Mày đay (có nơi gọi là bệnh mề đay) là một bệnh dị ứng gặp khá phổ biến ở cộng đồng dân cư nước ta. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính. Bệnh mề đay là tình trạng phản ứng của các mạch máu ở da, niêm mạc gây nên hiện tượng phù tại chỗ làm cho da bị phồng lên giống kiểu nổi da gà nhưng lại kèm theo ngứa tại nơi nổi da. Bệnh nổi mề đay có thể đơn thuần tại một vùng da, niêm mạc nào đó trên cơ thể nhưng cũng có thể xuất hiện ở nhiều vùng và cũng có khả năng xuất hiện ở một số cơ quan khác gây nguy hiểm hơn.

“Không may” thì bị mày đay!

Nguyên nhân gây nên bệnh mề đay rất phức tạp. Thông thường người ta hay gặp bệnh mề đay ở những cơ địa hay bị dị ứng, đặc biệt là những cơ địa hay dị ứng với thời tiết, lạnh, thức ăn như tôm, cua, cá, sữa, mỹ phẩm, xà phòng... biểu hiện chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị nguyên) như thức ăn, thuốc, mỹ phẩm, phấn rôm, xà phòng, nước hoa hoặc do côn trùng đốt, vi sinh vật, ký sinh vật, do tiếp xúc, do lạnh, do nắng hoặc do tăng tiết cholin và có thể do di truyền. Bệnh mề đay có thể do di truyền nhưng dạng này chiếm tỷ lệ thấp còn chủ yếu là gặp loại mề đay mắc phải do một trong các nguyên nhân vừa nêu ở trên. Khi tiếp xúc với vật lạ (dị nguyên), cơ thể sẽ hình thành một chất gọi là histamin. Chất histamin này làm cho người bệnh bị ngứa và đồng thời cũng làm xuất hiện các triệu chứng khác như thở gấp, khó thở, thậm chí nghẹt thở, đồng thời có thể làm giãn mạch máu gây hạ huyết áp, choáng váng. Trong những trường hợp đặc biệt này, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tính mạng người bệnh sẽ bị đe doạ... Cho đến nay chưa có công bố hoặc tài liệu nào nói rằng bệnh mề đay do lây nhiễm và vì vậy, bệnh mề đay không phải là một bệnh truyền nhiễm.

Không phải các bệnh mày đay đều giống nhau

Bệnh mề đay có 2 thể: cấp tính và mạn tính

- Mề đay cấp tính: Bệnh xảy ra đột ngột và xuất hiện ở bất kỳ vùng da, niêm mạc nào trên cơ thể. Bệnh biểu hiện các nốt sẩn, phù nề màu hồng hoặc đỏ. Ngứa là triệu chứng điển hình nhất của mề đay. Ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa. Có khi gãi chảy cả máu vẫn không đỡ ngứa. Nốt sẩn ngứa  kéo dài vài ba phút đến vài ba giờ rồi lặn. Bệnh có thể biểu hiện ở đường tiêu hóa gây đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy, thậm chí xảy ra ở tổ chức não gây phù nề não rất nguy hiểm. Bệnh cũng có thể xảy ra ở đường hô hấp gây khó thở, nghẹt thở có khi cần phải cấp cứu khẩn trương nếu không sẽ gây hậu quả rất xấu. Bệnh cũng có thể gây giãn mạch nhanh, tạm thời làm tụt huyết áp trong một thời gian ngắn gây hiện tượng khó chịu, choáng váng cũng rất cần cấp cứu kịp thời.

- Mề đay mạn tính: Khi bệnh xảy ra kế tiếp nhau nhiều lần hoặc cách quãng không kể số lượng nốt sẩn nhiều hay ít là biểu hiện của mề đay mạn tính. Mề đay mạn tính gặp ở nhiều dạng khác nhau như: mề đay thành vòng, thành vạch, mề đay xuất huyết, mề đay mụn nước. Đặc biệt là dạng mề đay phù Quincke: sưng mặt, mí mắt, môi, bộ phận sinh dục, hệ thống đường hô hấp như khí quản, phế quản, thanh quản (gây khản tiếng trong một thời gian rất nhanh). Phù Quincke xảy ra đột ngột và kéo dài vài giờ. Đôi khi phù Quincke gây tổn thương ở đường hô hấp, gây chít hẹp thanh, khí quản tạm thời rất nguy hiểm phải cấp cứu khẩn cấp, đặc biệt gặp ở bệnh nhân có bệnh hen suyễn mạn tính.

Cách phòng bệnh mày đay

Bệnh mề đay có nguyên nhân phức tạp nên nếu tìm ra được nguyên nhân và loại trừ chúng là bệnh khỏi hẳn. Những người (nhất là trẻ em) có cơ địa dị ứng với những chất như phấn rôm, tôm cua, sữa, xà phòng tắm... cần phải được loại trừ, không nên dùng lặp lại như những lần trước khi dùng đã xảy ra hiện tượng mề đay. Nhiều trường hợp mỗi lần tiếp xúc với nước lạnh hoặc gặp thời tiết lạnh là nổi mề đay ngay, vì vậy cần mặc ấm mỗi lúc thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh. Mỗi lần giặt quần áo, rửa chén, bát nên dùng găng tay loại có độ dày thích hợp. Khi đã bị mề đay một lần cần đi khám bác sĩ ngay, tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Hiện nay thuốc dùng trong điều trị bệnh mề đay có nhiều loại. Tuy vậy dùng thuốc gì, liều lượng ra sao, dùng trong bao lâu rất cần có ý kiến của bác sĩ khám bệnh cho mình. Đặc biệt đối với trẻ em khi bị mề đay cần dùng thuốc chống dị ứng, thầy thuốc sẽ cân nhắc nên dùng loại nào cho thích hợp với từng loại lứa tuổi, có những loại thuốc chống dị ứng rất tốt nhưng không dùng cho trẻ em hoặc có loại thuốc chống dị ứng chỉ được dùng cho lứa tuổi này mà không được dùng hoặc không nên dùng cho lứa tuổi khác...

                                                                                Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục