Chiều tất niên, trưởng tua trực gọi tất cả vào liên hoan. Đúng lúc đó có một chiếc xe ôm ập tới phòng cấp cứu. Một thanh niên, quần áo lấm lem dầu mỡ, bàn tay ròng ròng máu mặc dù đã được buộc bằng vải....
Cuộc trùng phùng với người phạm nhân đặc biệt năm nào còn khắc mãi trong lòng bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương:
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tết năm 1991, tôi trực tại Bệnh viện Thanh Nhàn, phòng điều trị tích cực. Chỉ có hai bệnh nhân: Một già, một trẻ. Đặc biệt là người trẻ mặc áo phạm nhân, một tay bị còng vào thành giường.
Phạm nhân trạc bằng tuổi tôi, để tóc dài, nét mặt lì lợm, có vài nét xăm trên cánh tay. Nhà anh ta ở làng Thanh Nhàn, một khu dân cư khá nhiều dân anh chị, nghiện hút. Thời đó bác sĩ chúng tôi không được giảng giải nhiều về y đức như bây giờ hay phương thức đối xử với bệnh nhân là phạm nhân ra sao. Tôi chỉ tự nhủ, họ đã vào viện thì phải được quan tâm chăm sóc như những người khác, biết đâu sau này họ sẽ thành người có ích.
Hai bệnh nhân đều bị lao phổi, ho ra máu, ban đêm cần theo dõi hàng giờ, chỉnh oxy, hút đờm. Anh thanh niên làm tôi ái ngại hơn cả vì tay vẫn bị còng, sinh hoạt, uống nước đều khó khăn hơn, tôi phải trợ giúp khá nhiều. Chúng tôi nói chuyện với nhau khá lâu. Trái với vẻ mặt bặm trợn, khi giao tiếp anh khá điềm đạm, không có văng tục hay chửi thề như tôi vẫn tưởng.
Năm sau tôi trực 30 Tết ở bệnh viện Việt Đức. Tuy là ngày giao thừa nhưng bệnh nhân đủ loại vẫn tấp nập vào ra. Máu me, kêu khóc, rên rỉ rồi mổ, khâu, băng... khiến cho bác sĩ, sinh viên đều cảm thấy mệt nhoài. Chiều tối, trưởng tua trực gọi tất cả vào liên hoan tất niên. Đúng lúc đó có một chiếc xe ôm ập tới phòng cấp cứu. Một thanh niên, quần áo lấm lem dầu mỡ, bàn tay ròng ròng máu mặc dù đã được buộc bằng vải.
Bệnh nhân làm cơ khí bị máy nghiến vào tay. Dầu mỡ lẫn vào vết thương rất khó vệ sinh và sát trùng. Tôi phải dùng xà phòng rửa nhiều lần, bôi cồn i-ốt. Gây tê cũng thật vất vả vì vết thương bàn tay rất khó bơm tê, vả lại hiệu quả tê cũng rất hạn chế. Ngạc nhiên là anh ta rất can đảm, tiếng rên rất khẽ, bàn tay run lên với từng mũi khâu.
Rồi cũng ổn, tôi tiêm chống uốn ván, ghi đơn và căn dặn. Rồi bệnh nhân reo lên: “Anh Cương, anh chữa cho em Tết năm ngoái, anh có nhớ em không”. Bây giờ tôi mới có thời gian nhìn kỹ anh ta. Bộ quần áo phạm nhân đã thay bằng bộ quần áo công nhân. Tôi mừng cho em, vì bây giờ tôi biết em kém tôi 2 tuổi, đã ra tù và đi làm công nhân, ngày Tết vẫn tranh thủ làm và bị tai nạn. Lúc lên xe ra về em có ríu rit nói địa chỉ mời tôi đến chơi nhưng nhịp sống đã cuốn trôi đi tất cả cho đến ngày tôi viết những dòng này.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường trong phòng khám, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MT. |
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Khoa Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội: Được và mất 50.000 đồng.
Cứ gần Tết là mình và đồng nghiệp lại nháo nhác đổi lịch trực cho nhau. Những người ở xa thì muốn được trực muộn để có thời gian về đoàn tụ gia đình. Có người đã đặt vé, đặt lịch đi chơi cùng người thân nhưng cuối cùng, không đổi trực được, đành lỗi hẹn.
Mỗi năm trực là một kỷ niệm, buồn có, vui có. Mình nhớ nhất lần trực hồi mới ra trường. Khi đó, mình được phân công làm cả ngày và đêm 30 Tết. Hồi đó, có một bệnh nhân rất đáng thương. Cô gái gần 20 tuổi, người Nghệ An, bị bệnh Luput ban đỏ hệ thống rất nặng. Mẹ mất sớm, suốt mười mấy năm người cha đưa con đi chữa bệnh, gia tài trong nhà không còn gì. Hoàn cảnh khó khăn, cô gái được miễn tiền chữa bệnh, người cha lần hồi vừa nuôi con nằm bệnh vừa vay mượn tiền ăn cho hai cha con.
Tết năm đó, cô gái phải ở lại viện. Hai cha con họ không có gì để ăn, cứ ngồi ôm nhau khóc rưng rức, hết giờ này sang giờ khác, có lẽ phần vì nhớ quê, phần vì tủi phận mình và cảm thấy vô vọng. Tất cả những bệnh nhân ở lại - đều bệnh nặng, rất thương cảm và không cầm được nước mắt khi nhìn cảnh ấy. Họ góp lại, người cho chiếc bánh chưng, người đùm miếng thịt, cùng chia sẻ với bố con người bệnh đáng thương ấy. Tôi cũng dành tờ 50 nghìn mừng tuổi họ. Cả hai cha con lại khóc tiếp...
Năm ấy, các ca bệnh vào khá đông, tôi phải làm việc hầu như suốt cả ngày và thâu đêm. Sáng mùng 1 Tết, sau khi giao ca cho đồng nghiệp, tôi háo hức ra lấy chiếc xe máy cà tàng phóng ngay về quê - Hải Phòng, nơi cả gia đình đang ngóng chờ. Rủi thay, vừa chạy ra đến cổng bệnh viện thì xe nổ lốp. Tôi ngao ngán dắt bộ.
Đường Hà Nội sáng đầu năm không một bóng người. Đi qua các cửa hàng sửa xe, chỗ nào cũng lắc đầu, không nhận chữa. Dắt bộ thêm vài km nữa, vừa mệt, vừa nản, tôi mừng như bắt được vàng khi nhìn thấy gần chợ Mơ, một ông lão ngồi bên đường sửa xe. Ông thay cho tôi chiếc lốp mới với giá 50.000 đồng (thời giá lúc ấy là 20.000 đồng). Và không biết lúc ấy trời run rủi thế nào, một bác sĩ làm cùng bệnh viện với tôi, người Hà Nội lại đi qua chỗ ấy, nhìn thấy tôi và vui vẻ mừng tuổi tôi 50.000 đồng.
Kỷ niệm nhỏ nhưng ghi dấu ấn mãi với tôi đến bây giờ.
Bác sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Moh.gov.vn. |
Bác sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Giao thừa ấn tượng vì quá... buồn.
Ngày ấy cách đây gần hai mươi năm rồi, khi tôi còn làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Đến 30 Tết, tất cả những ca bệnh có thể về đã xin về hết, còn lại trong khoa là những bệnh nhân rất nặng, luôn ở giữa ranh giới mong manh giữa cái sống và cái chết.
Khi đồng hồ chỉ gần 12 giờ đêm, tôi gọi các đồng nghiệp và mời người nhà bệnh nhân vào phòng, mở bánh, kẹo và rượu (do chính họ tặng) dự định để mọi người cùng đón khoảnh khắc giao thừa, tạm gác nỗi lo lắng, phiền muộn và cầu chúc mọi điều tốt đẹp hơn sẽ tới.
Tất cả ngồi quây quần trong phòng nhưng mặt ai cũng tỏ ra chán nản, đau khổ. Để phá vỡ không khí nặng nề đó, tôi mở lời chúc mừng năm mới, rót rượu mời mọi người cùng uống. Không một tiếng nói đáp lại. Ai cũng nâng ly lên rồi lại thở dài đặt ly xuống. Im lặng như tờ, chỉ có tiếng máy thở cũ kỹ kỳ cạch kêu, tiếng rên của bệnh nhân vẳng đến. Tôi cứ có cảm giác đó như phút mặc niệm chứ không phải thời khắc đón năm mới. Tôi cảm thấy sợ hãi thực sự và nhanh chóng “giải thoát” cho mình và mọi người.
Nỗi ám ảnh về lần đón giao thừa đó khiến tôi không bao giờ dám mời người nhà bệnh nhân cùng bác sĩ họp mặt thời khắc cuối cùng của năm nữa, dù tôi có trực đúng đêm đó.
Trong nghề của chúng tôi, cái sống và cái chết luôn chỉ cách nhau một bước rất ngắn. Và đôi khi, có những cái Tết trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi khi chẳng may một bệnh nhân nào đó không thể qua khỏi. Đó là nỗi mất mát không gì bù đắp đối với người nhà bệnh nhân nhưng cũng là một thất bại cay đắng và đau đớn của những người bác sĩ như tôi.
Kinh hoàng nhất là những năm trực tết vào thời kỳ vẫn còn cho phép nổ pháo. Hồi ấy, tôi còn là bác sĩ của khoa Chấn thương sọ não, Bệnh viện Việt Đức. Mỗi lần trực Tết là chứng kiến những ca vô cùng thương tâm do pháo: hỏng mắt, mất chân, mất tay, thậm chí tử vong. Rồi những trường hợp vì uống rượu xong gây sự đánh nhau, các ca tai nạn giao thông nặng nề… Có khi trong ngày trực, tôi phải mổ liên tục từ ngày 30, thâu đêm, đến tận sáng mùng 1 mà không biết giao thừa đến lúc nào.
Tôi cứ nhớ mãi một chuyện. Năm đó, khi tôi trực thì có một bà cụ bị thương rất nặng và không thể cứu sống được. Khi cụ tắt thở, người con trai cụ đã đứng khóc tu tu như một đứa trẻ giữa bệnh viện. Sau đó, anh kể rằng, anh là đại tá, công tác và ở tại Hà Nội. Quê anh ở Quảng Bình. Cha mất sớm, người mẹ đã tần tảo nuôi anh bao năm. Nhưng khi anh có công danh và nhà cửa ở Hà Nội thì lại không thể đón mẹ ra phụng dưỡng. Mẹ chồng nàng dâu không hòa hợp khiến bà cụ nhất định thui thủi ở miền quê nắng gió khắc nghiệt một mình chứ không chịu ra ở cùng gia đình con trai.
Năm đó là lần đầu tiên anh thuyết phục được cụ ra đón Tết cùng vợ, con anh ở Hà Nội. Nhưng sự đời trớ trêu, khi đang đi bộ trên đường đón giao thừa, cụ bị hai thanh niên say rượu đâm vào và không thể qua khỏi.
Câu chuyện đó khiến cả Tết năm ấy tôi không thể cảm thấy vui vẻ. Cuộc sống nhiều khi khắc nghiệt với con người quá.
Theo VnExpress
Năm nào trong dịp tết số lượng bệnh nhân bị bong gân cũng tăng cao. Bong gân là từ dùng để chỉ tình trạng tổn thương các dây chằng giữ vững khớp do một chấn thương. Bong gân không liên quan gì đến các gân là thành phần cuối cùng của cơ để chuyển sức mạnh của cơ thành hoạt động của chân hay tay.
Sau hai lần lỡ dở chuyện yêu đương và công việc cũng không thuận lợi, Hải Châu, 24 tuổi (Gia Lâm) Hà Nội chắc mẩm lý do vì mình cao số như người ta vẫn nói về con gái tuổi Dần.
Với một số rối loạn và bệnh thông thường, chỉ cần có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng thích hợp tại nhà kết hợp một số biện pháp chữa trị, thậm chí không dùng thuốc vẫn có thể cải thiện được
Ðể đề phòng dịch cúm A (H1N1) và cúm A (H5N1) cùng với dịch tiêu chảy cấp có nguy cơ lan rộng trong dịp Tết canh Dần, Bộ Y tế khuyến cáo:
Mụng trứng cá rất hay gặp ở lứa tuổi dậy thì và rất dễ thành sẹo lõm. Thử hình dung, trên khuôn mặt xinh xắn, làn da mịn màng “nổi bật” vài vết sẹo thâm xì, lõm sâu... chắc cô gái nào cũng hoảng hốt.
Để giảm cân và kiểm soát trọng lượng cơ thể, nhiều người đã tìm cách thực hiện tiêm Vitamin B12. Tuy nhiên, ngoài tác dụng làm giảm trọng lượng gián tiếp, việc tiêm Vitamin B12 phải cẩn trọng vì chúng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.