Vô tình giữa đám đông, nhìn thấy hai người đang cười vui vẻ với nhau, dù không biết câu chuyện của họ là gì nhưng bất giác bạn cũng mỉm cười theo ngay. Một khi bạn gặp chuyện đau buồn, ai nhìn thấy bạn trong cảnh ấy cũng sẽ cảm thấy nỗi buồn ít nhiều xâm chiếm tâm can. Giống như dịch cúm, cảm xúc – dù tích cực hay tiêu cực, đều có khả năng lây lan và truyền nhiễm một cách không chủ ý ngay cả giữa những người hoàn toàn xa lạ.

“Chủng virut” của tinh thần

Một ngày, bạn đến cơ quan với vẻ mặt giận giữ vì vừa bị anh cảnh sát giao thông bắt phạt hay gặp phải một điều bất như ý. Chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra tại nơi làm việc của bạn? Có thể bạn sẽ truyền cảm xúc tồi tệ đang có cho những người cùng phòng, hay một vài đối tác của bạn. Bạn sẽ khiến cho các đồng nghiệp và đối tác của mình có thái độ bức xúc thay bạn và không khí làm việc ngày hôm đó cũng “nhuốm màu” tức giận. Nếu bạn lại là sếp của văn phòng đó thì rất có thể mức độ “lây nhiễm” sự bực tức càng trở nên nặng nề hơn với phạm vi rộng lớn hơn. Từ một cảm xúc xấu của mình, có thể bạn sẽ tạo nên cả một ngày ảm đạm, căng thẳng cho rất nhiều người.

 "Virut cảm xúc" có tốc độ lây lan nhanh.

Ở một thái cực khác, hãy ví dụ buổi sáng hôm đó bạn nhận được tin thông báo khách hàng đồng ý ký một hợp đồng rất lớn. Bạn vui vẻ bước vào văn phòng, chia sẻ niềm vui với mọi người. Đó cũng là lúc bạn rất dễ dàng móc túi đãi các đồng nghiệp một chầu cà-phê. Thế là mọi người đều rất vui, tất cả đều làm việc năng động và đầy khí thế. Niềm vui của bạn đã lan tỏa sang tất cả mọi người.

Trong cuộc sống thường ngày, những cảm xúc như giận dữ, buồn chán, đau khổ, cô đơn hay hạnh phúc, hưng phấn, vui vẻ... có thể lộ diện bất cứ lúc nào và lan tỏa đi khắp nơi, ảnh hưởng đến nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng ý thức được sự lây nhiễm và ảnh hưởng này.

Tốc độ lây lan chóng mặt

Các nhà khoa học tại đại học Chicago, San Diego và Harvard, Mỹ với một nghiên cứu trên diện rộng, đã phát hiện ra rằng, sự lây truyền cảm xúc dễ lây lan và có tốc độ lây lan nhanh hơn ở giới trẻ và phụ nữ. Nguyên do là những đối tượng này nhạy cảm hơn, giỏi hơn nam giới về khả năng “đọc cảm xúc người khác”, do vậy mà dễ “lây nhiễm cảm xúc” hơn. Đối với phụ nữ, nỗi buồn là cảm giác dễ lây nhiễm nhất.

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm: cảm xúc tích cực thường lây lan rộng hơn và có ảnh hưởng rõ rệt hơn cảm xúc tiêu cực. Thông thường chỉ cần một người trong đám đông vui sướng, các nhà nghiên cứu có thể đo được một sức lan tỏa lũy thừa ba từ niềm vui của người ấy. Nếu “thả” một con “virut hạnh phúc” vào một cá nhân trong mạng xã hội, con virut ấy có khả năng làm tăng 25% cơ hội “lây nhiễm” hạnh phúc cho người bạn của cá nhân ấy. Người bạn của người bạn đó thì tăng gần 10% cơ hội và đến lượt một người bạn của người bạn nói trên sẽ tăng 5,6% cơ hội. Điều này có nghĩa một tâm trạng tốt của một người lạ mặt cũng có thể nâng đỡ tinh thần của bạn nhiều hơn một chi phiếu gây quỹ trị giá 5.000 USD, thường chỉ làm tăng niềm vui lên có 2% - TS. James Fowler khẳng định như vậy trên Tập san Y Khoa Anh quốc (British Medical Journal). Theo Fowler, nếu hàng xóm của bạn trúng xổ số độc đắc thì điều này có thể làm tâm trạng của bạn vui lên trong suốt 12 tháng sau đó. Sự lan truyền của virut hạnh phúc cứ thế tiếp tục khuếch tán khắp nơi, không chỉ dừng lại ở bạn mà còn là bạn của bạn và cả những người xung quanh bạn bè của bạn.

 Nhiều trạng thái cảm xúc có thể lan truyền rất nhanh.         
(Ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Ở khía cạnh ngược lại, nếu bạn buồn phiền, thất vọng thì loại “virut cảm xúc” tiêu cực này lại không lây lan rõ rệt và trên diện rộng như những cảm xúc tích cực. Giả dụ, trong một nhóm bạn, một người có nỗi buồn thì nỗi buồn ấy sẽ có tác động đáng kể lên các thành viên của nhóm, nhưng với những người khác ngoài nhóm – như bạn của một người trong nhóm hay bạn của người bạn ấy thì khả năng “lây lan” thường là rất nhỏ. “Khi buồn chán, bạn thường có khuynh hướng đẩy mọi người ra xa dù biết rằng sự hỗ trợ của cộng đồng là rất tốt. Và chính điều đó ngăn cản sự lan truyền” - Fowler giải thích.

Trong một bình diện khác, nhóm nghiên cứu của nhà thần kinh học Sophie Scott, Trường Đại học Luân Đôn, Anh cũng đã phát hiện ra rằng, sự truyền nhiễm cảm xúc không chỉ xảy ra trực tiếp từ người sang người mà có thể truyền nhiễm thông qua “vật trung gian” là âm thanh, hình ảnh hay những đoạn văn miêu tả tâm trạng, cảm xúc... Khi bạn nghe một người bạn than thở, kể lể nỗi buồn qua điện thoại, bạn sẽ khó mà tránh được sự lây nhiễm tâm trạng buồn từ người bạn đó. Tất nhiên, khả năng và mức độ lây nhiễm qua các “vật trung gian” này ít hơn so với khi tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên.

“Virut cảm xúc” đáng yêu hay đáng sợ?

Thật ra từ lâu con người đã biết đến sự “hoạt động” của chủng loại virut tinh thần này. Các khái niệm như sự đồng cảm, tâm lý đám đông, tin đồn thất thiệt, hiệu ứng arua, đua đòi... đều xuất phát từ sự lây nhiễm cảm xúc. Đến nay, về lý thuyết, chúng ta đã có sự hiểu biết tương đối đầy đủ về loại “virut lây lan” đặc biệt mang tên “cảm xúc” này. Tuy nhiên việc lan truyền cảm xúc từ người này đến người kia và nhiều người xung quanh khác diễn ra một cách chính xác như thế nào vẫn là một điều bí ẩn.

Mặc dù vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy là những người hạnh phúc thường thân thiện hơn hoặc hay giúp đỡ người khác hơn. Vì vậy, sự lan truyền “virut hạnh phúc” trong tiến trình giao tiếp của họ là rất tốt và nên khuyến khích. Không những thế, virut hạnh phúc còn có khả năng tạo ra “sự miễn dịch” cho tinh thần, ở xung quanh những người hạnh phúc, ta sẽ thấy lạc quan, yêu đời hơn và tinh thần cũng sẽ trở nên vững vàng hơn khi phải đối diện với các cảm xúc tiêu cực sau này.

Với các loại virut cảm xúc tiêu cực, giới tâm lý học đưa ra một lời khuyên là khi đối mặt với những người đang mang trên mình thứ virut đó, bạn đừng để cho nó cuốn mình vào mà hãy bình tĩnh quan sát và tìm cách cách ly nó. Thực sự đau theo nỗi đau của người khác sẽ chẳng có lợi cho cả hai bên. Ngoài việc nghe ngóng và an ủi người ấy, bạn cần có hành động cụ thể như mời người ấy đi tham quan một nơi nào đó cho khuây khoả hay kể những câu chuyện vui để kéo tâm trạng người ấy sang khía cạnh cảm xúc tích cực hơn. Trên thực tế cũng có một số người gần như miễn nhiễm với những gì xảy ra xung quanh họ. Họ vẫn đọc báo bình thản cho dù có nỗi buồn hay sự may mắn đến với gia đình. Nhưng theo các nhà tâm lý thì đây có thể chỉ là biểu lộ giả tạo bề ngoài, vì việc lây nhiễm cảm xúc đến một cách vô ý thức, bạn muốn thoát khỏi nó cũng không được. Bạn chỉ có thể che giấu nó ở bên trong.

Lý thuyết “Hiệu ứng con bướm” (The Butterfly Effect) của Edward Lorenz từng nói rằng: “Một cái vỗ cánh của con bướm ở Nhật Bản có thể tạo nên một cơn giông bão tại New York” - Cảm xúc cũng vậy. Từ một cảm xúc xấu đơn lẻ có thể tạo nên cả một cuộc chiến tranh thế giới. Và ngược lại, một cảm xúc tốt có thể tạo ra những tài sản khổng lồ. Vậy thì tại sao ngay từ bây giờ chúng ta không nuôi dưỡng và khuyến khích những con “virut hạnh phúc”, “virut niềm vui” phát triển?!

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng tỏ rằng, cảm xúc có tính chất giống như một loại virut, tức có khả năng lây lan và truyền nhiễm. Thứ “virut” của tinh thần này lây lan nhanh và truyền nhiễm mạnh chẳng kém gì đại dịch cúm. Chúng lây lan một cách không chủ ý, từ người này sang người khác, thậm chí giữa những người hoàn toàn xa lạ. Chúng cũng không chỉ lây từ cá nhân sang cá nhân mà có thể cùng một lúc càn quét cả cộng đồng.

                                                                                 Theo Báo SKĐS

Các tin khác

Phun thuốc khử khuẩn phòng chống dịch cúm gia cầm.
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Dùng thuốc khi bị suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh là một hội chứng bệnh lý thuộc nhóm loạn thần kinh chức năng, do những rối loạn chức năng vỏ não và một số trung khu dưới vỏ gây nên. Bệnh suy nhược thần kinh được xác định là do căn nguyên tâm lý gây nên (có tác giả gọi là bệnh tâm căn suy nhược).

Viêm da tiếp xúc côn trùng và thuốc trị

Thời tiết chuyển sang xuân có nhiều loại côn trùng sinh sôi phát triển. Trong số này có các loại côn trùng có cánh hay bay từ các vùng có cây cối vào các nơi có đèn chiếu sáng. Viêm da tiếp xúc côn trùng xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với các phần của côn trùng như bụi phấn từ cánh côn trùng hoặc chất tiết. Viêm da tiếp xúc cũng xảy ra khi tiếp xúc gián tiếp với côn trùng qua dây phơi, quần áo, khăn...

Fluoroquinolon Có dùng cho trẻ em được không?

Fluoroquinolon (FQ) có phổ kháng khuẩn rộng, được dùng điều trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên cần hiểu rõ độc tính của loại thuốc này để tránh lạm dụng nhưng cũng không bỏ sót cơ hội dùng cho trẻ em khi cần thiết.

Đề án cấp cứu TNGT đường bộ - Bộ Y tế: Có thể giảm 10% số ca tử vong

Theo thống kê trung bình cả nước hiện mỗi ngày có hơn 30 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), trong đó TNGT đường bộ là nguyên nhân chủ yếu, chiếm tới 96% số vụ, 97% số người chết và hơn 98% số người bị thương trong tổng số các vụ TNGT. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng tai nạn giao thông trong thời gian qua là do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông yếu kém, cơ sở hạ tầng giao thông còn chưa hoàn chỉnh... Chính vì vậy, việc Bộ Y tế xây dựng Đề án cấp cứu TNGT đường bộ sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do tình trạng này gây nên.

Trung tâm CB-GD-LĐXH: Hơn 400 học viên được học và làm nghề thủ công mỹ nghệ

(HBĐT) - Ngày 2/3, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đã tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2009 và triển khai kế hoạch công tác năm 2010.

Thực phẩm tốt cho người mắc bệnh tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường luôn phải thận trọng trong vấn đề ăn uống. Bạn có thể giảm bớt nguy cơ mắc và tái phát bệnh bằng các loại thực phẩm sau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục