Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng

Chỉ riêng 2 tuần đầu tiên của tháng 10, TP Đà Nẵng có thêm 256 ca mắc sốt xuất huyết, nâng tổng số bệnh nhân từ đầu năm đến nay lên gần 3.000 ca

 
Chưa năm nào dịch sốt xuất huyết (SXH) ở TP Đà Nẵng lại tăng cao như năm nay. So với cùng kỳ năm 2009, số ca mắc bệnh  hiện đã cao hơn 6 lần. Trong đó có một trường hợp tử vong là bệnh nhân 27 tuổi, ngụ quận Sơn Trà.
 
70% là học sinh, sinh viên
 
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, dịch SXH bùng phát và tăng mạnh trở lại trong khoảng 2 tuần qua. Đặc biệt  có đến 70% số ca mắc là học sinh, sinh viên. Trọng điểm của dịch là quận Sơn Trà (245 ca) và quận Hải Châu (223 ca). Bệnh viện Đà Nẵng hiện đang tiếp nhận điều trị cho 150 bệnh nhân, trong đó nhiều ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao do nhập viện điều trị chậm.
 
Đặc biệt tại Khoa Nhi, lượng bệnh nhân nhập viện tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2009. Bình quân mỗi ngày, khoa này tiếp nhận 20-30 bệnh nhân. Trong khi toàn khoa chỉ có 170 giường bệnh nhưng hiện phải điều trị trên 350 bệnh nhân, thậm chí có thời điểm trên 400 bệnh nhân.
 
Dày đặc muỗi và chuột
 
Tại các khu chung cư Thuận Phước, Thanh Lộc Đán..., muỗi xuất hiện dày đặc. “Khổ quá các chú ơi, tôi sống ở đây gần 10 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy muỗi xuất hiện nhiều như thế. Muỗi từng đàn quá khủng khiếp” - bà Nguyễn Thị Xuân Lan (72 tuổi, ở khu chung cư Thuận Phước) ngán ngẩm nói. Ngoài việc bật 4-5 quạt máy cùng lúc, gia đình bà hằng ngày còn  phải đốt lửa cho khói bay mù mịt vào nhà để đuổi muỗi.
 
Bà Lan cũng cho biết cháu nội là Phan Trần Khánh Linh (lớp 11) bị muỗi đốt, sốt cao phải nhập viện. Linh vừa xuất viện thì em gái là Phan Quang Khánh Ly (lớp 8) cũng phải nhập viện. Chị Nguyễn Thị Hải, ở cùng khu chung cư này, kể trước khi vào giường ngủ, gia đình phải bật quạt máy và thắp nhang chống muỗi ngay cửa mùng. Theo các hộ dân ở đây, nguyên nhân muỗi xuất hiện nhiều là do nước ở hồ Đầm Rong chảy ngang qua đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, hơn nữa vệ sinh ở khu chung cư còn quá nhếch nhác.
 
Tại khu chung cư Thanh Lộc Đán, đập vào mắt chúng tôi là sự nhếch nhác, mất vệ sinh, nước thải chảy lênh láng trên nền đất và rác khắp nơi. Mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ sông Phú Lộc. Theo người dân, lực lượng chức năng có phun thuốc diệt muỗi nhưng chẳng thấm vào đâu, vài ngày là muỗi lại hoành hành trở lại.
 
Nhiều người thờ ơ
 
Trước tình hình dịch SXH bùng phát, UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, vận động người dân chủ động hơn và tự giác trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống như vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy một lần/tuần tại các hộ gia đình, tổ dân phố, cơ quan, trường học.
 
Bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, cho rằng nguyên nhân SXH tăng cao trong thời gian qua là do thời tiết diễn biến thất thường, thuận lợi cho sự truyền bệnh. Năm 2010 là thời điểm chu kỳ đỉnh điểm của SXH, mặt khác, đuôi dịch của năm 2009 chưa hết hẳn nên tạo điều kiện cho dịch bùng phát sớm; việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị trên diện rộng cũng tạo ra những khu đất trống, cống rãnh, hồ nước nhỏ, bãi rác tại các lô đất chưa làm nhà. Hơn nữa, người dân cũng chưa thật sự quan tâm và nhận thức đầy đủ về công tác phòng chống SXH; công tác vệ sinh môi trường, xử lý lăng quăng, diệt muỗi tại các hộ gia đình không được chú trọng; việc phun hóa chất diệt muỗi cũng gặp nhiều trở ngại do nhiều hộ dân không chịu mở cửa nhà, yêu cầu phải phun theo ý cá nhân. Sự chỉ đạo của UBND xã, phường cũng chưa quyết liệt, còn mang tính phong trào.
 
Bác sĩ Hóa cho biết thêm hiện trung tâm đang chỉ đạo các đội y tế dự phòng quận, huyện vận động nhân dân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại những vùng phát dịch và những vùng nguy cơ tiềm ẩn cao, thu gom vật phế thải đồng thời phối hợp Sở GD-ĐT và các trường học tuyên truyền cho học sinh, sinh viên việc phòng tránh SXH tại trường học và các ký túc xá. “Người dân cũng như nhiều cán bộ dịch tễ vẫn ỷ lại vào việc phun hóa chất nhưng không chú trọng giữ sạch môi trường. Khi đã xử lý, dịch bệnh vẫn có thể xảy ra vì đây chỉ là biện pháp nhất thời. Ở những vùng nước đọng, rác thải, nguy cơ bùng phát ổ dịch vẫn rất lớn”- bác sĩ Hóa nhấn mạnh.

Quảng Ngãi

Hơn 130 ổ dịch

 
Tỉnh Quảng Ngãi đang có hơn 130 ổ dịch SXH với 2.764 ca mắc, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. TP Quảng Ngãi hiện có số ca mắc cao nhất (gần 1.000 ca); các huyện Tư Nghĩa và Sơn Tịnh đều có trên 400 ca mắc. Tại Quảng Ngãi cũng đã xuất hiện ca SXH cấp độ 4 (là cấp độ nguy hiểm nhất). Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 100 bệnh nhân SXH nhập viện khiến hầu hết các bệnh viện từ tỉnh đến huyện đều ở trong tình trạng quá tải.

 

                                                                                     Theo NLĐ

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục