Thoái hóa khớp là bệnh khớp mạn tính rất thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau, làm hạn chế hoặc mất khả năng vận động ở người cao tuổi, làm giảm đáng kể chất lượng sống. Việc điều trị bệnh hiện nay là gánh nặng rất tốn kém cho cá nhân người bệnh và toàn xã hội với chi phí điều trị cao, hiệu quả chưa đạt được như mong muốn và có nhiều tai biến nặng nề.

 

Những hạn chế khi dùng thuốc điều trị

Trong số các vị trí thoái hóa khớp thì thoái hóa khớp gối chiếm tỷ lệ cao. Các biện pháp dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid chỉ làm giảm triệu chứng viêm mà không loại trừ được nguyên nhân gây viêm, không làm thay đổi tiến triển của quá trình bệnh lý. Ngoài ra, thuốc có tác động toàn thân và có thể gây một số biến chứng - đặc biệt khi dùng kéo dài, trong đó có biến chứng nặng có thể gây tử vong.
 
Tác dụng phụ nhẹ thường gặp là buồn nôn, đau thượng vị, ợ hơi ợ chua, đau đầu, chóng mặt, ù tai, nổi ban… Các biến chứng nặng nề do dùng thuốc nhóm này như viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết, thủng đường tiêu hóa, hội chứng Lyell, Steven Johnson, gây khởi phát hoặc làm nặng tình trạng hen phế quản, làm nặng thêm vết nhiễm khuẩn… Nhóm thuốc này cũng có thể gây độc tế bào, làm giảm bạch cầu, suy tủy và rối loạn đông máu. Đặc biệt thuốc cũng có thể gây viêm thận kẽ cấp hoặc suy thận cấp, làm gia tăng các biến cố tim mạch ở người có tiền sử bệnh lý ở tim mạch nếu sử dụng thuốc nhóm ức chế chọn lọc COX 2.
 
 Tiêm thuốc nội khớp.
Chính vì thuốc có nhiều tác dụng phụ như vậy nên chống chỉ định tuyệt đối với người có bệnh lý chảy máu, tiền sử mẫn cảm với thuốc, viêm loét dạ dày tá tràng đang tiến triển, suy gan vừa đến nặng, phụ nữ có thai, đang cho con bú. Những người đang có bệnh nhiễm trùng, hen phế quản hoặc tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng cũng không được sử dụng loại thuốc này. Với bệnh nhân buộc phải dùng thuốc thì phải có sự giám sát chặt chẽ của thầy thuốc trong quá trình điều trị.

Nhóm thuốc corticoid tiêm tại khớp gối có tác dụng cải thiện triệu chứng nhanh chóng. Đây là nhóm thuốc khi tiêm nội khớp có tác dụng chống viêm, giảm đau tại chỗ. Tuy nhiên, khi dùng thuốc kéo dài có thể gây tổn thương thoái hóa sụn khớp hoặc gây biến chứng tại chỗ như phản ứng viêm khớp do tinh thể thuốc.

 Tiêm chất nhờn acid hyalorunic (HA) vào khớp có tác dụng tái tạo chức năng bảo vệ, bôi trơn và chống xóc cho khớp nhưng theo nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả không ổn định lâu dài, không có chức năng bảo vệ, tái tạo sụn khớp. Nhìn chung, các biện pháp nội khoa hiện nay điều trị thoái hóa khớp gối chủ yếu nhằm hai mục đích: giảm đau và cải thiện chức năng vận động khớp, tức là vẫn điều trị triệu chứng bệnh chứ chưa đạt tới đích cải thiện được chất lượng sụn khớp hay làm ngừng quá trình thoái hóa.

Các biện pháp khác

Điều trị bằng các biện pháp không dùng thuốc như vật lý trị liệu: chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, tắm suối khoáng, đắp bùn… thường đơn giản, dễ làm, ít biến chứng song hiệu quả chưa cao.

Điều trị ngoại khoa bao gồm đục xương chỉnh trục, nội soi khớp can thiệp, thay khớp gối nhân tạo một phần hay toàn phần chỉ được chỉ định trong những trường hợp có biến đổi giải phẫu khớp hoặc ở giai đoạn muộn của bệnh và thường gây tốn kém nhiều cho bệnh nhân.

Như vậy, việc nghiên cứu tìm ra một kỹ thuật điều trị mới, thực sự tác động tới sự phục hồi sụn, độc lập hoặc phối hợp tốt với các phương pháp điều trị hiện tại nhằm đem lại kết quả cao trong điều trị bệnh, hạn chế các biến chứng và nhu cầu thay khớp nhân tạo là một việc làm cấp thiết. Có nhiều biện pháp đang được nghiên cứu như liệu pháp tế bào gốc tự thân nguồn gốc trung mô (tủy xương hoặc mô mỡ), liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu tự thân… đã mở ra một hướng mới điều trị bảo tồn thoái hóa khớp với đích tác động tới căn nguyên của bệnh là sụn khớp.           

 

                                                                  Theo Báo SKĐS

 

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục