Học viên Trung tâm giáo dục LĐXH huyện Lạc Sơn, sản xuất ghach nung để cải thiện đời sống.
(HBĐT) - Trung tâm GD-LĐXH Lạc Sơn được thành lập tháng 5/2006, hơn 5 năm qua, đội ngũ CBVC Trung tâm đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để tiếp nhận quản lý giáo dục về nhận thức, phục hồi sửa đổi hành vi, tâm lý, chăm sóc sức khoẻ, tổ chức lao động sản xuất, lao động trị liệu và dạy nghề cho từ 300-350 học viên là người nghiện ma tuý sau cắt cơn giải độc phục hồi và tạo điều kiện để họ tái hoà nhập cộng đồng.
Mặc dù đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng đội ngũ CBVC Trung tâm cũng còn nhiều băn khoăn. Anh Nguyễn Văn Trọng, cán bộ phòng Hành chính Trung tâm bày tỏ: từ năm 2007 đến nay, việc đi lại của lãnh đạo Trung tâm cũng như đưa học viên đi khám - chữa bệnh, bàn giao học viên hết thời hạn về địa phương tái hòa nhập cộng đồng hầu như chỉ trông chờ vào chiếc xe 7 chỗ sản xuất từ năm 1991. Vận hành hơn 21 năm nên xe đã hết khấu hao, thường xuyên bị hư hỏng. Vì thế, không ít trường hợp cán bộ Trung tâm phải đưa đón học viên bằng xe máy hoặc xe buýt. Trong điều kiện đa số học viên là người đã có tiền án, tiền sự và có trên 20% mắc HIV, nhiều người luôn có tư tưởng bỏ trốn, điều kiện phương tiện như hiện nay là hết sức khó khăn, nguy hiểm. Chúng tôi mong muốn cấp trên xem xét sớm cấp đơn vị phương tiện để phục vụ công tác bởi đó thực sự là nhu cầu thiết yếu để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đã 5 năm đi vào hoạt động, từng bước được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, với hệ thống nhà ở đủ để tiếp nhận từ 300-350 học viên, dây chuyền sản xuất gạch, thiết bị dạy nghề...nhưng đến nay, điều kiện để tổ chức các nhiệm vụ quản lý, giáo dục, dạy nghề trong ở Trung tâm vẫn còn nhiều khó khăn, anh Bùi Văn Nam, Phó giám đốc Trung tâm trăn trở: Trung tâm được đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất gạch, trang thiết bị dạy nghề cho học viên, nhưng lại chưa được đầu tư nhà xưởng, lớp học nên công tác dạy nghề cho học viên gặp không ít khó khăn. Hơn nữa diện tích đất của Trung tâm hiện chỉ có 4,1ha, không đủ diện tích để tăng gia, chăn nuôi, sản xuất, nhất là không có đất làm nguyên liệu tại chỗ cho dây chuyền sản xuất gạch. Trước thực tế đó, đơn vị đã lập đề án xin mở rộng thêm 27 ha để có đất tăng gia sản xuất và đã được sự thống nhất của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Hương Nhượng. Báo cáo và hồ sơ, thủ tục đã gửi UBND huyện Lạc Sơn đề nghị trình UBND tỉnh phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa được UBND huyện Lạc Sơn xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế thắt chặt, nên sản phẩm gạch nung của đơn vị dù chất lượng tốt, giá thành hợp lý nhưng vẫn khó tiêu thụ. Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng của tỉnh và huyện Lạc Sơn có cơ chế phù hợp giúp đơn vị tiêu thụ sản phẩm, có như vậy mới có thể cải thiện đời sống học viên.
Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện đi lại và kinh phí xây dựng xưởng thực hành để phục vụ cho việc dạy nghề..., mức sống của học viên quá eo hẹp cũng là điều khiến đội ngũ CBVC ở Trung tâm hết sức lo lắng, anh Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết : mức tiền ăn 450.000 đồng/tháng/học viên được hướng dẫn thực hiện từ tháng 4 năm 2012, mặc dù đơn vị đã hỗ trợ thực phẩm, rau xanh nhưng chỉ có 15.000 đồng/học viên cho 1 bữa sáng và 2 bữa chính khiến chúng tôi rất khó xoay sở. Bên cạnh đó, khi học viên hết thời gian Nhà nước cấp kinh phí 12 tháng bước sang tháng thứ 13, phần lớn các gia đình phó mặc cho Trung tâm không đóng góp hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí nên đời sống học viên khá kham khổ, hoạt động của đơn vị lại càng thêm khó khăn. Ở các tỉnh khác như Phú Thọ, Hà Nội, mức tiền ăn của học viên được điều chỉnh theo mức lương tối thiểu, chúng tôi mong muốn UBND và các ngành chức năng của tỉnh quan tâm, xem xét sớm điều chỉnh để từng bước cải thiện đời sống cho học viên.
Cùng chúng tôi dạo một vòng trong khuôn viên của Trung tâm, anh Thắm cho biết thêm : Chất lượng đời sống của CBVC và học viên bị ảnh hưởng lớn do chưa được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt. Đơn vị đã đào giếng và khoan giếng sâu tới 80 m nhưng đều không có nước nên phải bơm nước từ sông Bưởi về sử dụng, vào mùa mưa lũ, nước sông đục ngầu nhưng vẫn phải dùng vì không có nguồn nào khác. Vấn đề này, tại buổi làm việc với Trung tâm hồi đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã có kết luận, chúng tôi đề nghị các ngành chức năng sớm quan tâm giải quyết để đảm bảo đời sống cho CBVC và học viên. Trăn trở hơn cả đối với Trung tâm là vấn đề cán bộ, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Quang Triệu cho biết: Số cán bộ lao động hợp đồng 68/NĐ - CP hiện nay đang có mặt tại Trung tâm 26 đồng chí, tất cả đều được sự thỏa thuận của Sở Nội vụ và của Sở LĐ –TB&XH xét tuyển và hưởng lương từ ngân sách cấp hàng năm vào làm các công việc chuyên môn của đơn vị. Trong đó, đa số đã làm việc tại trung tâm từ ngày đầu mới thành lập. Đến nay, tại Quyết định 1864/QĐ-UBND ngày 4/12/2012 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng 68/2000/NĐ-CP chỉ làm một số công việc cụ thể là : bảo vệ, lái xe, tạp vụ, điện, nước chỉ có 13 người. Theo đó có 13 người thuộc diện dôi dư khiến chúng tôi rất lúng túng. Chức năng nhiệm vụ được bổ sung nhưng kinh phí không tăng, cán bộ đang lại thiếu phải tinh giảm, thậm chí từ khi thành lập đến nay không được biên chế nhân viên làm tiếp phẩm, nấu cơm. Từ thực tế đó, chúng tôi đề nghị được giao chỉ tiêu viên chức hàng năm để tuyển số lao động còn lại đã có đủ bằng cấp chuyên môn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Với sự nỗ lực của tập thể CBVC, đến nay, đơn vị đã có thể đảm nhận thêm nhiệm vụ mới là điều trị cắt cơn và nhận học viên trực tiếp từ các huyện đưa vào. Đặc biệt, Trung tâm GD - LĐXH Lạc Sơn đã trở thành tổ ấm của không ít người một thời lầm lỗi. Sau khi hết thời hạn theo quyết định cai nghiện cưỡng bức, Trần Văn Bình ở tiểu khu 2, thị trấn Mai Châu làm đơn xin ở lại Trung tâm, không ít người nghiện ma túy ở thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) tự nguyện tìm đến Trung tâm để mong thoát khỏi ma túy. Đó là minh chứng cho kết quả của Trung tâm trong đấu tranh phòng - chống tệ nạn ma túy, góp phần giữ gìn TTATXH trên địa bàn tỉnh.
Đức Phượng
(HBĐT) - Nằm trên tuyến đường 15 Mai Châu - Thanh Hoá được xem là trục trung chuyển ma tuý từ biên giới vào nội địa, “Cơn bão ma túy” đã mang đến bao biến động trong đời sống nhân dân xã Bao La (Mai Châu) với 55 người nghiện ma tuý ở 100% thôn, xóm trên địa bàn.
(HBĐT) - 6 tháng đầu năm, Trung tâm phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng tỉnh đã tăng cường điều tra côn trùng truyền bệnh và thử tồn lưu hoá chất, giám sát vector tại các điểm kính. Đồng thời, triển khai phun 75 lít hóa chất FENDONA 10 SC, tẩm 31.808 chiếc màn với 420 lít hóa chất ICON 2,5 CS để diệt và xua muỗi truyền bệnh. Qua đó bảo vệ được 70.000 người sống trong vùng sốt rét trọng điểm.
(HBĐT) - Ngày 22/7, Quân đoàn I – Lữ đoàn công binh 299 đã phối hợp với xã Yên Trị - Yên Thủy tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 130 đối tượng chính sách xã Yên Trị.
(HBĐT) - Ngày 23/7, tại xóm Phú Vượng xã Phú Lai Yên Thuỷ, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tặng cho gia đình Đinh Quang Hưng là con Liệt sỹ Đinh Văn Thìn hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ tổ quốc.
(HBĐT) - Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2013), sáng 23/7, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Miêng tại xóm Hang Đồi 2, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn. Cùng đi có lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Bộ CHQS tỉnh, Hội CCB tỉnh và huyện Lương Sơn.
(HBĐT) - Nhân kỷ niệm 66 năm ngày thương binh liệt sỹ, vừa qua, lãnh đạo MTTQ huyện, UBND thị trấn Đà Bắc tổ chức trao nhà đại đoàn kết cho cụ Đinh Thị Ngheng là mẹ của liệt sỹ Đinh Công Phòng, tại tiểu khu Đoàn Kết - thị trấn Đà Bắc.