– Không nơi tá túc trong suốt quá trình chăm sóc người thân bị đau ốm tại bệnh viện, nhiều người dân nghèo ở các tỉnh xa xôi về Thủ đô không đủ tiền thuê nhà trọ đã chọn gốc cây, ghế đá, hành lang làm chỗ ngủ qua đêm. Nhiều người tâm sự cuộc sống của họ khi phải ra tiếp tế người thân ở một số bệnh viện tại Hà Nội không khác gì cuộc sống của những người vô gia cư ở các thành phố lớn.
Màn trời chiếu đất
Mưa phùn, giá rét triền miên suốt mấy ngày vừa qua đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người đi chăm nom người thân ở bệnh viện Bạch Mai.
Sau quá trình “dọn dẹp” và “nhắc nhở” phải gìn giữ cảnh quan chung của bệnh viện, những địa điểm có thể ngủ qua đêm bị thu hẹp lại. Hiện giờ, nơi tập trung ngủ đông nhất là khoảng không phía sau khoa Thần Kinh.
"Chỗ ngủ" của người nhà bệnh nhân ở bệnh viện Bạch Mai (phía sau khoa Thần Kinh) là những tấm bạt được căng tạm bợ như thế này (Ảnh: Cẩm Quyên). |
Những người này sử dụng giường gấp để ngủ, dùng đủ thứ phông bạt để căng lên, nhưng chỉ dám căng sát sạt mặt đất. Đêm ngủ, đỉnh bạt có thể chạm cả vào mặt, ban ngày lại gỡ ra gập gọn lại. “Nhưng thế cũng còn hơn là không được căng cái gì. Trời lạnh thế này mà cứ nằm trơn với mưa gió thì sức nào chịu nổi” - nhiều người tâm sự.
Những ngày cuối tuần trước, giữa trận mưa rét, bảo vệ khoa Thần Kinh phải cho những người đi chăm người thân này vào nằm tạm trong sảnh của khoa, vì "cám cảnh" phông bạt tạm bợ không chống đỡ nổi mưa, rét.
Dù đã có một khu dành riêng cho người nhà bệnh nhân ở, nhưng khả năng cung ứng không tài nào chạy kịp so với nhu cầu nên tình trạng “màn trời chiếu đất” là chuyện phổ biến đối với những người đi chăm nom người thân tại bệnh viện Việt Đức.
Hành lang và mọi khoảng không nếu không bị "cấm" cũng được tận dụng tối đa. Trời mưa, người nằm trong bạt thấy "sướng" hơn người nằm hành lang bởi không bị hắt ướt. Có một chỗ trú ngụ thế này - nhiều người cho rằng mình đã quá may! (Ảnh: C.Q) |
“Trước khi ra Hà Nội, tôi đã mang theo đủ thứ: chăn màn, phích, quần áo nhưng không kham nổi cái thời tiết khắc nghiệt này. Quần áo trời nắng đã không có chỗ phơi chứ đừng nói đến trời mưa. Mưa phùn dầm dề khiến cả đống chăn màn của tôi ẩm ướt, chất thành đống hôi xì”, bà Thơm, quê Can Lộc (Hà Tĩnh) vừa trẹo trọ nói vừa chỉ vào đoạn vỉa hè nằm sát nhà xe của bệnh viện Việt Đức – nơi bà ngủ suốt 4 ngày nay.
Mấy đêm trời mưa ẩm ướt, bà Thơm sợ nhất bị muỗi đốt khắp người, trùm chăn kín mít mà không hiểu sao hàng chục con muỗi vẫn châm ngòi xuyên qua được!
Chồng bà Thơm bị ung thư đại tràng, chuyển từ bệnh viện K qua bệnh viện Việt Đức. Tiền chạy chữa, ăn uống chi tiêu hết nhiều nên bà không dám ra ngoài thuê nhà trọ với giá “bét nhất” cũng phải 30 ngàn đồng/đêm.
Nhưng, cũng có không ít người phải nhắm mắt nhịn ăn để thêm tiền thuê nhà trọ, bởi sức khỏe yếu, không cho phép “ăn nằm” triền miên với sương gió. “Tôi còn trông bà nhà tôi lâu, nếu cứ ngủ vạ vật thế này có khi bà ấy chưa khỏi lại đến lượt tôi nằm xuống vì suy kiệt” - bác Minh, quê Nam Đàn, Nghệ An chia sẻ.
Thuê nhà bên ngoài: Phát "hoảng" vì giá
Hiện bác Minh đang ở trọ ở số 103 phố Phủ Doãn, ngay cổng viện Việt Đức. Giá phòng bác thuê là 150 ngàn đồng/đêm, rộng khoảng 15m2. “Hai người như tôi cũng không chịu được giá này nên phải lôi kéo thêm 3 người nữa ở cùng. Cứ thấy ai nghèo nghèo khổ khổ tay xách nách mang là tôi hỏi có ở cùng không. Họ cũng mừng húm vì ra Hà Nội, không có nhà cửa, người quen thì sợ lắm” - bác nói.
Trước khi tìm được nhà trọ ở số 103 Phủ Doãn, bác Minh đã từng phải chịu mức giá thuê nhà trọ lên tới 80 ngàn/đêm. Đó là chưa kể ngày đầu lên viện lớ ngớ còn bị “cò” lừa mất 200 ngàn, chỉ để... dẫn đi tìm nhà!
“Ở được 5 hôm, tiền thuê nhà đã lên tới 400 ngàn. Quay đi quay lại đã gần tới 10 ngày, tôi nhẩm tính rồi phát hoảng vì giá thuê nhà đã lên tới gần triệu bạc. Thế này mà ở đây cả năm trời thì có khi phải về bán nhà ở quê để ra đây thuê trọ” - bác Minh vừa kể lại vừa rùng mình.
Cũng cảnh không có chỗ ở nhưng phải gắn liền phần đời còn lại với bệnh viện K vì ung thư phổi, bác Tước (quê Thái Bình) đang phải thuê nhà ở 65 Tràng Thi với mức 40 ngàn đồng/đêm.
Xót tiền nhưng bác vẫn phải thuê, vì trước đây ngủ vạ ngủ vật được 2 đêm - bác bị những người ”cùng cảnh ngộ” lấy trộm đồ đạc, thỉnh thoảng lại bị bọn say rượu, nghiện ngập “hỏi thăm”.
“Tính ra một tháng, tiền nhà hết 1,2 triệu. Ở quê tôi làm cả vụ lúa 4 tháng trời cũng chỉ được gấp đôi số tiền này. Chưa kể tiền ăn, uống, sinh hoạt. Nhưng biết làm thế nào được … Lên bệnh viện rồi tôi mới thấm thía rằng ở mình, bệnh nhân như thể bị “bỏ rơi” vậy. Trong viện gặp không ít khó dễ, không ai giúp đỡ động viên để bớt nỗi lo bệnh tật. Ra khỏi viện rồi cũng không có ai đứng ra bảo vệ mình, mọi thứ đều phụ thuộc quyền của chủ nhà” - bác Tước tâm sự.
Thương, nhưng không làm gì hơn được!
Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện đầu tiên có một khu nhà ở dành riêng cho người nhà bệnh nhân, thu phí 10 ngàn đồng/đêm/giường và ưu tiên người nhà những bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên, nhu cầu về nhà trọ giá rẻ của người nhà bệnh nhân của bệnh viện này vượt quá xa so với qui mô chỉ gần 300 giường hiện nay.
Ông Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết ông luôn muốn mở rộng những khu nhà như thế này nhưng điều kiện không cho phép, quỹ đất chỉ có hạn, nếu có lại thường ưu tiên xây dựng các khu nhà điều trị phục vụ người mắc bệnh.
Khu nhà dành riêng cho người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức. Đây là niềm mơ ước của biết bao người dân nghèo phải ra bệnh viện chăm người thân bị ốm (Ảnh: C.Q) |
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện thứ 2 thực hiện mô hình này. Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Cái ăn cái uống có thể còn xoay sở được nhưng chúng tôi biết là người nhà bệnh nhân rất khổ vì không có chỗ ở. Song trong điều kiện hiện nay, bệnh viện không thể lo nổi cho người nhà bệnh nhân bởi chỉ riêng bệnh nhân không thôi đã đủ khiến bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải rồi. Vì vậy, chuyện người nhà phải ngủ vạ vật ở vỉa hè, ghế đá hiện nay là chuyện không thể tránh được”.
Xuất phát từ nhu cầu quá căng thẳng này, bệnh viện Bạch Mai đã triển khai xây khu nhà trọ giá rẻ, đáp ứng một phần nhu cầu thuê nhà của người nhà bệnh nhân, với qui mô 350 giường. Bệnh viện này thu giá ở mức thấp nhất, chỉ đủ để đảm bảo hoạt động của tòa nhà.
Ông Quốc Anh cho hay: “Chúng tôi dự kiến sẽ thu khoảng 15 ngàn đồng/giường/ngày đêm, ưu tiên cho người nhà bệnh nhân nghèo. Ai nghèo quá, bệnh viện thậm chí cho ở miễn phí”.
Theo Vietnamnet
(HBĐT) - Ngày 28/1, Hội CTĐ tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác CTĐ và hiến máu tình nguyện năm 2009. Đồng chí Bùi Văn Cửu , Phó Chủ tịch UBND đã tới dự.
(HBĐT) - Vào thời điểm tháng 8/2009, huyện Lạc Thuỷ xuất hiện ca mắc cúm A/H1N1 đầu tiên. Cũng trong thời gian đó, địa bàn huyện tiếp tục có những ca sốt vi rút nghi cúm A/H1N1 với tổng số 37 ca được chẩn đoán và điều trị cúm A/H1N1, trong đó 29/37 ca làm xét nghiệm. 2 ca dương tính với cúm A/H1N1, 8 trường hợp có tiếp xúc và nghi ngờ.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, mở màn cho đợt ra quân kiểm tra rầm rộ phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần. Trong chợ, hàng hóa phục vụ Tết từ bánh kẹo, mứt, ô mai cho đến các sản phẩm đồ khô như tôm, cá, măng, mộc nhĩ, nấm hương... đầy ắp, phần lớn tăng giá khoảng 10% nhưng sức mua giảm hẳn so với năm trước.
Rotavirus là tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp thường gặp nhất trong mùa đông, chủ yếu lây lan qua đường phân - miệng. Tiêu chảy cấp do rotavirus dễ lây lan vì lượng virus thải ra trong phân rất lớn, hơn nữa rotavirus lại sống được trong môi trường tự nhiên như trên các bề mặt tiếp xúc của đồ chơi, mặt bàn ghế, trong nước và trên da...
Điều quan trọng nhất mà bạn cần nắm chắc, hiểu rõ và tin tưởng là: Tất cả các bác sĩ đều muốn làm những gì tốt nhất cho bệnh nhân của mình còn các nguy cơ nếu xảy ra là sự không tránh khỏi và không ai mong muốn. Trong trường hợp nếu các nguy cơ xảy ra, bạn cần trao đổi thẳng thắn với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cải thiện tình trạng của mình.
Tết là dịp họp mặt, ăn uống, vui chơi nên món ăn ngày Tết luôn ngon, nhiều và lúc nào cũng trong “tư thế” sẵn sàng lên mâm. Tuy nhiên, “bệnh tòng khẩu nhập” tức bệnh theo miệng mà vào, nên để phòng thân, nên hiểu rõ các món Tết để ăn cho hợp lý.