Đến với bản Thoọng Pẹ, huyện Căm Cớt, tỉnh Bôlykhămsay, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vào bất cứ lúc nào, bạn sẽ được đắm mình trong những cái bắt tay thật chặt, những lời tâm tình không cần phiên dịch và bài hát “Việt Lào Sa-ma-khi” thắm nồng tình đoàn kết, ấm áp như sắc hoa cải Mèo vụ đông. “Khọp chay thàn mỏ năn thà hán sà đẻn Việt Nam” (Cảm ơn thầy thuốc bộ đội biên phòng Việt Nam ) - suốt ba năm nay, kể từ ngày Trạm y tế quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ do đồn Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo xây dựng để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh cho nhân dân một số bản làng biên giới nước bạn, câu nói ấy vẫn luôn được bà con thốt lên để tỏ lòng tri ân tới các bác sĩ quân y Việt Nam

 

Trạm quân y, nơi  “ghi tạc nghĩa tình từ trước”

Trong màn sương mù dày đặc, chiếc xe Uatz của chúng tôi bò từng chặng trên con đường quanh co đồi dốc để đến với Thoọng Pẹ. Từ xa, đỉnh núi Giăng Màn trùng điệp giữa mây ngàn sương trắng khiến cảnh vật một miền biên viễn phía Tây Tổ quốc như xa xăm vời vợi. Ngọn núi ấy cũng là nơi khởi nguồn của hai dòng nước. Một dòng đổ về triền Đông trôi về đất Việt mang tên Ngàn Phố, dòng nước anh em còn lại là Nậm Tuồng xuôi cánh Tây về vùng đất Chămpa. Ngàn năm qua, hai dòng chảy ấy đã bền bỉ mang trong mình biết bao trầm tích văn hóa của hai dân tộc Việt – Lào thủy chung, sâu nặng.

Lịch sử ghi lại, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường 8A từ Hồng Lĩnh tới ngã ba Thoọng Pẹ là một trong những con đường vận chuyển chiến lược của ta vào chiến trường miền Nam qua đất bạn Lào. Những đôi vai trần của bao chàng trai, cô gái Thoọng Pẹ năm xưa đã sát cánh cùng bộ đội Việt Nam tạo nên những cây cầu tre bắc trên vai người để hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men vượt qua truông, qua suối, chuyển vào tuyến lửa. Rồi những ngày tháng sau đó, nhân dân Thoọng Pẹ cũng là những người đầu tiên đổ ra đường chào đón hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu vì đất nước và nhân dân Lào anh em. Nghĩa tình ấy, miền đất ấy, con người ấy thì không quí, không thương sao được!?

Bằng giọng nói ấm áp mang ngữ điệu miền Trung, Trung tá Võ Trọng Hải, đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho chúng tôi biết thêm nhiều điều về vùng đất ngoại biên mà các anh đang dốc lòng giúp đỡ. Do mô hình tổ chức chính quyền của bạn có đôi chút khác ta nên đơn vị hành chính bản tương đương với xã của ta. Toàn bản có hơn 300 hộ, nhưng có đến hơn hai nghìn người và rất nhiều trẻ em do đàn ông nơi đây được phép lấy nhiều vợ. Dân Thoọng Pẹ đa số là người Mông sống xen cư với một số hộ người Lào. Trong số 49 bộ tộc của đất nước Lào, người Mông được xếp vào nhóm Lào Sùng - nghĩa là chỉ những người Lào sống trên núi cao. Kinh tế chủ yếu trông vào nghề trồng thuốc phiện và làm nương rẫy nên đời sống khó khăn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn có nhiều biến động. Năm 2003, bộ đội biên phòng (BĐBP) đồn Cầu Treo phối hợp cùng Đồn Công an Nậm Phao (Lào) giúp dân bản phát triển kinh tế, văn hóa, xóa bỏ tập tục lạc hậu. Cũng từ đó nương rẫy của người dân Thoọng Pẹ có hoa gừng nở đỏ thay cho hoa anh túc. Những hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi; những căn bệnh truyền đời từng cướp đi sinh mạng bao người dân trong bản được chữa lành; những đối tượng xấu chuyên luồn rừng đến các bản người Mông giáp biên để kêu gọi xây dựng Nhà nước Mông tự trị bị vạch mặt… Từng việc làm đầy ắp nghĩa tình của các anh đã khiến bà con Thoọng Pẹ cảm động và tin tưởng.

 Quân y Đồn biên phòng Cầu Treo khám bệnh cho bà con Thoọng Pẹ.

Chủ trương xây trạm quân y ở “nơi ghi tạc nghĩa tình từ trước” này là một câu chuyện dài và đầy cảm động về tình quân dân biên giới. Trước đó, mỗi lần trong bản có người ốm bệnh, trưởng bản lại cho người sang báo với Trạm Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo xin được giúp đỡ. Mỗi lần như vậy là quân y của đồn phải vượt hàng chục cây số để sang khám chữa bệnh cho nhân dân nước bạn rồi lại vượt chừng ấy đường đất quay về. Sau này, xét thấy chuyện chăm lo y tế lâu dài cho người dân là cần thiết, cuối năm 2007, Trạm quân y bản Thoọng Pẹ do đồn biên phòng Cầu Treo xây dựng với tổng kinh phí hơn một tỷ đồng huy động từ nhiều nguồn được khánh thành trong niềm vui chung của quân dân hai miền biên giới và trở thành trạm quân y duy nhất của ta xây trên nước bạn hiện nay.

 Được xây dựng kiên cố trên đỉnh ngọn đồi cao nhất trung tâm bản, trạm quân y Thoọng Pẹ có đầy đủ các trang bị y tế cần thiết cho việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người bệnh và một cơ số thuốc dự trữ đủ dùng trong một năm. Ba y sỹ quân y của đồn được giao nhiệm vụ cắm chốt tại trạm, thường trực khám chữa bệnh, sơ cấp cứu miễn phí cho bà con.

Trong trường hợp bệnh nhân có chuyển biến xấu, các anh sẽ giới thiệu đi các bệnh viện ở Hà Tĩnh và Nghệ An để cứu chữa. Từ chỗ được xây dựng để khám, chữa bệnh miễn phí cho bản Thoọng Pẹ, đến nay trạm y tế này trở nên quá tải khi bà con nhân dân ở nhiều bản khác trong huyện Căm Cớt và các huyện lân cận của nước bạn Lào cũng tìm đến đây để chữa bệnh.

Điều thú vị là ở trạm quân y đặc biệt này, bệnh nhân không cần quan tâm đến giới hạn địa chính, không lo bị phân tuyến, có thể đến trạm xá bất cứ lúc nào mà không cần có bảo hiểm y tế hay giấy giới thiệu và khi đi khám bệnh lại càng không phải lo đến chuyện tiền nong... Người bệnh sau khi khám không thể dùng đơn thuốc hướng dẫn như thông thường mà các y sỹ phải chia các loại thuốc theo từng ngày rồi cho vào từng túi nilon nhỏ. Đến hẹn, nếu không thấy bệnh nhân đến tái khám thì các y sỹ phải thay nhau tìm đến nhà bệnh nhân để kiểm tra. Người bệnh phải cầu cứu bác sĩ thì ở đây, họ nói tỉnh bơ rằng: “ Con tao nó ốm thì tao đem đến cho “thàn mỏ Việt Nam” chữa thôi. Tao không cúng ma nữa, nên nhớ phải chữa khỏi cho con tao đấy”. Thậm chí có trường hợp như gia đình anh Tềnh Phồng thì còn “hách” hơn. Khi đưa vợ đến chữa bệnh sốt rét tại trạm, anh còn mặc cả trước rằng: “ Nếu “thàn mỏ” không đuổi được bệnh trong người vợ tao đi, để vợ tao chết thì tao cũng bỏ bản đi nơi khác sống thôi”. Ở trạm quân y Thoọng Pẹ, những trường hợp như anh Tềnh Phồng cũng chẳng phải là chuyện hiếm...

Xe vẫn vun vút chạy giữa những cánh rừng nguyên sinh, anh Sáng Phử, công an huyện Căm Cớt kể tiếp câu chuyện còn dang dở. Từng có những cán bộ của huyện Căm Cớt xuống xây dựng, củng cố cơ sở chính quyền địa phương trước đây ở Thoọng Pẹ than rằng: “Vào được nhà người Mông ở Thoọng Pẹ khó như đi vào rừng, khuyên được người Mông đừng trồng cây thuốc phiện khó bằng xuống dưới khe sâu, bảo được người Mông khi ốm đau đừng cúng con ma rừng mà phải đi bệnh viện khó hơn trèo lên đỉnh núi. Khó thế mà BĐBP Việt Nam làm được. Giờ người Mông ở Thoọng Pẹ đi đâu, làm gì thì khéo chỉ có Giàng biết và… BĐBP Việt Nam biết”.

Rồi tấm biển báo màu xanh dương cho chúng tôi biết Thoọng Pẹ đã ở trước mặt. Đang mùa hoa sở nở trắng trời, những nếp nhà yên bình nằm trên sườn đồi thoai thoải như báo hiệu sự no ấm, yên vui. Trước cửa nhà trưởng bản Nềnh Pá Sồng, bà con đã đến rất đông để chào đón. Tất cả đều chắp tay trước ngực đầy trọng thị chào khách: “Săm-bai-đi! Mạnh khoẻ chứ?...”. Tiếng Lào, tiếng Việt xen trong cái bắt tay ấm áp đằm thắm, thân quen như người thân gặp lại. Đi từ đầu bản đến cuối bản mới thấy hầu hết người lớn, trẻ em ở Thoong Pẹ đều nói được dăm ba câu tiếng Việt. Riêng các vị chức sắc lãnh đạo bản và các tổ chức, đoàn thể của bản thì đều rất thạo tiếng Việt. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc của bản vốn gốc là người Mông ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An di cư sang đây từ đầu những năm 60 nói rành rẽ từng lời: “Nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi rất biết ơn bộ đội biên phòng Việt Nam, biết ơn Thào (anh) Hải, Thào Hùng, Thào Phương, Thào Sơn… lắm. Không có thầy thuốc biên phòng và trạm quân y thì dân bản mình còn khổ vì cái bệnh, còn khổ vì cúng ma”.

Những thầy thuốc cắm chốt ngoại biên

Ông Vừ A Choóng, người dân bản Thoọng Pẹ vẫn còn nhớ như in cái ngày cách đây vừa tròn 5 năm, y sĩ Nguyễn Văn Hùng và Lê Văn Sơn, quân y của Đồn biên phòng Cầu Treo lặn lội đến nhà ông để vận động gia đình đồng ý cho các anh khám bệnh cho cô con dâu đang trong cơn nguy kịch, nằm liệt giường. Bản thân ông Choóng là thầy mo nên đã tổ chức cúng đuổi ma cho con dâu suốt mấy tháng liền mà bệnh không thuyên giảm. Sau khi khám, các anh nhận định cô con dâu bị bệnh thần kinh, hoàn toàn có thể chữa khỏi được nên đã báo cáo với chỉ huy. Lúc ấy, trung tá Võ Trọng Hải còn là Trạm trưởng trạm Biên phòng cửa khẩu đã quyết định nắm lấy cơ hội này để thay đổi suy nghĩ của bà con trong việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh. Anh “đặt cược” với thầy mo Choóng rằng, nếu quân y Việt Nam không chữa được thì trạm sẽ chịu phạt trâu bò đủ cho cả bản mở tiệc mấy ngày. Trong trường hợp chữa khỏi thì thầy mo phải giúp chúng tôi vận động bà con đến chữa bệnh, không nên cúng ma nữa.

 Bác sĩ quân y khám bệnh cho dân.

Trách nhiệm lúc này dồn lên vai hai đồng chí quân y. Suốt một tháng sau ngày “đặt cược” đó, y sĩ Hùng, y sĩ Sơn ngủ nhờ tại nhà trưởng bản, hàng ngày thay nhau đến nhà thầy mo để tập trung châm cứu cho người bệnh. Chưa đầy một tháng, cô con dâu thầy mo có thể đứng lên tự đi lại. Sang tháng thứ hai đã thoăn thoắt gùi quẩy tầu lên nương trước sự ngỡ ngàng của gia đình và dân bản. “Thắng cược” thầy mo, anh Hải quyết định đề nghị Bộ chỉ huy phối hợp với Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh mang toàn bộ y bác sĩ giỏi nhất của biên phòng tỉnh và Bệnh viện Hà Tĩnh sang Thoọng Pẹ. Hôm ấy, trước mặt dân bản, thầy mo đứng dậy tuyên bố là ốm đau không phải do con ma hành nữa, mà là do không biết cách dùng thuốc, không biết cách phòng chống dịch bệnh.

Trò chuyện với chúng tôi, thiếu tá Nguyễn Văn Hùng - Trạm trưởng trạm quân y Thoọng Pẹ cho biết, các loại bệnh thường gặp ở đây chủ yếu là các bệnh đường ruột, sốt rét và bệnh phụ nữ do ý thức sinh hoạt của bà con rất tuỳ tiện, ăn uống mất vệ sinh… Được biết, người trạm trưởng quân y này có một bản lý lịch cũng khá ấn tượng trong việc lăn lộn chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Trước khi sang nhận nhiệm vụ trên đất bạn, thiếu tá Hùng đã có khoảng thời gian gần mười năm cùng sống với đồng bào dân tộc Chứt để bảo tồn dân tộc này tại Đồn biên phòng bản Giàng nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, hiểu rõ phong tục, tập quán của các dân tộc nên việc khám chữa bệnh cũng có nhiều thuận lợi. Bây giờ, lưng vốn ngoại ngữ (tiếng Lào) và nội ngữ (tiếng Mông, tiếng Chứt, tiếng Thái đen, Thái đỏ…) của anh cũng rất khá, đủ để trò chuyện và khám chữa bệnh cho các đối tượng bệnh nhân đến từ các bộ tộc Lào anh em.

Chuyện chữa bệnh cho bà con ở Thoọng Pẹ cũng có bao nhiêu điều để kể. Năm 2008, thiếu tá Hùng đã cùng với anh em trong trạm chữa khỏi bệnh cho ông Clông - thầy mo giỏi nhất bản – khi đó đã 70 tuổi. Chữa trị cho người bệnh bình phục đã là một niềm vui, nhưng trong trường hợp này, niềm vui ấy còn nhân lên gấp bội khi ông Clông đi đâu cũng nói với dân bản khi ốm đau phải đến trạm xá chứ không được cúng con ma rừng như trước nữa. Đến nay thì hầu hết các thầy mo đều đã bỏ nghề. Rồi trường hợp của bà Con Khăm ở bản Na Pê lân cận cũng là cơ hội để các anh củng cố niềm tin với nhân dân. Do bà bị ốm lâu ngày, lại điều trị hết rất nhiều tiền mà vẫn không lành, bệnh viện huyện Căm Cớt trả về cho gia đình để chờ làm ma. Được người thân mách, các con bà đưa sang trạm quân y với hy vọng còn nước còn tát. Sau khi thăm khám và cho thuốc, sang ngày thứ ba, bà đã cắt sốt và có dấu hiệu phản ứng tích cực. Hiện nay, bà đã có thể đi nương rẫy bình thường. Mỗi lần có việc đi qua Thoọng Pẹ, bà đều mang mớ rau, nắm chè lên thăm Thào Hùng, Thào Phương vì nhớ cái ơn cứu mạng.

Có lần, đang bữa cơm chiều, trưởng bản Nềnh Chá Sồng chạy đến trạm báo rằng có đứa trẻ bị ngã từ trên cây xuống. Thiếu tá Hùng cùng anh em vội lao đi. Đường lên nương chỉ bé bằng bụng con ngựa thồ, lại trơn trượt nên các anh phải buộc xích vào bánh xe để tăng độ ma sát đi cho nhanh. Cũng may là đến kịp để cấp cứu cho cháu bé thoát khỏi tay tử thần trong gang tấc. Hơn ba năm làm nhiệm vụ trên đất bạn, với chiếc xe Win cà tàng không biển số của trạm, những thầy thuốc mang quân hàm xanh này đã chạy từ bản Thoọng Pẹ sang bản Na Pê, bản Na Hương, Na Hạt, Na Liêng, Noọng Ó… như con thoi, hết lòng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các bộ tộc Lào đang sinh sống trên vùng biên giới Căm Cớt.

Thoắt cái đã hơn ba năm làm nhiệm vụ tại Trạm quân y Thoọng Pẹ, những quân y như y sĩ Hùng, y sĩ Phương, bác sĩ Sơn… đều có một cảm nhận chung là đất Thoọng Pẹ bện người lắm. Rồi xem cái cách các anh xăm xắn vào việc, hô hào bà con làm vệ sinh làng bản, xuống từng hộ gia đình kiểm tra điều kiện vệ sinh, nơi ăn chốn ở, khám bệnh thường kỳ cho nhân dân… cũng đủ biết cái sự bện người ấy cũng là do tự lòng mình mà ra cả. Ba năm sống trong tình hữu nghị, đoàn kết Việt - Lào anh em, ba năm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân nước bạn đủ để thấy các anh đã đặt toàn bộ hoài bão, tâm huyết của mình vào vùng đất này. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng sự ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân trong bản đã làm ấm lòng người chiến sĩ. Các anh được bà con nơi đây coi là người “con của bản” - một danh dự mà người Mông thường tuyệt đối không bao giờ dành cho người ngoại tộc, trừ những người có công cứu dân tộc mình. Ai nấy đều bảo: “Những cái gì bản ta làm được thì mang biếu cho “thàn mỏ Việt Nam” ăn. Bản ta có thể đói nhưng không thể để “thàn mỏ Việt Nam” đói. Những chữ nào của người Mông ta, “thàn mỏ Việt Nam” không biết thì cứ đến hỏi ta, rồi ta sẽ bày cho biết. “Thàn mỏ Việt Nam” đừng bỏ dân ta mà về Việt Nam, tội nghiệp!”. Thế mới biết, ba năm đã qua không phải là một con số dài, nhưng mồ hôi nước mắt đổ xuống đất, niềm vui, nỗi buồn chia cùng người thì đất ấy, người ấy đã trở thành máu thịt của mình rồi.

Trước khi chia tay các anh, chúng tôi chợt nghe có tiếng cười đùa của những đứa trẻ phía sau đồi. Lại gần mới biết, đó là một bể nước công cộng chứa nước dẫn từ trên núi cao về. Bà con Thoọng Pẹ thường ra đây lấy nước sạch về dùng. Còn đối với bọn trẻ thì được vừa chơi cà kheo, vừa tắm mát tại nơi này là niềm vui mỗi buổi chiều của chúng. Trên thành bể có dòng chữ viết bằng tiếng Mông. Anh Linh Nó Sồng, một người dân Thoọng Pẹ dịch nghĩa cho tôi hiểu: “ Năm 2008, bộ đội biên phòng Cầu Treo cho bản mình cái bể. Nước từ bể dùng để ăn chín uống sôi, dùng để tắm cho cái người mình sạch sẽ, giặt rửa cho cái nhà mình thơm tho. Cả bản ai cũng mạnh khoẻ”.

Chỉ ngần ấy chữ thôi nhưng đủ để chúng tôi cảm nhận được biết bao điều. 
 
 
                                                                                Theo Báo SKĐS
 
 

Các tin khác

Giáo viên trường THCS Đồng Bảng quyên góp áo ấm tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Lực lượng thú y thành phố Hòa Bình triển khai phun thuốc khử trùng tiêu độc tại khu vực chợ Phương Lâm
Không có hình ảnh

Ra quân kiểm tra các cơ sở chế biến mứt tết

Ngày 11-1, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã lập 2 đoàn kiểm tra 7 cơ sở sản xuất mứt tết trên địa bàn các quận 11, 6, Tân Phú, Bình Chánh TPHCM

Ghép tế bào gốc cho bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo

GS, TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: Trong quý I năm 2011 này, bệnh viện sẽ ứng dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc, mở ra hy vọng mới cho bệnh nhi ly thượng bì bọng nước bẩm sinh. Hai bệnh nhi đầu tiên được thực hiện kỹ thuật mới này là bé N.V.A (bốn tuổi, ở Vĩnh Phúc) và T.H.L (ba tuổi, ở Bắc Giang). Các bé sẽ được bệnh viện hỗ trợ kinh phí gửi tế bào sang Ô-xtrây-li-a làm xét nghiệm.

Chủ động bảo vệ sức khoẻ khi thời tiết rét đậm

(HBĐT) - Chỉ trong mấy ngày rét đậm nhưng số lượng bệnh nhi mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp phải nhập viện đã tăng cao. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Mỗi ngày, phòng khám nhi có khoảng 40 – 50 trẻ đến khám, trong đó ¾ là bệnh liên quan đến đường hô hấp, 10 – 15 ca bệnh nặng phải nhập viện điều trị.

Ngắc ngư với rượu dỏm

Đến hẹn lại lên, cứ dịp cuối năm thị trường rượu các loại trở nên sôi động bởi sự “tung hoành” của rượu giả, rượu kém chất lượng. Và hệ quả nhãn tiền là không ít người bị ngộ độc rượu dỏm. Phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận thực tế và khuyến cáo từ Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM về tình trạng rượu... độc.

Ăn trái thần kỳ để chữa bệnh?

Gần đây có khá nhiều người ở TP.HCM mách nhau tìm mua trái thần kỳ về để thử qua cảm giác ăn chanh, cam… không thấy chua, đặc biệt còn để chữa một số bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, cải thiện sức khoẻ ung thư… Có hay không những công dụng này?

Lưu ý khi chăm sóc trẻ ngày rét

Khi trời rét đậm, trẻ dễ bị viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hay viêm phổi. Nguyên nhân do cha mẹ chưa quan tâm đúng mức trong việc chăm sóc bé trong mùa lạnh. Một số biện pháp sau đây cần thiết để bảo vệ trẻ khi trời rét

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục