Sau khi thông tin bọ xít hút máu người tạm lắng xuống, mới đây, các nhà khoa học lại thông báo rệp hút máu người lại xuất hiện tại Hà Nội

 

Ông Nguyễn Quang Thái, Trưởng Phòng Thí nghiệm động vật y học, Khoa Côn trùng – Ký sinh trùng - Động vật y học (Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội), cho biết gần đây, tại khu vực nội thành Hà Nội đã xuất hiện rệp giường (Bedbug) hút máu người.

 
Vào khách sạn
 
Theo thông tin mà Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội nhận được từ một khách sạn ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), có một khách bị côn trùng lạ đốt gây mẩn ngứa, khó chịu đến mức không ngủ được.
 
Lập tức, cán bộ của viện đến và phát hiện nhiều vết máu li ti trên drap trải giường, khi lật lên, soi kẽ giường thì phát hiện nhiều con rệp giường, một loài côn trùng hút máu người.
 
Đáng nói là không chỉ có trong phòng của vị khách nói trên, rệp giường xuất hiện ở nhiều nơi khác của khách sạn này.
 
Trước đó, khách sạn này có tiếp nhận một khách nước ngoài đến nghỉ và đã rời khách sạn 3 ngày, trước khi phát hiện rệp hút máu người.
 
Theo nhận định của cán bộ Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội, rất có thể vị khách này là tác nhân mang theo rệp giường lẫn trong hành lý.
 
Ngay sau đó, các phòng khách sạn đã được phun hóa chất diệt côn trùng như Fendona, Icon, Permethrin 5OEC nhưng không hiệu quả, nhiều con rệp giường vẫn sống.
 
Ông Thái cho biết mặc dù loại côn trùng này chưa có khả năng truyền bệnh nguy hiểm cho con người nhưng khi bị đốt, nạn nhân sẽ bị ngứa, rát, rất khó chịu.
 
So với loại bọ xít hút máu người gây xôn xao dư luận gần đây, rệp giường có kích thước nhỏ hơn nhiều (chỉ bằng hạt gạo) và chạy nhanh hơn nên việc tiêu diệt chúng rất khó khăn. Đáng lưu ý, loại rệp giường này sinh trưởng rất nhanh và hóa chất chưa có tác dụng tiêu diệt triệt để.
 
Nhỏ bằng hột gạo, bình thường loài rệp này màu vàng nhạt, khi hút no máu
sẽ chuyển thành màu nâu đỏ (Nguồn: Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội)

Theo các nhà khoa học, rệp giường là loài côn trùng thuộc bộ bọ xít (Hemiptera), có mùi hôi, cơ thể dẹt, kích thước khoảng 4 – 5 mm.
 
Bình thường, cơ thể chúng có màu vàng nhạt, khi hút no máu người hoặc động vật chúng chuyển thành màu nâu đỏ.
 
Vòng đời của rệp giường gồm ba giai đoạn: Trứng, thiếu trùng và trưởng thành. Trứng màu trắng sữa hoặc trắng xanh, dài khoảng 1 mm. Thiếu trùng giống với rệp giường trưởng thành nhưng kích thước nhỏ hơn.
 
Để hoàn thành sự phát triển từ trứng đến trưởng thành, cần thời gian từ 6 tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường và điều kiện dinh dưỡng.
 
Rệp giường hút máu vào ban đêm nhưng nếu điều kiện thuận lợi hoặc rệp đói lâu ngày, chúng cũng đốt người vào ban ngày. 
 
Thời gian hút máu của rệp trưởng thành khoảng 5- 10 phút, sau 2- 3 ngày, rệp lại hút máu một lần, thế nhưng, chúng có thể nhịn đói mà vẫn sống đến vài năm. Rệp giường cái đẻ trung bình 5 trứng/ngày và trong vòng đời của mình, chúng có thể đẻ tới 500 trứng.
 
Khó tiêu diệt tận gốc
 
Giới chuyên môn cho hay mặc dù đã tìm thấy trong cơ thể rệp chứa các tác nhân gây bệnh như dịch hạch, hồi quy, sốt Q, Tularemia, viêm gan B... nhưng đến nay, chưa phát hiện chúng gây lây truyền cho con người, động vật bị đốt.
 
Ông Nguyễn Quang Thái cho biết thêm rệp giường không phải là loài côn trùng mới phát hiện. Cách đây khoảng 10 năm, Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội đã phát hiện rệp giường trong một số phòng ở tập thể.
 
Việc rệp giường bất ngờ xuất hiện trở lại có thể do sự giao lưu, đi lại của người dân. Trên thế giới, dịch rệp đang hoành hành tại Phần Lan, đặc biệt là ở Mỹ và các nước châu Âu khác như Anh, Pháp... 
 
“Rệp giường là một trong những loại ký sinh khó tiêu diệt được tận gốc nhất. Vì thế, khi phát hiện rệp giường, nhất thiết phải tìm và tiêu diệt. Vệ sinh chăn màn, giường chiếu, bàn ghế... bằng cách phơi nắng, xịt hơi nóng vào các kẽ giường, tủ - nơi có rệp giường trú ngụ. Có thể đun nước sôi, hòa với thuốc diệt rệp tưới vào các khe có rệp, làm mỗi tuần một lần, liên tục trong nhiều tuần đến khi hết rệp và cũng có thể sử dụng các hóa chất, dụng cụ chuyên dùng khác” - ông Thái khuyến cáo.
 
 
                                                                                Theo NLĐ

Các tin khác

Không có hình ảnh
Triển khai Dự án nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Không có hình ảnh
Ảnh minh hoạ.

Các thuốc không được dùng khi mắc sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết gây ra các rối loạn, đặc biệt ở mạch máu - máu. Dùng thuốc nhằm lập lại thăng bằng, chống lại các triệu chứng bất lợi. Nhưng nếu dùng không đúng thuốc, không đúng cách thì sự rối loạn ấy sẽ tiến triển theo hướng xấu, khiến bệnh trầm trọng thêm.

Những điều cần biết về thoái hóa khớp

Bệnh hư khớp hay thoái khớp là một bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc và ở tất cả các vùng địa lý. Bệnh gây đau các khớp buổi sáng, viêm khớp, hẹp khe khớp, mọc gai xương… làm giảm khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Chuyển mùa, trẻ mắc sốt vi rút tăng vọt

Một tuần trở lại đây, tại một số cơ sở khám chữa bệnh thống kê được, con số bệnh nhi phải đưa đến viện khám tăng khoảng 30% so với những ngày trước đó.

Hội Chữ Thập đỏ tỉnh góp phần đảm bảo an sinh xã hội

(HBĐT) - Những năm gần đây, nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tích cực phát động kêu gọi sự ủng hộ của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội chung tay giúp đỡ người nghèo, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam…

Tập huấn cho đội phản ứng nhanh tuyến huyện về điều tra và đáp ứng đại dịch cúm ở người

(HBĐT) - Từ ngày 18 - 20/8, Trung tâm YTDP tỉnh tổ chức tập huấn về điều tra và đáp ứng đại dịch cúm ở người cho đội phản ứng nhanh tuyến huyện. 75 người là thành viên của đội cơ động phòng, chống dịch và cán bộ trạm thú y 11 huyện, thành phố đã dự khoá tập huấn.

Nhiều bệnh nhân thuyên giảm nhờ uống nước nấm rừng

Sau khi uống nước sắc từ nấm mọc trên cây gỗ lim xanh, nhiều người bệnh, hoặc người thân của người bệnh đã trực tiếp gặp gỡ với phóng viên Báo CAND, trao đổi qua điện thoại cho biết, bệnh tình đã thuyên giảm đáng kể...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục