Bệnh lo âu lan toả ngày càng trở nên phổ biến. Tỷ lệ người mắc bệnh này trong 1 năm là 3,8%. Còn tỷ lệ bị bệnh suốt đời là 6,6%. Bệnh lo âu lan toả gặp ở cả hai giới, nhưng phụ nữ bị bệnh cao gấp 2 - 3 lần nam giới.
Lo âu lan tỏa là một bệnh mạn tính, thường kéo dài suốt đời. Bệnh được đặc trưng bởi các lo âu mạn tính, nhưng các lo âu này không đủ mạnh để tạo ra các cơn hoảng sợ kịch phát. Khi nói đến lo âu lan toả, người ta nhắc đến 2 nhóm triệu chứng:
- Lo lắng quá mức.
- Các triệu chứng cơ thể như tăng trương lực cơ, mất khả năng thư giãn, mệt mỏi...
Bệnh lo âu lan tỏa hay phối hợp với các rối loạn tâm thần khác. 59% số bệnh nhân có rối loạn trầm cảm và 56% có các rối loạn lo âu khác kết hợp. Khoảng 1/3 số bệnh nhân rối loạn lo âu có rối loạn nhân cách, hầu hết là rối loạn nhân cách phụ thuộc. Rối loạn nhân cách xa lánh cũng phổ biến trong rối loạn lo âu lan tỏa. Tuy nhiên khó có thể xác định rối loạn nhân cách là tiên phát hay xuất hiện đồng thời cùng rối loạn lo âu lan tỏa.
Bệnh lo âu lan tỏa là do bệnh nhân có các bất thường của thụ cảm thể GABA-benzodiazepin. Chính vì thế, các thuốc nhóm benzodiazepin có tác dụng điều trị bệnh lo âu lan tỏa.
Ngoài ra, sự mất điều hòa của serotonin cũng được tìm thấy trong rối loạn lo âu lan tỏa. Chính vì vậy thuốc chống trầm cảm có tác dụng điều trị bệnh này.
Nhóm thuốc benzodiazepin có tác dụng tốt trong điều trị bệnh lo âu. |
Vai trò của gen di truyền cũng tương đối rõ ràng trong rối loạn lo âu lan toả, 19,5% người họ hàng mắc bệnh ở mức độ I (bố, mẹ, con cái, anh, chị, em ruột) của bệnh nhân rối loạn lo âu lan toả có nguy cơ bị bệnh này, trong khi những người khác tỷ lệ mắc bệnh chỉ là 3,5%.
Bệnh nhân rối loạn lo âu lan toả có cảm giác lo lắng xuất hiện hầu như hàng ngày. Họ có thể lo về mọi thứ mà không cần một nguyên nhân gì rõ ràng. Bệnh nhân không làm sao kiểm soát được tình trạng này. Họ luôn sống trong tâm trạng sợ hãi quá mức.
Bên cạnh đó, trương lực cơ của bệnh nhân tăng, vì thế họ run tay, viết rất xấu, không xâu kim được hoặc làm các việc đòi hỏi độ chính xác cao của đôi tay rất khó khăn. Chính vì tình trạng căng trương lực cơ kéo dài suốt ngày nên bệnh nhân rất dễ mệt dù chỉ với một việc rất nhẹ nhàng.
Bệnh nhân luôn than phiền mất khả năng thư giãn do họ đứng ngồi không yên. Ngoài ra, họ rất khó tập trung chú ý, vì thế nên không ghi nhớ được. Kết quả là học hành sút kém, khả năng lao động giảm sút rất nghiêm trọng.
Các bệnh nhân lo âu lan toả thường mất ngủ. Họ rất khó vào giấc ngủ, giấc ngủ không sâu, dễ tỉnh giấc và khó ngủ lại. Hơn nữa, họ rất dễ bị kích thích, do vậy hay nổi cáu vô cớ.
Cần lưu ý rằng các triệu chứng này là rất rõ ràng, diễn ra hàng ngày và kéo dài ít nhất 6 tháng. Như đã nói trên, bệnh thường có xu hướng phát triển mạn tính.
Các thuốc điều trị
Thuốc bình thần: Trước đây, benzodiazepin là lựa chọn hàng đầu trong điều trị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa. Ngày nay, nhóm thuốc này vẫn được sử dụng nhiều cùng với các thuốc buspiron, SSRI và SNRI (ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin và noradrenalin).
Các lo âu mạn tính đáp ứng tốt với thuốc benzodiazepin. Tất cả các benzodiazepin đều cho hiệu quả điều trị giống nhau với bệnh nhân lo âu lan tỏa. Các thuốc benzodiazepin đạt hiệu quả tối đa sau 4 tuần điều trị, còn các thuốc chống trầm cảm 3 vòng thì cần có thời gian điều trị lâu hơn mới đạt hiệu quả điều trị tối đa.
Mặc dù thuốc benzodiazepin nhìn chung là an toàn, nhưng bệnh nhân có thể dung nạp và nghiện thuốc. Tuy nhiên, đến nay người ta chưa thể xác định chính xác tỷ lệ nghiện benzodiazepin ở người lo âu mạn tính. Thực tế là hầu hết bệnh nhân tiếp tục điều trị có hiệu quả bằng benzodiazepin mà không chuyển thành nghiện hoặc lạm dụng.
Với benzodiazepin có thể dùng các thuốc diazepam, lorazepam, clonazepam, clonazepat, clozeadiposic... nhưng cần thăm dò liều từ thấp tới cao, khi tìm được liều thích hợp cho bệnh nhân (liều thấp nhất có kết quả với các triệu chứng lo âu) thì duy trì ở liều này; thời gian điều trị thường kéo dài nhiều tháng (tối thiểu là 18-36 tháng), nhiều trường hợp phải điều trị nhiều năm. Khi muốn dừng thuốc thì cần giảm liều từ từ trong 4-8 tuần để tránh có hội chứng cai benzodiazepin.
Thuốc chống trầm cảm: Vài năm gần đây, các thuốc chống trầm cảm mới đã trở thành lựa chọn hàng đầu trong điều trị rối loạn lo âu lan toả vì chúng có hiệu quả tốt, ít tác dụng phụ, chỉ cần dùng 1 lần/ngày và không gây quen thuốc hoặc nghiện thuốc. Trong các thuốc này, venlafaxin tác dụng kéo dài do tác động trên các hệ serotonin và noradrenalin, hiệu quả của thuốc xuất hiện sau 2 tuần điều trị, sau 6 tháng điều trị 70% triệu chứng lo âu sẽ hết. Venlafaxin dung nạp tốt nhưng có tác dụng phụ là buồn nôn, buồn ngủ, khô miệng.
Ngoài venlafaxin, thuốc paroxetin cũng có kết quả tốt trong điều trị rối loạn lo âu lan toả. Các thuốc chống trầm cảm khác thuộc nhóm SSRI cũng có tác dụng tốt trong điều trị rối loạn lo âu lan toả. Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng có tác dụng điều trị tốt rối loạn lo âu mạn tính phối hợp (hoặc không) với trầm cảm. Nhưng các thuốc này có nhiều tác dụng phụ nên tỷ lệ bỏ thuốc điều trị cao hơn so với các thuốc chống trầm cảm mới.
Theo Báo SKĐS
Bệnh cận thị ở trẻ em đang ngày càng gia tăng và trở thành mối lo ngại của nhiều bậc cha mẹ. Hãy cùng tìm hiểu chứng bệnh này ở trẻ nhỏ và cách thức phòng tránh.
“Các loại rau mỡ màng, xanh mướt quá mức bình thường rất có nguy cơ chứa hàm lượng NO3 cao hơn mức cho phép. Việc ăn phải các loại rau có hàm lượng chất này cao trẻ sẽ mắc “hội chứng trẻ xanh” và NO3 cũng là tác nhân gây ung thư”.
(HBĐT) - Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán đến gần, nhu cầu mua sắm, tích trữ hàng hoá của người dân lại tăng cao đột biến. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vốn đã được người tiêu dùng quan tâm nay lại càng trở nên cấp bách.
- Tết Nguyên đán Canh Dần đã cận kề nhưng cả cúm gia cầm H5N1 và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả đang cùng trở lại, làm dấy lên nguy cơ dịch có thể bùng phát mạnh vào đúng dịp Tết.
- Bé gái 4 tháng tuổi đã tử vong sau một loạt những sai lầm và kết quả là cô bé đã uống nhiều hơn liều thường dùng tới 10 lần.
Ngày 30-1, Đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm do ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thực phẩm trong chợ Ngô Sỹ Liên, quận Đống Đa, phát hiện khá nhiều cửa hàng vi phạm các quy định về ATVSTP.