28-12-2009 chị đưa mẹ tới tái khám và làm các xét nghiệm.

Khi chị đến lấy kết quả và được cấp toa thuốc theo diện BHYT thì gặp rắc rối vì chỉ được thanh toán 30% chi phí do giấy chuyển viện của mẹ (được BV Đa khoa Vĩnh Long cấp) đã hết… giá trị sử dụng. Nếu muốn được BHYT thanh toán 80% chi phí theo đúng quy định thì mẹ chị phải về quê xin lại giấy chuyển viện mới.

Rối hơn canh hẹ

Liên tục những ngày qua, khi có mặt tại nơi tiếp nhận hồ sơ, giám định  BHYT ở các bệnh viện, chúng tôi nhận thấy nhân viên hướng dẫn giải quyết cho những bệnh nhân diện  BHYT phải liến thoắng trả lời những thắc mắc của người dân không kịp thở. Thế nhưng, nhiều thủ tục rườm rà khiến việc nhập liệu, giám định hồ sơ phải mất thời gian.

Bệnh nhân chờ khám bệnh theo thẻ BHYT tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: MAI HẢI

Tại phòng giám định BHYT của BV Chấn thương chỉnh hình sáng thứ năm tuần qua, cả trăm bệnh nhân chen chúc nhau chờ đến lượt gây cảnh nhốn nháo chẳng khác gì chợ họp. Căn phòng chỉ chưa đầy 10m², với 2 nhân viên thường trực, giải quyết một chồng hồ sơ không xuể. Chưa kể, có những hồ sơ phải giải thích 3-4 lần mà người dân vẫn không hiểu, hoặc những trường hợp không biết giải quyết thế nào.

Chẳng hạn trường hợp bệnh nhân Lê Cao Tiến (ngụ quận 5) bị tai nạn giao thông ngoài giờ làm việc trong tháng 11-2009, bị gãy ngón tay thứ 5 bàn tay phải. Tiếp đó anh Tiến đến khám tại Phòng khám đa khoa Phước An (là nơi đăng ký khám chữa BHYT ban đầu).

Tiếp đó phòng khám chuyển anh Tiến lên BV Chấn thương chỉnh hình, nhưng khi lên đây thì được yêu cầu tạm ứng 4 triệu đồng. “Tôi diện BHYT, có giấy chuyển viện mà đóng tạm ứng là sao. Vậy quyền lợi BHYT của tôi ở đâu”, anh Tiến thắc mắc.

Với nhiều trường hợp tương tự như vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Liễu (giám định viên BHYT- BV Chấn thương chỉnh hình), theo Luật BHYT mới phải có biên bản tai nạn giao thông của công an xem anh Tiến có vi phạm Luật An toàn giao thông hay không mới giải quyết, còn không thì cứ trả chi phí cho bệnh viện rồi qua BHYT thành phố trả lại.

Bên cạnh đó, những quy định do bệnh viện và BHYT đưa ra còn chưa nhất quán. Như quy định nộp kèm theo bản photo thẻ BHYT cũ, quy định việc giải quyết giấy chuyển viện như thế nào cho phù hợp, tiện lợi cho người bệnh nhưng kết quả là BHYT nói một đằng, bệnh viện thực hiện một nẻo.

Tại khu khám bệnh BHYT của BV Nhi đồng 1, những ngày qua vẫn còn nhiều phụ huynh khi đưa con đi khám, do không nắm rõ những quy định của bệnh viện là khi nộp hồ sơ đăng ký khám bệnh theo diện BHYT thì phải nộp kèm theo bản photo thẻ KCB hoặc thẻ BHYT cho bệnh viện. Phải đến khi nhân viên bệnh viện nhắc nhở thì mới đôn đáo chạy đi photo thẻ để nộp.

Một số trường hợp trẻ dưới 6 tuổi tuy có giấy chuyển viện (nhưng do trạm y tế phường xã cấp, chứ không phải từ bệnh viện quận huyện) nên khi khám bệnh ở BV Nhi đồng 1 thì vẫn bị quy vào trường hợp “trái tuyến” và phải chi trả 70%. 

Rối hơn cả là những trường hợp bệnh nhân đi KCB bằng thẻ BHYT mới (nhưng lại không kèm theo thẻ BHYT cũ) nên khi được KCB bằng kỹ thuật cao thì cả bác sĩ bệnh viện lẫn giám  định BHYT “không biết đâu mà lần”.

Bởi vì  đối với những bệnh nhân thực hiện BHYT tự nguyện thì muốn được BHYT thanh toán chi phí điều trị kỹ thuật cao phải có thời gian tham gia BHYT 2 năm liên tục trở lên và khi đó bệnh nhân ngoài việc trình thẻ mới phải có kèm theo thẻ BHYT cũ thì bên BHYT mới có cái để đối chiếu.

Chỉ vào thông báo dán ở Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Nguyễn Thị Dung bức xúc việc chồng chị là anh Nguyễn Văn Tuyền ở Bình Dương được chuyển tới BV Chợ Rẫy để điều trị ung thư gan, nhưng giám định BHYT yêu cầu trình kèm theo thẻ BHYT cũ thì mới giải quyết.

Chị Dung cho biết, chồng chị tham gia BHYT theo diện tự nguyện đã 5 năm nay, nên đủ điều kiện được BHYT chi trả khi KCB theo kỹ thuật cao. Việc chị không đem theo thẻ BHYT cũ của chồng do chính quyền địa phương (xã Lai Vung, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã thu lại thẻ cũ.

 

                                                                        Theo SGGP

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng cho trẻ phát triển.

Ăn no - gánh nặng cho tim

Y học đã chứng minh sự phát sinh của bệnh động mạch vành tim liên quan mật thiết với việc ăn uống. Điều đặc biệt lưu ý đối với người đã mắc bệnh này là không ăn quá no, bữa tối ăn quá no lại càng nguy hiểm

Thuốc trị bệnh tự miễn có tác dụng với bệnh đái tháo đường týp 1

Các chuyên gia ở Trung tâm y học UT Southwestern, Mỹ (UTS) vừa kết thúc một nghiên cứu và phát hiện thấy thuốc trị bệnh rối loạn tự miễn đã được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cũng có tác dụng đối với bệnh đái tháo đường týp 1, làm giảm quá trình phá hủy tế bào sản xuất insulin của cơ thể người bệnh.

Tang phiêu tiêu ích thận, cố tinh

Tang phiêu tiêu là tổ con bọ ngựa trên cây dâu, có tên thuốc Cotheca Mathidis. Tên khoa học là Ootheca Manthidis. Bộ phận sử dụng làm thuốc là toàn bộ tổ con bọ ngựa làm tổ trên cây dâu (Mantis religiosa L. thuộc họ Mantidae). Là tổ hình trứng dài, nhẹ, sắc nâu vàng hoặc nâu đen, bên trong có nhiều xếp, mỗi xếp có nhiều ngăn, mỗi ngăn có một trứng. Người ta lấy tổ khi trứng còn chưa nở, đem về sấy khô cho chín trứng.

Một số thuốc chữa thiếu máu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu như thiếu máu do dinh dưỡng, thiếu máu do bệnh lý cơ quan tạo máu, thiếu máu do tan máu... Trong đó thiếu máu dinh dưỡng (tức là thiếu các nguyên liệu cần thiết cho quá trình tạo máu như sắt, vitamin B12, acid folic, magie, kẽm, đồng, coban...) là nguyên nhân thường gặp nhất.

Người có HIV ở xã Chiềng Châu mong có việc làm ổn định

(HBĐT) - Chị Bùi Thị Hoa ở xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu được nhiều người biết đến khi chị dám mạnh dạn đứng lên thừa nhận: “Tôi có HIV” để vương lên, tiếp tục sống và lao động bình thường.

Đừng đòi… “truyền dịch”

Một số người khi khám chữa bệnh cứ nằng nặc đòi truyền dịch. Thậm chí có sự lạm dụng đến độ có người không bệnh tật gì, chỉ thấy mệt một chút nhưng muốn cho khỏe hơn cứ nài nỉ thầy thuốc xin truyền “nước biển”, truyền “đạm” hay truyền “mỡ”. Thời gian gần đây đã có rất nhiều trường hợp bị biến chứng do tự ý truyền dịch hoặc lạm dụng việc truyền dịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục