“Không phải cứ có tiền là 'chạy' được đâu, mà viện đủ mọi lý do, nào là xin gần cơ quan để tiện đường đưa rước; cạnh nhà ông, bà có thể dắt cháu đi học... cô giáo mới tạm thời nhận lời”, chị Thu, quận 8, TP HCM chia sẻ.

 

Nghe nói trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, là nhất TP HCM, có giáo viên giỏi lại tận tình, phòng ốc rộng, sân trường mát mẻ, học sinh nói tiếng Anh như “gió”, vợ chồng chị Thu tranh thủ dịp Tết vừa rồi mang quà (trị giá cả chục triệu đồng) đến thăm hỏi và mừng tuổi một giáo viên quen đang dạy ở trường này để nhờ cô “chia” lại một suất trái tuyến cho con vào lớp một.

Cả tháng trời lui tới, cuối cùng người giáo viên kia cũng nhận lời giúp xin cho cháu Hải vào trường, mặc dù nhà chị Thu hộ khẩu ở quận 5. Tuy nhiên, người mẹ này chưa thể yên tâm: “Năm ngoái ở gần nhà có bà chị xin cho con vào trường này tốn cả mấy chục triệu đồng mà cuối cùng 'mất cả chì lẫn chài' đấy thôi. Hy vọng cháu nhà tôi không bị rơi vào trường hợp trên".

Anh Hải, quận 5, cũng đang xin con vào trường Trần Hưng Đạo cho biết, nhờ có quan hệ thân thiết với cán bộ trên Sở giáo dục nên anh đã nhờ xin cho con mình một suất trái tuyến. "Ông này rất có uy và hứa sẽ lo được cho cháu. Chỉ cần được học ở đây, còn tốn bao nhiêu tui cũng chịu. Vì tôi nghe nhiều người bảo học ở trường này khả năng về sau được tuyển vào các trường chuyên và thi đậu đại học là rất cao”, anh Hải hồ hởi nói.

Nhà ở Cổ Nhuế (Hà Nội) và theo đúng tuyến, con trai 6 tuổi của chị Đào năm học tới sẽ vào trường tiểu học của làng, chỉ cần đi bộ 5 phút là đến nơi. Thế nhưng, chị quyết tìm mọi cách "chạy" cho con vào một trường điểm ở quận Tây Hồ, cách nhà 6 km.

Chị Đào cho biết, thực ra, cả chị và mấy anh em đều từng học ở trường làng và thấy khá tốt. Cơ sở vật chất ở cũng khang trang, lớp học không quá đông, lại tiện cho người nhà đưa đón con đi học. Thế nhưng, chị cũng được nhiều đồng nghiệp mách rằng, nếu muốn con thành tài, sau này lên cấp 2, cấp 3 vào được trường chuyên, lớp chọn... thì ngay từ bây giờ nên đầu tư cho bé học trường điểm. Cuối cùng, sau nhiều phân vân, chị quyết định sẽ nhờ người quen xin giúp cho con vào trường "xịn".

"Nói là 'xin' thôi chứ cũng hết vài 'vé' đấy. Thật ra, mình biết như vậy cả mẹ cả con sẽ vất vả hơn, có thể nhà mình phải thuê xe ôm đưa đón cháu nữa, nhưng vì tương lai của cháu, đành cố vậy", chị Đào chia sẻ.

Bố mẹ nào cũng muốn con mình khi vào lớp một sẽ được học tại các trường "điểm". Ảnh: Lệ Thanh.

Chị Yến (Thủ Đức, TP HCM) thì mệt mỏi sau khi chạy vạy khắp nơi mà đến giờ vẫn chưa xin được cho con vào trường tiểu học Lương Thế Vinh, do hộ khẩu khác phường. "Ngay cả đám giỗ mẹ chồng, gia đình cũng phân công ông xã và mấy đứa nhỏ về quê còn tôi và thằng con trai lớn ở nhà túc trực. Hễ ai mách nước tìm đến cán bộ hay giáo viên, thậm chí cả bảo vệ trường có khả năng lo được tôi đều tìm đến nhờ vả. Vậy mà đến giờ vẫn chưa thấy kết quả đến đâu, trong khi thời hạn chuẩn bị nộp hồ sơ cho năm học mới đã gần kề", chị Yến lo lắng ra mặt.

Thông thường khoảng giữa tháng 6 một số trường tiểu học đã phát hồ sơ tuyển học sinh đầu cấp. Do đó, hầu hết cha mẹ muốn xin trường cho con trái tuyến đều phải chạy đôn đáo tìm kiếm mối quen để "đặt chỗ" trước. Những năm trước TP HCM ra quy định các trường chỉ nhận học sinh đầu cấp có hộ khẩu tại địa bàn. Song trên thực tế vào năm học, vẫn có rất nhiều học trò ở các quận khác được nhận đến.

Một số phụ huynh khác giãi bày, chạy trường không phải vì lý do nhất định phải cho con học trường tốt, mà bất đắc dĩ nhà ở quận này nhưng bố mẹ đi làm quận khác. Chị Liên tâm sự, lẽ ra con gái chị phải học ở trường Him Lam, quận 6, nhưng khổ nỗi hai vợ chồng đều làm cho một ngân hàng ở quận 1 nên sợ không kịp về đón con sau những buổi tan học. Ngay từ đầu tháng 3 đến giờ, ông xã và chị đã chạy khắp nơi nhờ người quen xin cho con một suất vào trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 (gần cơ quan) nhưng đến nay mọi thứ vẫn rất mông lung.

“Nghe đâu các phụ huynh ở quận 1 nhưng khác phường với trường này đều mong con mình sẽ được học ở đây. Vậy mà năm nào trường cũng quá tải. Giờ chúng tôi đã thử dò hỏi nhiều mối và có nhã ý sẽ chịu tốn bao nhiêu cũng được nhưng chưa có ai nào chịu đứng ra giúp”, chị Liên nghẹn giọng nói.

Cũng có trường hợp trường học tại quận khác nhưng gần nhà hơn, tiện bề đưa đón nên bố mẹ phải “chạy”. Theo đúng tuyến, con chị Loan (Bình Thạnh) sẽ học tại Trường tiểu học Yên Thế. Tuy nhiên, trường này cách nhà quá xa, trong khi Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền lại nằm sát cạnh, rất tiện cho bà nội (70 tuổi) có thể giúp vợ chồng chị đưa đón cháu đi học. "Khổ nỗi trường gần lại thuộc quận khác. Cả tháng nay tôi và ông xã đang cố gắng tìm lại tất cả mối quen biết để nhờ xem người nào có thể giúp được xin cho con vào học", chị Loan nói.

Nhiều diễn đàn trên mạng cũng được tận dụng để các bậc phụ huynh trao đổi kinh nghiệm và giãi bày nỗi lo lắng chạy trường cho con. “Mình đang xin cho con vào quận 1. Các ba mẹ nào biết trường nào tốt chỉ giúp mình với. Gấp lắm đấy”, người có nick name mẹ Nhím Bin hỏi thăm trên một trang web dành cho trẻ thơ.

Nhiều trẻ bị "sốc" khi mới vào lớp một. Ảnh: Tiến Dũng

Trao đổi với VnExpress.net, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP HCM cho biết, kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2010-2011 của Sở giáo dục và đào tạo TP HCM tiếp tục quy định trường tiểu học không được nhận học sinh lớp một trái tuyến ngoài quận huyện. Do đó, nhà trường chỉ được phép nhận hồ sơ đúng tuyến. Những trường hợp trái tuyến chỉ có thể ưu tiên đặc biệt cho con ruột có cùng hộ khẩu của giáo viên, cán bộ công nhân trong trường... Ngoài ra, nếu còn thiếu chỉ tiêu thì nhà trường mới xét đến hồ sơ trái tuyến thông qua cuộc họp lấy ý kiến của hội đồng giáo dục phường, UBND phường.

"Thế nhưng, mới tháng 4, nhiều phụ huynh đã đi dò hỏi khắp nơi để xin cho con vào học lớp một trái tuyến tại trường với muôn vàn lý do. Chính vì tâm lý của cha mẹ muốn cho con học trường điểm, trường như mong muốn... mới nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, gây khó khăn cho cả phía gia đình và ngành giáo dục. Việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà trường", vị hiệu trưởng này nói.

Hiệu trưởng của một trường tiểu học tại quận 3 cũng cho biết, chỉ riêng việc giải quyết số trẻ 6 tuổi có hộ khẩu trên địa bàn được phân công theo tuyến cũng là một thách thức lớn. Năm nào trường cũng quá tải. Chẳng hạn năm vừa rồi lẽ ra trường chỉ có 5 lớp một nhưng cuối cùng phải tăng thêm 2 lớp.

Một cô giáo tại trường tiểu học Bình Trị Đông A, quận Bình Tân cho rằng, ở cấp tiểu học, tốt nhất bố mẹ chỉ nên chọn trường tiện đường, gần nhà, để tránh tắc nghẽn giao thông. Lên cấp hai mới nên chọn trường điểm vì lúc đó học sinh cần kiến thức sâu. "Đôi khi, ở các trường không nổi tiếng như đồn thổi cũng có những giáo viên rất giỏi và tận tâm với nghề, đó mới chính là yếu tố giúp các cháu tiếp thu và học tập tốt", cô giáo nói.

Theo nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống Smile's House (Láng Hạ, Hà Nội), hiện tượng tiêu cực này có từ lâu và vẫn có nhiều lý do để nó tiếp tục tồn tại.

Theo bà Thủy, hiện nay, đa số phụ huynh có ít con, điều kiện kinh tế cũng cao hơn nên không ngại đầu tư cho trẻ. Bố mẹ cho rằng, việc tìm cho con một môi trường học tập tốt khi mới đi học là nền tảng tốt nhất cho sự nghiệp học tập của bé sau này. Cũng có nhiều người quá kỳ vọng vào con, đặt ra những mục tiêu học tập cao và gò con theo mong muốn của mình, nghĩ rằng cứ cho con vào trường tốt là trẻ sẽ học giỏi. Ngoài ra, không ít bố mẹ lại cố chạy cho con học ở những trường có tiếng vì chính sĩ diện của mình.

"Việc quan tâm đến sự phát triển tối ưu của trẻ, tìm cho con trường tốt là rất cần thiết, nhưng môi trường học tập chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển của trẻ, nhất là các bé tuổi vỡ lòng", bà Thủy nói.

Cũng cùng quan điểm này, Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho rằng, thật ra, đôi lúc việc chạy trường cho con của các bậc phụ huynh chỉ theo cảm tính, lời truyền miệng, mách nhau về tiếng tăm của trường đó. Có khi nó phục vụ cho nhu cầu của bố mẹ nhiều hơn là cho trẻ.

"Thậm chí, ở một số trường 'xịn', để đảm bảo chất lượng và giữ vững thành tích, trẻ còn bị ép học nhiều và chịu áp lực về học tập quá sớm. Việc này chỉ có hại chứ không hề có lợi với các cháu mới đến trường", bà Hà thổ lộ.

Theo bà, một mặt trái nữa của việc chạy trường, chạy lớp là trẻ có thể tự cho mình ở đẳng cấp cao hơn, dẫn đến có thái độ và lối sống lệch lạc từ nhỏ.

"Tôi đã ngớ người khi thấy một bé gái lớp một nói với bạn rằng 'Lớp tớ học mới là lớp 'xịn', mẹ tớ phải xin mãi mới vào được đấy', còn lớp cậu chỉ bình thường thôi'. Trẻ ngày nay nhạy cảm và thông minh lắm. Người lớn ai cũng nghĩ các bé chẳng biết gì nên cứ vô tư bàn bạc mọi chuyện trước mặt chúng, mà không biết rằng điều đó ảnh hưởng tới nhận thức, suy nghĩ của trẻ thế nào", nhà giáo Lệ Thủy kể lại.

Theo các chuyên gia, khi chọn trường tiểu học cho con, bố mẹ không nên quá đặt nặng về tiếng tăm hay các danh hiệu của trường, mà nên quan tâm đến các yếu tố khác như phù hợp với điều kiện gia đình (chẳng hạn như về mức học phí, điều kiện bán trú...), thuận lợi cho việc đưa đón, có không gian thoáng đãng...

 

                                                                                     Theo NLĐ

Các tin khác

Thế hệ trẻ Mỹ có nguy cơ bị giảm thọ so với các thế hệ trước do béo phì
Đại diện văn phòng Tổng đại lý BHNT- Dai-ichi tại Hòa Bình trao 10 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường tiểu học xã Ân Nghĩa
Ép ăn cũng làm tình trạng chán ăn trầm trọng hơn
Không có hình ảnh

Trẻ lâu đâu cần collagen

Đang có phong trào đắp, thoa, chích, uống... collagen để trẻ hóa làn da. Thực hư thế nào?

Sở Y tế TP HCM soi chiết khấu tại nhà thuốc

Chiều 17/5, thanh tra Sở Y tế cho biết đã kiểm tra nhiều nhà thuốc trên địa bàn sau khi dư luận phản ánh các nhà thuốc này được hưởng đến 30% hoa hồng khi bán thuốc chữa viêm gan siêu vi C.

Kiểm soát cân nặng để kiểm soát huyết áp

Bộ Y tế, kênh O2TV và Viện Tim mạch quốc gia ngày 16-5 tổ chức chương trình tuyên truyền hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh tăng huyết áp (17-5) có chủ đề kiểm soát cân nặng- góp phần kiểm soát huyết áp.

Nữ y tế thôn bản người Dao

(HBĐT) - Mới 21 tuổi, cô gái Đặng Thị Mai đã được bà con dân tộc Dao, Mường ở xóm Tra, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc chọn làm y tế thôn bản với nhiệm vụ theo dõi tình hình sức khoẻ ở địa bàn. Tuổi còn trẻ, thiếu cả kiến thức và kinh nghiệm, cô đã bắt đầu công việc của mình bằng trau dồi vốn hiểu biết, học hỏi các cô, các chú y tế thôn bản đi trước trong việc tiếp cận người dân.

Điều trị rối loạn tiêu hóa bằng Y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, chứng rối loạn tiêu hóa được xếp theo hệ tiêu hóa. Hệ này có chức năng của tỳ vị. Nói đến rối loạn tiêu hóa là nói đến hậu thiên trực tiếp đến tỳ vị. Nội kinh có ghi: “Thức ăn nước uống đều vào dạ dày, biến đổi ra chất tinh dịch, hợp với khí ở dạ dày đi khắp cơ thể”. Nếu ăn uống không tiết độ thì dạ dày bị bệnh trước, tạng tỳ thọ bệnh sau…

Dùng thuốc tiêu sợi huyết ở bệnh nhân đột qụy não

Đột quỵ là một bệnh hiện nay khá phổ biến. Bệnh có tỉ lệ tử vong và gây tàn phế rất cao. Việc điều trị triệt để là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng này. Một trong những phương pháp điều trị là dùng các thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục