Tết này gia đình anh Xa Văn Siêng, xóm Đắt 1 đã được ở trong ngôi nhà vững chắc nhờ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã.

Tết này gia đình anh Xa Văn Siêng, xóm Đắt 1 đã được ở trong ngôi nhà vững chắc nhờ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã.

(HBĐT) - Không biết có phải vì duyên nợ với vùng cao hay chỉ đơn giản là muốn tìm thấy sự bình lặng, thảnh thơi sau một năm hối hả, tất bật với công việc mà ngày nghỉ đầu năm mới 2013 chúng tôi đã tạm xa sự ồn ào, náo nhiệt nơi phố phường để đến với Giắp Đắt, một xã còn nhiều khó khăn của huyện vùng cao Đà Bắc.

 

Vượt qua quãng đường đèo dốc quanh co tựa như con rắn khổng lồ đang uốn mình trong làn sương mù mờ ảo là đến với Giáp Đắt. Không nhà cao tầng uy nghi, không nhiều cửa hàng, cửa hiệu lung linh đèn điện và cũng chẳng có những con đường rộng rãi, bằng phẳng nối liền các thôn xóm, song Giáp Đắt lại có sự thanh bình, có tình người nồng ấm với sự cảm thông, sẻ chia giữa những cảnh đời, cảnh người. Gió, rét khiến bàn tay chúng tôi lạnh cóng sau quãng đường dài nhưng lòng thì thật ấm áp bởi được đón nhận những nụ cười đôn hậu, lời chào hỏi vồn vã của những người dân chưa một lần quen biết mà như đang đón đứa con ở xa trở về thăm quê. Cùng ngồi sửa ấm bên đống lửa hồng, nghe kể chuyện làng, chuyện xã của những người phụ nữ Tày có hàm răng đen láy càng khiến chúng tôi cảm nhận được tình người chan chứa và những nỗ lực bền bỉ, sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây trong xây dựng cuộc sống mới.

 

Giáp Đắt có 8 xóm với 90% là đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Cuộc sống phần lớn dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp nhưng địa hình chủ yếu là đồi dốc nên diện tích cấy lúa mỗi vụ chưa đầy 40 ha. Khó khăn về đất đai sản xuất đã vậy, hệ thống đường giao thông còn chật vật hơn nhiều. Hiện tại, toàn bộ tuyến đường giao thông liên xóm vẫn là đất đá gập gềnh, trơn trượt. Dòng suối Đắt chảy qua các xóm trông hiền hoà là vậy mà không ít bận vào mùa mưa đã trở thành dòng nước hung dữ chia cắt các xóm đến trung tâm xã. Người dân kể rằng, trường mầm non của xã nằm bên kia con suối, nhiều hôm buổi sáng đưa con đi học, giữa buổi gặp trận mưa to kéo dài là chiều đến bố mẹ chỉ biết sốt ruột đứng trông chứ không thể lội qua đón con về. Rồi lại có những buổi uỷ ban xã tổ chức hội nghị cũng đành phải hoãn lại vì nước lớn cán bộ các xóm không thể qua suối. Khó khăn là thế nhưng điều đáng nói là cán bộ, nhân dân trong xã luôn nỗ lực lao động sản xuất và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vượt qua gian khó. Giúp nhân dân xoá đói giảm nghèo để mỗi độ tết đến, xuân về không có hộ thiếu đói, nhà nhà đều có xôi dẻo, bánh thơm, có lợn, có gà cùng chén rượu nồng cay là mục tiêu phấn đấu của cấp uỷ, chính quyền xã Giáp Đắt.

 

Năm nay, gia đình anh Xa Văn Siêng, xóm Đắt 1 đã được đón cái tết ấm cúng, đầy đủ. Tiếp khách trong ngôi nhà mới được xây dựng, anh nhớ lại một thời khốn khó: Mới chỉ vài năm trước, việc lo cái ăn từng bữa đối với vợ chồng anh đã là điều khó chứ chưa nói gì tới việc có nhà vững chắc để ở. Bởi anh quanh năm bệnh tật ốm yếu, mọi việc lớn nhỏ đều dồn vào đôi tay gầy guộc của người vợ. Thương vợ vất vả, thương con nheo nhóc anh chỉ biết để trong lòng vì thiếu sức khoẻ để lăn lộn với đồng ruộng, đồi nương. Thấu hiểu và cảm thông với hoàn cảnh người dân, cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã Giáp Đắt đã bàn luận tìm hướng giúp gia đình anh cũng như các hộ khó khăn trong xã thoát nghèo. Theo đó, xã đã  mạnh dạn làm cầu nối tạo điều kiện giúp gia đình anh được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để đầu tư nuôi bò sinh sản và có chút vốn trồng sắn, trồng rừng. Cùng với đó, từ nguồn vốn của chương trình 167, xã tiếp tục hỗ trợ 8,4 triệu đồng, làng xóm góp công, góp sức giúp vợ chồng anh dựng nên ngôi nhà mới. Có tư liệu sản xuất, có nhà ở vững chắc đã tiếp thêm quyết tâm, nghị lực giúp vợ chồng anh vượt qua cảnh đói nghèo.

 

Giống như vợ chồng anh Xa Văn Siêng, những năm qua, từ các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn, xã Giáp Đắt đã có 110 hộ gia đình nghèo khó được hỗ trợ làm nhà ở. Nhờ vậy mà đến nay, toàn xã không còn hộ dân nào phải ở nhà dột nát. Theo ông Xa Đức Hện, Bí thư Đảng uỷ xã: Cũng nhằm thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, ngoài việc tích cực bám sát cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân bám đất, bám rừng, tăng gia sản xuất để nâng cao hiệu quả lao động thì cấp uỷ, chính quyền xã luôn chú trọng phân công các ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên có trách nhiệm giúp đỡ hộ nghèo. Từ việc đi sâu cơ sở tìm hiểu rõ nguyên nhân đói nghèo của mỗi gia đình là do thiếu kiến thức, kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu đất sản xuất hay do thiếu sức lao động hoặc không biết cách tổ chức quản lý mà xã tìm cách để tháo gỡ dần. Qua đó, xã đã cử cán bộ đến tận hộ gia đình để hướng dẫn cách làm ăn; tạo điều kiện thuận lợi giúp các gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay; từng đoàn thể chủ động phối hợp với ngành chức năng của huyện mở các lớp chuyển giao KHKT về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng cho nhân dân và huy động hội viên ủng hộ ngày công giúp đỡ các gia đình neo đơn, thiếu sức lao động. Riêng đối với những hộ thiếu đất sản xuất, xã đưa ra kỳ họp HĐND cùng bàn bạc tìm hướng giải quyết và trong năm 2012 toàn xã đã có 20 hộ gia đình được hỗ trợ đất để canh tác. Cũng nhờ có sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền mà trong năm Giáp Đắt đã giảm được gần 20 hộ nghèo; thu nhập bình quân được nâng lên 8 triệu đồng/người/năm; bình quân lương thực đạt trên 400 kg/người/năm

 

Trao đổi với Bí thư Đảng uỷ xã được biết: Những kết quả đạt được trong lãnh đạo nhân dân phát triển KT - XH, xoá đói giảm nghèo không thể không kể đến hiệu quả công tác cán bộ của Đảng uỷ xã. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ là sự thành bại của cách mạng, những năm qua, Đảng uỷ xã luôn coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Từ năm 2011 đến nay, xã đã cử 8 cán bộ đi học về chính trị hành chính và nhiều cán bộ được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, các đoàn thể. Trong 21 cán bộ công chức của xã hiện 2 cán bộ có trình độ chuyên môn đại học, 4 trình độ cao đẳng, 6 trung cấp, 10 cán bộ có trình độ trung cấp LLCT. Với việc quan tâm tới chất lượng đội ngũ đã góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, giải quyết công việc cũng như hiệu quả việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhờ vậy mà Đảng uỷ, chính quyền xã đã xây dựng và ban hành thực hiện nhiều nghị quyết, kế hoạch phù hợp, được nhân dân ủng hộ như nghị quyết, kế hoạch về sản xuất nông nghiệp, trồng rừng phủ xanh đất trống đối núi trọc, việc cấm chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy với  quy định cụ thể về mức xử phạt các trường hợp vi phạm... đã khuyến khích, động viên được nhân dân tích cực lao động sản xuất, tăng thu nhập theo đúng chủ trương, định hướng.

 

Kinh tế từng bước khởi sắc là niềm phấn khích để người dân Giáp Đắt  tích cực, chủ động tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hoá - xã hội, giữ vững QP - AN và các phong trào, cuộc vận động triển khai ở cơ sở. Điều này được ghi nhận ở kết quả trong năm 2012, xã có 2 xóm được công nhận làng văn hoá, 472 hộ gia đình văn hoá. Đảng bộ xã liên tục trong 3 năm liền đạt tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh.

 

Một ngày ở Giáp Đắt với nhiều nỗi nhớ, niềm thương. Chia tay chúng tôi còn mãi vấn vương tình người nồng ấm, chén rượu xuân ấm lòng ngày giá rét, vị măng đắng nướng thơm nức, là một sản vật của địa phương chỉ có ở mùa xuân. Vẫn biết rằng nơi đây chưa hết khó khăn, vất vả nhưng với bản chất chịu thương, chịu khó sẽ chắp thêm đôi cánh giúp cán bộ, nhân dân Giáp Đắt vững tin vào cuộc sống, để rồi những ngày đầu xuân gái trai miền sơn cước lại được tay nắm tay đắm mình trong điệu múa xoè, náo nức với hội tung Còn chào đón một năm mới đã sang.

 

 

                                                                   Hoàng Nga

 

Các tin khác


Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục